Vang mãi bản anh hùng ca chiến thắng Điện Biên Phủ

07/05/2024 06:11

Cách đây 70 năm, dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã anh dũng chiến đấu đập tan tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, giành thắng lợi quyết định, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Đây được coi là một trong những chiến công chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định “là một mốc son chói lọi bằng vàng của lịch sử”.

Ngược dòng lịch sử, từ năm 1953, thấy rõ vị trí quan trọng của Điện Biên Phủ, thực dân Pháp đã tăng cường binh lực, vũ khí, trang thiết bị quân sự, củng cố hệ thống phòng ngự, xây dựng Điện Biên Phủ thành một “pháo đài bất khả xâm phạm”. Đánh giá đúng tình hình và âm mưu, thủ đoạn của địch, tháng 12/1953, Bộ Chính trị đã sáng suốt quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau khi hoàn thành các công tác chuẩn bị, ngày 13/3/1954, ta nổ súng tiến công tuyến phòng ngự vòng ngoài. Chiến dịch quyết chiến vĩ đại bắt đầu.

Sau 56 ngày đêm (từ 13/3 - 7/5/1954) chiến đấu gian khổ, “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt”, bằng ý chí quyết chiến quyết thắng, tinh thần bất khuất kiên cường, quân và dân ta đã tiêu diệt toàn bộ quân Pháp ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Lá cờ "Quyết chiến quyết thắng" của Quân đội Nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng Christian de Castries, ngày 7/5/1954. Ảnh: tư liệu

 

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã giáng đòn quyết định, trực tiếp dẫn đến việc Chính phủ Pháp phải ký Hiệp định Geneve về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình, cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam; đồng thời, mở đầu một giai đoạn mới của cách mạng Việt Nam, đưa miền Bắc quá độ lên chủ nghĩa xã hội, làm hậu phương vững chắc cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Tiếp nối chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, dân tộc ta đã viết tiếp bản anh hùng ca chói lọi, lập nhiều chiến công hiển hách như Điện Biên Phủ trên không năm 1972, chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Trên phương diện quốc tế, chiến thắng Điện Biên Phủ có một ý nghĩa rất lớn và đã đi vào lịch sử nhân loại, bởi đây là lần đầu tiên quân đội của một nước từng là thuộc địa ở Châu Á đánh bại đội quân hiện đại và tối tân của một cường quốc Châu Âu. Qua đó, cổ vũ mạnh mẽ  các thuộc địa của Pháp ở Châu Phi cũng đồng loạt nổi dậy đòi độc lập.

Lịch sử đã khẳng định, thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp mà đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ là chiến thắng của lòng yêu nước và tinh thần bất khuất dân tộc đã đi vào lịch sử như một sự kiện đặc biệt, một mốc son chói lọi mang ý nghĩa và tầm vóc vĩ đại nhất trong thế kỷ XX.

Nhà rông Kon Klor – một trong 5 điểm cầu truyền hình trực tiếp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: Internet

 

Trong niềm tự hào chung của dân tộc, quân và dân Kon Tum cũng rất vinh dự khi đã có những đóng góp quan trọng làm nên chiến thắng  ở mặt trận Bắc Tây Nguyên, góp phần vào chiến thắng lịch sử ở mặt trận Điện Biên Phủ.

Theo các tài liệu lịch sử, cuối tháng 1/1954, lúc bộ đội ở Điện Biên Phủ bắt đầu kéo pháo ra, ngày 27-28/01/1954, bộ đội ta cũng đã nổ súng tấn công cứ điểm Măng Đen- một cứ điểm kiên cố nhất, xương sống của cụm cứ điểm phía Bắc tỉnh Kon Tum. Trận then chốt mở màn chiến dịch thắng lợi, cùng với các trận diệt cứ điểm Măng Bút và Kon Braih, lực lượng vũ trang Liên khu 5 và quân dân Kon Tum đã đập tan cụm phòng ngự của quân Pháp ở Bắc Tây Nguyên.

Ngày 7/2/1954, sau gần chín năm kháng chiến, quân và dân Kon Tum đã vượt qua nhiều gian khổ, chiến đấu dũng cảm, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, cùng bộ đội chủ lực giải phóng thị xã và toàn tỉnh Kon Tum rộng lớn với hơn 14.000 km2 với gần 200 ngàn dân.

Sau thắng lợi giải phóng Kon Tum, ta tiến công bao vây Pleiku, buộc địch phải điều động quân từ Tuy Hòa về Pleiku. Đến đây, kế hoạch Nava của Pháp bước đầu phá sản, buộc chúng phải phân tán lực lượng và giam chân ở miền núi. Ở miền Bắc, ngày 13/3/1954, chiến dịch Điện Biên Phủ mở màn.

Trong Thư chúc mừng chiến thắng của quân và dân Kon Tum, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết: “Thắng lợi Kon Tum là một thắng lợi lớn của ta trên chiến trường miền Nam, nó cũng là một trong những thắng lợi to lớn của ta trong mùa Xuân này trên chiến trường toàn quốc”.

Vào ngày 7/5/1954, cùng nhân dân cả nước, người dân Kon Tum cũng chào đón thắng lợi Điện Biên Phủ lẫy lừng, đánh bại hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của thực dân Pháp.

 70 năm đã trôi qua, nhưng những thanh âm hào hùng của chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ vẫn vang vọng đầy tự hào trong trái tim của mỗi người Việt.

Tại buổi gặp mặt, tri ân các chiến sĩ Điện Biên (ngày 17/4), Thủ tướng Phạm Minh Chính  khẳng định “chiến thắng Điện Biên Phủ mãi mãi là bản anh hùng ca bất diệt, một dấu mốc bằng vàng chói lọi trong lịch sử dân tộc ta, non sông đất nước ta. Đặc biệt, “chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn luôn là động lực mạnh mẽ, tiếp thêm sức mạnh to lớn, niềm tin vững chắc cho toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân ta phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; quyết tâm cao hơn nữa, nỗ lực lớn hơn nữa, hành động quyết liệt hơn nữa, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, xây dựng đất nước Việt Nam ta ngày càng hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ngày càng hạnh phúc, ấm no”.

Trân trọng quá khứ để hướng tới tương lai. Tầm vóc vĩ đại và ý nghĩa lịch sử của chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn là nguồn cổ vũ lớn lao cho toàn thể nhân dân ta trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Thiên Hương

Chuyên mục khác