Vầng dương chiếu rọi

26/09/2022 06:02

Cách đây tròn 92 năm, ngày 25/9/1930, tại Nhà ngục Kon Tum có một Chi bộ Đảng Cộng sản ra đời, đây là tổ chức Đảng đầu tiên ở Kon Tum, trở thành vầng dương soi sáng, chiếu rọi niềm tin vào con đường đấu tranh giải phóng dân tộc mà Đảng và Bác Hồ kính yêu đã vạch ra.

Từ Chi bộ đầu tiên được thành lập tại nhà tù khắc nghiệt của thực dân, đế quốc, những người cộng sản trung kiên ở Kon Tum không ngừng đấu tranh và phát triển tổ chức đảng ngày càng lớn mạnh. Để rồi hôm nay, trở thành một Đảng bộ có một bề dày truyền thống vẻ vang, lãnh đạo nhân dân các dân tộc trong tỉnh vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, xây dựng tỉnh Kon Tum ngày càng giàu mạnh và phát triển.

Vượt qua những chặng đường đấu tranh gian khổ, sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, Đảng bộ tỉnh đã kịp thời lãnh đạo đồng bào các dân tộc trong tỉnh bắt tay vào khôi phục hậu quả nặng nề của chiến tranh, ổn định kinh tế-xã hội, kiến thiết quê hương. Đặc biệt là năm 1991, khi tỉnh Kon Tum được thành lập lại với vô vàn những khó khăn và thử thách hết sức gay gắt, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, quân và dân các dân tộc trong tỉnh đoàn kết, thống nhất, đồng cam cộng khổ thực hiện sự nghiệp đổi mới, vượt qua những khó khăn, thử thách, từng bước đưa tỉnh nhà vào thế ổn định, chuẩn bị cho sự phát triển trong thời kỳ mới.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang thăm vườn cây mắc ca tại xã Pờ Y (huyện Ngọc Hồi). Ảnh: D.Đ.N

 

Trải qua quá trình xây dựng và phát triển, niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh của quân và dân trong tỉnh tiếp tục được củng cố. Đặc biệt là trong nhiệm kỳ 2015-2020, mặc dù tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường; tình hình trong nước còn nhiều khó khăn, nhất là thiên tai, dịch bệnh và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch. Bên cạnh đó, những khó khăn của một tỉnh miền núi, biên giới, kết cấu hạ tầng còn yếu kém đã ảnh hưởng đến phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh trên địa bàn. Song, dưới sự chỉ đạo kịp thời, sâu sát của Trung ương Đảng, Chính phủ, với quyết tâm của cấp ủy, chính quyền và sự nỗ lực, phấn đấu của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy kịp thời cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ tỉnh, xây dựng các chương trình, kế hoạch để lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả trên các lĩnh vực và giành được nhiều kết quả quan trọng.

Theo đó, quy mô kinh tế của tỉnh tăng đáng kể. Tính đến cuối năm 2020, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) ước đạt 25.400 tỷ đồng, tăng gần 72% so với năm 2015. Tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 9,13%/năm (đạt chỉ tiêu Nghị quyết). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng các ngành công nghiệp-xây dựng tăng từ 23,19% năm 2015 lên 29,1% năm 2020; thương mại-dịch vụ tăng từ 39,08% năm 2015 lên 43,64% năm 2020; nông, lâm, thủy sản giảm từ 30,17% năm 2015 xuống còn 19,32% năm 2020. GRDP bình quân đầu người tăng từ 1.406 USD năm 2015 lên 1.990 USD (khoảng 45,7 triệu đồng) vào cuối năm 2020 (tăng 41,5%); thu nhập bình quân đầu người năm 2020 khoảng 31,5 triệu đồng. Thu ngân sách nhà nước tại địa bàn đến năm 2020 đạt 3.505 tỷ đồng (đạt chỉ tiêu Nghị quyết).

Nông nghiệp ngày càng phát triển theo chiều sâu. Việc dồn đổi, tích tụ đất nông nghiệp ở những nơi có điều kiện để xây dựng “cánh đồng lớn”, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ được chú trọng triển khai, một số sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu.

Công nghiệp chuyển biến cả về quy mô và chất lượng. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng đều qua các năm, bình quân giai đoạn 2015-2020 tăng 10,83%/năm. Công nghiệp chế biến được chú trọng và phát triển. Đến nay, một số sản phẩm công nghiệp thế mạnh của tỉnh có chiều hướng phát triển tốt.

Đặc biệt hơn, nhìn lại khoảng thời gian từ năm 2020 trở lại đây, mặc dù dưới tác động của dịch Covid-19, nhưng Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đồng hành với nhân dân trong tỉnh bình tĩnh, vận dụng khéo léo, linh hoạt nhiều biện pháp để khống chế, ngăn chặn dịch bệnh, giữ vững sự phát triển kinh tế-xã hội tỉnh nhà.

Đáng chú ý là bước sang năm 2022 - năm thứ 2 thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, mặc dù bị tác động của “cơn bão” dịch trước đó, nhưng kinh tế của tỉnh nhà tiếp tục có những chuyển biến tích cực, mạnh mẽ hơn. Xin được điểm qua vài con số đầy ấn tượng sau 8 tháng thực hiện nhiệm vụ của năm 2022 để minh chứng tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh có sự chuyển mình, phục hồi đáng kể, làm tiền đề để từng bước thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVI đã đề ra.

Trong 8 tháng năm 2022, thu ngân sách nhà nước ước đạt 2.742 tỷ đồng, tăng 44% so với cùng kỳ năm 2021; bằng 68,6% dự toán địa phương giao và nếu so với dự toán Trung ương giao thì thu ngân sách nhà nước toàn tỉnh đã đạt tới 98,4%; giải ngân nguồn vốn đầu tư công 1.195,2 tỷ đồng, đạt 47,12% so với thực nguồn kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 địa phương giao, cao hơn so với cùng kỳ năm 2021 (35,68%) và cao hơn tỷ lệ giải ngân chung của cả nước (39,15%). Sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tăng 18,67% và ổn định. Lĩnh vực nông nghiệp tiếp tục phát huy vai trò nền tảng và là lĩnh vực kinh tế quan trọng của tỉnh với diện tích cây trồng tiếp tục được mở rộng; trồng mới nhiều diện tích cây trồng chủ lực, kinh tế mũi nhọn góp phần mở ra sản xuất nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao hơn trong tương lai. Bên cạnh đó, văn hóa- xã hội không ngừng được tiến bộ, nhiều vấn đề xã hội bức xúc được quan tâm giải quyết; đời sống của nhân dân tiếp tục được cải thiện; an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội không ngừng được đảm bảo giữ vững; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị đạt nhiều kết quả tích cực.

Tiếp nối vầng dương chiếu rọi, Đảng bộ tỉnh tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, củng cố niềm tin toàn quân, toàn dân, khơi dậy ý chí, khát vọng xây dựng quê hương Kon Tum ngày càng phồn vinh, giàu đẹp.

Dương Đức Nhuận

Chuyên mục khác