Ứng phó hiệu quả giúp giảm thiểu thiệt hại

03/10/2022 06:01

Bão số 4 (bão Noru)- một trong những cơn bão lớn nhất trong những năm qua ảnh hưởng tới nhiều tỉnh, thành miền Trung và Tây Nguyên, trong đó có tỉnh ta đã đi qua. Dù vẫn có thiệt hại xảy ra, nhưng được giảm thiểu đến mức thấp nhất, người dân được an toàn nhờ sự chủ động, vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, các lực lượng và người dân.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Tháp kiểm tra tình hình phòng, chống bão số 4 tại huyện Kon Rẫy. Ảnh: TH

 

Tuần qua, vấn đề  “nóng” nhất và được quan tâm nhiều nhất có lẽ là công tác phòng, chống, ứng phó với bão số 4. Đến giờ, chúng ta có thể “thở phào” khi cơn bão đã đi qua và công tác ứng phó có thể nói là đạt được những kết quả khả quan, tích cực.

Mặc dù khi đổ bộ vào đất liền, bão số 4 đã giảm cường độ, nhưng đây vẫn là cơn bão rất mạnh và nguy hiểm. Trên địa bàn tỉnh ta, thông tin dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn tỉnh cho thấy, bão đã gây gió mạnh, mưa to đến rất to tại nhiều địa phương. Trên địa bàn các huyện Kon Plông, Tu Mơ Rông, Đăk Glei lượng mưa phổ biến đạt từ 100-300mm, gió mạnh cấp 5, cấp 6, giật cấp 8; các huyện còn lại lượng mưa phổ biến 70-120mm. Lũ trên các sông chính lên cao, đặc biệt là trên sông Pô Kô và Đăk Tờ Kan, nước lũ lên cao hơn mức báo động cấp 3; lũ quét, ngập úng ở nhiều nơi.

Bão lũ đi qua, thiệt hại là điều khó tránh khỏi. Một số tuyến đường bị sạt lở, cầu cống bị hư hỏng; nhiều diện tích cây trồng bị nước nhấn chìm, cuốn trôi; một số nhà dân bị ngập nước. Thế nhưng, điều đáng mừng là thiệt hại đã được giảm thiểu và quan trọng hơn là tính mạng người dân đã được đảm bảo an toàn.

Điều này không phải do may mắn mà chính sự chuẩn bị chu đáo với tâm thế chủ động, sẵn sàng ứng phó của tất cả các cấp, các ngành đã giúp công tác tổ chức thực hiện phương án phòng, chống bão hiệu quả.

Với mục tiêu cao nhất bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, hạn chế tối đa thiệt hại về người, tài sản của nhân dân và nhà nước, dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã vào cuộc quyết liệt, chỉ đạo sát sao; các ngành, địa phương hành động khẩn trương ngay từ khi nhận định bão số 4 sẽ gây ảnh hưởng tới tỉnh ta.

Với tinh thần “đi trước một bước” so với diễn biến của bão, dốc sức để lo cho dân, ngày 25/9, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Công điện số 04/CĐ-CTUBND chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan theo dõi, tập trung ứng phó với bão Noru và mưa lớn.

Ngày 26/9/2022, Thường trực Tỉnh ủy đã tổ chức cuộc họp khẩn trực tuyến với các địa phương, đơn vị triển khai các nhiệm vụ cấp bách phòng, chống, ứng phó với bão lũ. Thường trực Tỉnh ủy cũng đã phân công các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Tổ trưởng Tổ cấp ủy phụ trách địa bàn đến tận cơ sở chỉ đạo công tác chuẩn bị ứng phó với bão số 4, di dời tài sản, tổ chức sơ tán người dân.

Ngày sau đó, UBND tỉnh đã lập 3 đoàn công tác của tỉnh về cơ sở, kiểm tra các khu vực trọng điểm, xung yếu tại các huyện, thành phố để kịp thời chỉ đạo công tác phòng chống, ứng phó và khắc phục hậu quả khi có tình huống thiên tai, sự cố do bão gây ra.

Sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tạo tâm thế tự tin, quyết tâm và nâng cao tinh thần trách nhiệm cho các địa phương trong quá trình triển khai nhiệm vụ phòng, chống bão.

Chỉ trong một thời gian rất ngắn, các địa phương đã kịp thời kiểm tra, rà soát kỹ càng những khu vực nguy hiểm, cắm biển cảnh báo, bố trí lực lượng ngăn không cho người dân qua lại; đồng thời, sơ tán 1.201 hộ dân với 4.349 nhân khẩu ra khỏi những địa bàn có nguy cơ cao về sạt lở, lũ quét đến nơi an toàn. Công tác thông tin, tuyên truyền được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức giúp người dân, nhất là đồng bào DTTS ở vùng sâu, vùng xa nắm bắt được tình hình, thấy rõ được tính chất và mức độ nguy hiểm của cơn bão để chủ động, tự giác phòng tránh. Các công trình trường học, trạm y tế, lưới điện được gấp rút gia cố; nhà cửa người dân được chằng chống cẩn thận.

Ngành Giáo dục đã cho toàn bộ học sinh nghỉ học sớm (từ ngày 27/9) để đảm bảo an toàn cho học sinh và giáo viên. Nhiều trường, lớp được trưng dụng thành nơi tránh trú cho người dân; bàn ghế được kê lại, chiếu chăn được trải ra, lương thực, thực phẩm được đưa tới giúp người dân an tâm ở lại, an toàn trong mưa bão. Thuốc men, vật tư khám chữa bệnh, các nhu yếu phẩm cần thiết khác cũng được chuẩn bị đầy đủ, đáp ứng được yêu cầu trong mọi tình huống xấu nhất.

Các ngành, địa phương đã chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị quản lý, vận hành hồ chứa thủy lợi, thủy điện triển khai quy trình vận hành xả nước hợp lý, đảm bảo an toàn cho các công trình và cả dân cư vùng hạ du.

Tất cả đều được lên kịch bản và tính toán kỹ, chi tiết, cẩn thận với tinh thần trách nhiệm cao.

Bên cạnh đó, không thể không nhắc tới vai trò của cơ quan dự báo khí tượng thủy văn khi những thông tin về mưa bão, tình hình thời tiết liên tục được cung cấp với tính chính xác cao và kịp thời để các cấp, các ngành đưa ra giải pháp ứng phó đúng và trúng, góp phần tích cực giảm thiểu thiệt hại.

Bão qua, đâu đó có người nói rằng chúng ta đã làm quá lên thông tin, cường độ bão hay lo lắng một cách thái quá, thế nhưng chắc chắn điều đó không thảm khốc bằng những cái chết đau lòng chỉ vì chúng ta chủ quan, khinh bão. Bởi, trong phòng tránh thiên tai, chỉ cần một chút lơ là thôi, chúng ta sẽ phải trả giá đắt và không thể sửa sai.

Thiên tai luôn diễn biến khó lường và tiềm ẩn nhiểu yếu tố nguy hiểm, vì vậy, phòng luôn quan trọng hơn chống và cần đi trước một bước. Thực tiễn công tác ứng phó với cơn bão số 4 này đã chứng minh, chính sự chủ động, sẵn sàng và chắc chắn đã góp phần giảm thiểu thiệt hại, đặc biệt là tính mạng người dân.

Thùy Hương

Chuyên mục khác