Tuyên chiến với thực phẩm bẩn

19/06/2017 08:21

Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội cho rằng, sản xuất kinh doanh thực phẩm bẩn là một tội ác và cần phải tuyên chiến một cách không khoan nhượng.

Từ lâu, đại biểu Quốc hội và các cơ quan báo chí nhiều lần lên tiếng cảnh báo về tình trạng không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm ở nước ta. Đây là vấn nạn xã hội không hề nhỏ, thực phẩm bẩn bày bán trên thị trường mà thiếu sự ngăn chặn, xử lý triệt để của các cơ quan quản lý nhà nước là một trong những nguyên nhân gây ra các căn bệnh nguy hiểm, tốn tiền của, gây ảnh hưởng sức khỏe, tính mạng của nhân dân; ảnh hưởng đến sự phát triển của giống nòi trong tương lai.

Sở dĩ lần này các đại biểu Quốc hội lại nêu vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm một cách quyết liệt như vậy là vì tình trạng sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn đã thật sự đến hồi báo động, cần phải có sự vào cuộc một cách quyết liệt với những giải pháp căn cơ, hiệu quả hơn để bảo vệ sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng, vì sự phát triển của con người Việt Nam.

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của các ngành chức năng, trong 5 năm qua có hơn 1.700 vụ ngộ độc thực phẩm, với trên 30 nghìn người mắc, 164 người chết; trên 70.000 người chết vì ung thư và hơn 200.000 ca ung thư phát hiện mới mỗi năm, trong đó có một phần nguyên nhân từ sử dụng thực phẩm không an toàn… Đây chỉ là phần nổi của “tảng băng” ngộ độc thực phẩm, bởi con số thực tế lớn hơn nhiều. Hàng ngày, hàng giờ, thực phẩm bẩn vẫn đang tồn tại hầu như tất cả các địa phương trên cả nước, hiện diện trong bữa ăn của từng gia đình…

Đối với tỉnh ta, thực phẩm bẩn tồn tại trong quá trình sản xuất kinh doanh, trao đổi buôn bán trong đời sống xã hội mà ngành chức năng chưa kiểm soát hết được. Và, nó đang len lỏi trong đời sống xã hội, trong từng bữa ăn của các gia đình, trực tiếp đe dọa đến tính mạng và sức khỏe của người tiêu dùng. Bởi, người dân không thể nào phân biệt được đâu là thực phẩm sạch, đâu là thực phẩm bẩn trong số nhu yếu phẩm họ cần và đang được bán trên thị trường.

Người tiêu dùng cần cẩn trọng với loại măng nhuộm màu

 

Với nỗ lực ngăn chặn tình trạng sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn, trong thời gian qua, các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh cũng đã liên tục kiểm tra, phát hiện nhiều cơ sở giết mổ gia súc trên địa bàn thực hiện hành vi bơm nước vào cơ thể gia súc trước khi giết mổ; tiến hành kiểm tra, phát hiện hàng trăm ki-lô-gam thịt động vật không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu phân hủy, hôi thối được cất giữ tại các nhà hàng, quán ăn hay được vận chuyển trên các chuyến xe khách Bắc - Nam mà điểm đến là Kon Tum… Tất cả, những trường hợp trên đã bị các cơ quan chức năng tịch thu tiêu hủy và xử lý đúng quy định pháp luật.

Theo báo cáo của các ngành chức năng của tỉnh, trong năm 2016 đã thành lập 142 đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra về an toàn thực phẩm ở tất cả các tuyến từ tỉnh đến xã. Qua kiểm tra 5.464/6.147 cơ sở, có 4.241 cơ sở đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, đã phát hiện 258 cơ sở có vi phạm, bị xử lý hành chính phạt trên 293 triệu đồng. Qua kiểm tra, các ngành chức năng cũng tiêu hủy trên 276 kg thực phẩm rắn và 278 lít thực phẩm lỏng tại 160 cơ sở.

Trong 6 tháng đầu năm 2017, có 129 đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra 1.944 cơ sở, phát hiện 219 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm, xử phạt hành chính 63 cơ sở với tổng tiền phạt trên 88 triệu đồng. Các đoàn kiểm tra cũng tiến hành tiêu hủy 253kg thực phẩm rắn và 185 lít thực phẩm lỏng của 156 cơ sở vi phạm…

Riêng ngành Công thương, trong năm 2016 đã tiến hành kiểm tra 1.089 cơ sở, phát hiện 287 trường hợp vi phạm và xử phạt trên 173 triệu đồng đối với các hành vi liên quan đến các điều kiện kinh doanh, không bảo quản hàng hóa theo quy định hoặc hàng hóa quá hạn sử dụng…

Bà Phan Thị Kiều Linh - Phó trưởng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh cho biết: Một trong những nguyên nhân thực phẩm bẩn tồn tại là do ý thức của những người trực tiếp sản xuất hay kinh doanh thực phẩm, vì chạy theo lợi nhuận nên bỏ qua các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, luật quy định xử lý một số trường hợp còn nhẹ, chưa đủ răn đe và thuyết phục.

Quả thật vậy, một trong những nguyên nhân dẫn đến vấn nạn thực phẩm bẩn vẫn ngang nhiên tồn tại và được bày bán trên thị trường, chính là sự thiếu tăng cường kiểm tra, giám sát của các ngành chức năng; sự thiếu ý thức của những người sản xuất, kinh doanh thực phẩm, bên cạnh đó là các chế tài xử lý chưa tương xứng với hành vi vi phạm, thậm chí còn quá nhẹ, chưa thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật.

Tại Điều 4, Nghị định 178/2013/CP quy định: Mức phạt tiền tối đa cho mỗi hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm là 100.000 đồng đối với cá nhân và 200.000 đồng đối với tổ chức, trừ trường hợp quy định khác tại khoản 2; tức là mức phạt trong các trường hợp đặc biệt có thể cao hơn nhưng cũng không quá 100.000.000 đồng cho mỗi hành vi.

Bà Phan Thị Kiều Linh cho biết thêm, biện pháp để loại trừ thực phẩm bẩn chính là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân, nhất là những người sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Bên cạnh cần có chế tài nghiêm khắc để xử lý các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn; thậm chí xử lý hình sự đối với các hành vi cố ý kinh doanh thực phẩm bẩn… Có như vậy mới đủ tính răn đe và thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật.

Sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn chính là hành vi vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội, vi phạm pháp luật, nó trực tiếp xâm hại đến tính mạng, sức khỏe của hàng triệu người dân, gây ảnh hưởng đến sự phát triển của giống nòi. Đã đến lúc cần phải có tiếng nói và biện pháp thích đáng trừng trị những hành vi gây nguy hại đến xã hội; đúng như đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nhân (tỉnh Bình Dương) phát biểu: Một khi tấm lòng và sự kiên trì đã đến giới hạn, lời giải cuối cùng và cần thiết lúc này chính là sự trừng trị nghiêm khắc nhất của pháp luật…

Dương Đức Nhuận

Chuyên mục khác