Từ chỉ dẫn địa lý Ngọc Linh: Để niềm tin hiện hữu

14/09/2016 07:51

Qua lễ công bố chỉ dẫn địa lý (CDĐL) Ngọc Linh cho sản phẩm sâm củ, người dân quan tâm đến cây sâm Ngọc Linh kỳ vọng trong một thời gian không xa nữa, tỉnh Kon Tum sẽ có các sản phẩm chế biến từ sâm Ngọc Linh. Sâm Ngọc Linh sẽ là cây trồng giúp doanh nghiệp mạnh và người dân làm giàu.

Lắng lại sau lễ công bố chỉ dẫn địa lý (CDĐL) Ngọc Linh cho sản phẩm sâm củ của hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam, thông qua các cơ quan thông tin đại chúng, người dân trong và ngoài tỉnh lại có dịp hiểu sâu hơn về lợi ích của việc đăng ký CDĐL, về giá trị của sâm Ngọc Linh, về những yêu cầu đặt ra trước mắt và lâu dài cho cây sâm Ngọc Linh.

Người dân trong và ngoài tỉnh quan tâm đến cây sâm Ngọc Linh cũng hân hoan trước việc cây sâm Ngọc Linh từ nay đã được bảo hộ. Mọi tổ chức, cá nhân nếu mạo danh sâm Ngọc Linh để làm ăn bất chính đều có thể bị hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam khởi kiện.

Qua công bố quyết định CDĐL, người dân biết được toàn tỉnh Kon Tum đã phát triển được trên 300 ha sâm Ngọc Linh dưới tán rừng tự nhiên ở xã Măng Ri và Ngọc Lây (Tu Mơ Rông). Cây sâm Ngọc Linh đã qua giai đoạn bảo tồn, tránh khỏi “kiếp nạn” tuyệt chủng và đang được các doanh nghiệp, người dân từng bước đưa vào kinh doanh. Bao nhiêu công sức, bao nhiêu tâm huyết của các nhà khoa học, nhà quản lý, nhà doanh nghiệp và người dân có trách nhiệm cứu cây sâm Ngọc Linh đã được đền đáp.

Dược sĩ Đào Kim Long, một trong những người có công phát hiện để sau này hai nhà khoa học là TS. Hà Thị Dụng (Việt Nam)- TS. Grushvitsky (Liên Xô) xác định và công bố cây sâm Ngọc Linh là một loài nhân sâm mới của thế giới. Rất tiếc, do tuổi cao, sức yếu, dược sĩ Đào Kim Long không đến dự lễ công bố quyết định và đón nhận đăng ký CDĐL Ngọc Linh do UBND tỉnh Kon Tum phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) đồng tổ chức; nhưng ông có bài viết “Một loài nhân sâm tốt nhất thế giới đã được phát hiện như thế nào” đăng trên tạp chí thông tin khoa học công nghệ (Sở KH&CN tỉnh Kon Tum). Qua đây, chúng ta thấy được tấm lòng của dược sĩ đối với cây sâm Ngọc Linh và biết được có hơn 50 luận án tiến sĩ (lời dược sĩ) về đề tài cây sâm Ngọc Linh, đủ thấy cây sâm Ngọc Linh quý và có một sức hút như thế nào đối với các nhà khoa học.  

Vinh danh cây sâm Ngọc Linh, vinh danh các nhà khoa học, các cơ quan quản lý nhà nước, đồng thời chúng ta cũng vinh danh các doanh nghiệp và một số người dân trong vùng đã có công cứu và phát triển cây sâm Ngọc Linh. Tại buổi họp báo trước khi công bố CDĐL Ngọc Linh, Công ty CP Sâm Ngọc Linh (CPSNL) cho biết đơn vị đã trồng được hơn 300ha sâm Ngọc Linh. Ngoài việc bảo tồn thành công, Công ty CPSNL còn liên kết với người dân ở các thôn làng cùng tham gia trồng và phát triển sâm Ngọc Linh. Tham gia trồng sâm, người dân có thu nhập ổn định hơn và có điều kiện để nâng cao đời sống.

Công ty CP Sâm Ngọc Linh giới thiệu sản phẩm sâm Ngọc Linh tại lễ công bố. Ảnh: VN

 

Bên cạnh đó, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô phát triển hơn 13ha sâm Ngọc Linh và dự kiến cuối năm nay sẽ đưa một số sản phẩm như: tinh sâm, viên ngậm, trà sâm, sâm sấy khô đến với người tiêu dùng.

Để niềm tin trọn vẹn, người dân mong các doanh nghiệp nói được, làm được. Tuy nhiên, mục tiêu chính trong giai đoạn này chưa phải là để khai thác chế biến, mà chỉ khai thác chế biến có tính toán trên quy mô nhỏ (ở diện tích sâm hơn 10 năm tuổi không còn khả năng sinh khối hoặc sinh khối chậm). Mục tiêu chính hiện nay vẫn là ưu tiên mở rộng diện tích để đến năm 2020 tỉnh Kon Tum trồng 1.000ha sâm Ngọc Linh và đến năm 2025 trồng được hơn 9.300ha sâm với quy mô công nghiệp, hàng năm khai thác và chế biến 800ha nhằm đưa sâm Ngọc Linh trở thành thương hiệu mạnh, sản phẩm thu hàng tỷ USD như sâm Hàn. Mục tiêu chính là doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sâm Ngọc Linh mạnh, người dân trồng sâm giàu, không còn hộ nghèo và mọi người có điều kiện được bồi bổ sức khỏe từ Sâm Ngọc Linh.

Thực hiện được những điều tốt đẹp này, tôi nghĩ đó mới là mục tiêu Đảng bộ, chính quyền và nhân dân kỳ vọng.

Trần Văn Nhiên

Chuyên mục khác