Tinh thần Việt Nam

13/04/2020 06:08

Ngày 9/4, giữa thời điểm cả nước đang căng mình chống dịch, Chính phủ ban hành Nghị quyết 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid- 19. Giống như làn gió mùa xuân, thông tin đặc biệt ấy làm dịu đi những căng thẳng, lo âu của biết bao người.

1. Trên bức tường thủng lỗ chỗ của gian phòng trọ lụp xụp trên đường Ngô Thì Nhậm (phường Duy Tân, thành phố Kon Tum), chi chít những nét vạch màu nâu đỏ của gạch non. "Em đánh dấu thời gian thất nghiệp vì Covid- 19 đấy, mỗi vạch là một ngày"- Hân nói.

Cả 2 vợ chồng cô đều là công nhân của một cơ sở chế biến lâm sản xuất khẩu. Nhiều năm qua, cô hài lòng với mức thu nhập “bình bình”, nếu khéo gói ghém thì cũng đủ trang trải cuộc sống cho gia đình nhỏ, thậm chí dành dụm được chút đỉnh dự phòng khi đau ốm.

Cho đến cuối tháng 2/2020, vì dịch bệnh, cơ sở phải cắt giảm lao động, cô chia tay cô bạn cùng bộ phận đánh nhám. Giữa tháng 3, cơ sở đóng cửa bởi hàng hóa không xuất khẩu được, cùng với hàng chục công nhân còn lại, 2 vợ chồng lâm vào cảnh thất nghiệp.

Những ngày sau đó, mảnh vườn nhỏ trở thành cứu cánh của gia đình cô. Từng luống rau xanh mọc lên, 2 vợ chồng thu hái và bán cho bạn bè, người quen. Nhiều gia đình trong xóm thường mua rau của họ, cũng là cách để giúp đỡ, sẻ chia trong thời buổi khó khăn. Cô biết ơn vì điều ấy.

Thế này là em vẫn còn hơn mấy chị em làm cùng nhiều lắm đấy. Từ khi không có việc làm đến nay, cuộc sống của họ gặp rất nhiều khó khăn, ở nhà thuê, thu nhập không có, tiết kiệm được chút ít chi tiêu cũng gần hết.

Vì vậy, khi đọc được thông tin Chính phủ ban hành Nghị quyết về việc hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh Covid- 19, Hân thông báo ngay cho bạn bè. “Ai cũng vui và có ý ngóng, mong là sẽ sớm được nhận hỗ trợ. Vì trong những ngày khó khăn này, được nhận hỗ trợ của Chính phủ cũng giống như người đang bơi bị hụt hơi được trao cho “phao cứu sinh” vậy” - cô rủ rỉ.

Theo dự kiến, sẽ có khoảng 20 triệu người bị ảnh hưởng bởi “giặc Covid” như Hân được hỗ trợ theo  Nghị quyết 42/2020/NQ-CP, với tổng mức kinh phí lên tới 62 nghìn tỷ đồng.

Theo đó, mỗi cá nhân (hoặc hộ gia đình) thuộc các nhóm đối tượng sẽ nhận số tiền từ 500 ngàn đồng tới 1,8 triệu đồng mỗi tháng.

Lao động tự do là nhóm đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh Covid- 19 được hỗ trợ theo Nghị quyết 42. Ảnh: HL

 

Gói hỗ trợ triển khai trong 3 tháng (kể từ tháng 4) và hướng tới các nhóm đối tượng đang trực tiếp gặp khó khăn và giảm sâu về thu nhập trong thời điểm dịch bệnh Covid-19, như người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thỏa thuận nghỉ không lương với người sử dụng lao động từ 14 ngày làm việc trở lên; người sử dụng lao động gặp khó khăn về tài chính trong việc trả lương ngừng việc cho người lao động…

Đặc biệt, trong gói hỗ trợ này có cả những đối tượng chưa có trong tiền lệ được hỗ trợ. Ví dụ như người lao động không có hợp đồng lao động, lao động tự do, người bị mất việc làm nhưng chưa được hưởng trợ cấp thất nghiệp; hộ nghèo; hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh theo Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đánh giá của các chuyên gia, gói hỗ trợ với tổng giá trị lớn như vậy nhằm mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội cho toàn dân và trên tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Thông qua gói hỗ trợ này, chúng ta tin tưởng rằng, mọi đối tượng bị tác động về mặt đời sống bởi dịch bệnh Covid-19 đều được quan tâm.

2. Càng tự hào hơn nếu nhìn lại từ những ngày đầu bùng phát đại dịch Covid-19 đến nay, có thể thấy được rằng, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương đã làm tất cả để có thể hỗ trợ người dân, doanh nghiệp một cách tốt nhất có thể.

Để hỗ trợ nền kinh tế, chia sẻ gánh nặng và khó khăn với các doanh nghiệp ngay trong lúc dịch còn đang diễn ra, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4/3/2020, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện ngay 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, hướng tới các đối tượng là các doanh nghiệp, người lao động bị mất việc làm có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng, góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội.

Các ngành Ngân hàng, Tài chính, Công thương, Giao thông vận tải... đã kịp thời triển khai các giải pháp như giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ, miễn giảm phí dịch vụ, thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi; gia hạn, giãn, hoãn các khoản phải nộp của doanh nghiệp về thuế, tiền thuê đất; cắt giảm chi phí cho các doanh nghiệp, giảm giá điện, giá xăng dầu, giá dịch vụ... với tổng giá trị quy đổi ước tính khoảng 330 nghìn tỷ đồng, tương đương gần 14 tỷ USD.

Cùng với đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 7/4/2020 cho phép gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất cho các đối tượng là doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hoạt động sản xuất kinh doanh trong một số ngành nghề chịu tác động nặng nề, trực tiếp của dịch Covid-19, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Gói hỗ trợ của Chính phủ sẽ giúp người lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid- 19 giảm bớt khó khăn. Ảnh: HL

 

Trở lại với gói hỗ trợ theo Nghị quyết 42/2020/NQ-CP, nhiều ý kiến cho rằng, với mức sống trung bình của đại đa số đối tượng, thì mức hỗ trợ này không phải là lớn, nhưng vẫn có thể giúp họ nhẹ bớt nỗi lo cơm áo hàng ngày, nhất là trong điều kiện khó khăn hiện nay.

Và vượt qua giá trị số học đơn thuần, đó là hiện thân của trách nhiệm, tình người và tinh thần Việt Nam.

Có thể nói, đây là quyết tâm chính trị rất cao của Chính phủ trong điều kiện ngân sách đang còn khó khăn, tăng trưởng kinh tế đang suy giảm. Gói hỗ trợ cũng khẳng định quyết tâm của Chính phủ là không đánh đổi, vì lợi ích kinh tế mà bỏ qua sức khỏe và đảm bảo an sinh xã hội cho người dân; đồng thời thể hiện bản chất tốt đẹp, sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước và Chính phủ đối với nhân dân.

Vì vậy, mỗi người dân được hưởng chính sách hỗ trợ phải sử dụng số tiền đúng mục đích, với mục tiêu đảm bảo đời sống, khắc phục khó khăn trong công việc. Còn doanh nghiệp được hỗ trợ cũng phải sử dụng gói hỗ trợ đúng mục đích duy trì sản xuất, kinh doanh và đảm bảo đời sống cho người lao động và góp phần đảm bảo an sinh xã hội, chủ động chuẩn bị cho thời kỳ “hậu” Covid- 19.

Bên cạnh đó, với ý nghĩa đặc biệt là dành cho các đối tượng chịu tác động của dịch Covid-19, người dân phải có trách nhiệm hơn trong việc hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, ngành Y tế về phòng, chống dịch bệnh Covid-19, coi chống dịch như chống giặc. Tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, chia sẻ, động viên nhau khắc phục khó khăn, vượt qua dịch bệnh để duy trì sản xuất, lao động với hiệu quả cao nhất.

Tất nhiên, trong quá trình thực thi chính sách mới bao giờ cũng sẽ nảy sinh những vướng mắc từ thực tiễn cần phải tháo gỡ. Cũng sẽ có hàng loạt câu hỏi như làm hồ sơ như thế nào; nhận trợ cấp ở đâu; bao giờ được nhận... cần được cơ quan chức năng nhanh chóng giải đáp.

Nhưng có hề gì. Khi một lần nữa tinh thần Việt Nam- không ai bị bỏ quên- đang tiếp tục lan tỏa và cộng hưởng sức mạnh, với Nghị quyết 42/2020/NQ-CP, để đất nước ta vững vàng vượt qua thách thức.    

Hồng Lam

Chuyên mục khác