Tiếp sức cho thanh niên lập nghiệp

09/08/2016 07:10

Khi được tiếp sức, được học nghề, được giới thiệu việc làm, được vay vốn để mở rộng, phát triển sản xuất kinh doanh, nhiều bạn trẻ đã vươn lên. Không ly nông và không ly hương, họ đã tận dụng lợi thế sức trẻ của mình, thế mạnh nông nghiệp của địa phương để làm giàu ngay trên chính quê hương mình.

Không phải là 100%, nhưng sẽ chiếm phần đa số trong tổng số 1.610/4.242 thí sinh chỉ để xét tốt nghiệp trong Kỳ thi THPT quốc gia và những em trong tổng số 2.632/4.242 thí sinh dự thi để vừa xét công nhận tốt nghiệp THPT vừa xét tuyển vào đại học, cao đẳng nhưng không đủ mức điểm sàn 15 theo quy định Bộ GD&ĐT, thời điểm này sẽ bắt đầu với những dự tính cho hành trình lập nghiệp. Khi mà các em còn quá trẻ để đủ sức lựa chọn hướng đi thì sự tiếp sức, hỗ trợ, định hướng không chỉ riêng từ phía gia đình là hết sức cần thiết

 

1. Khi mà “lập trình”, cứ đi học, cứ nỗ lực học đạt danh hiệu học sinh giỏi, học sinh tiên tiến, làm sao lên cấp ba, rồi lên đại học, thậm chí sau đại học… và tiếp tục xin việc làm ở các cơ quan nhà nước bị phá vỡ (vì đã bão hòa) thì vấn đề “lập nghiệp”, “khởi nghiệp” cho các bạn trẻ được nhiều người quan tâm.

Chọn nghề gì, nghề mà các em yêu thích hay nghề mà xã hội đang cần? Bắt đầu từ đâu, từ đi học nghề ở các trường, lớp hay “tay ngang” học việc? Vốn từ đâu, từ phía gia đình hay phải vay mượn ngân hàng, người thân? Nếu làm ra sản phẩm thì đầu ra ở đâu?...

Hàng loạt câu hỏi của các em và gia đình được đặt ra.

Và có lẽ, không một em nào, một gia đình nào có thể dễ dàng trả lời một cách rành mạch, rõ ràng những câu hỏi đó.

Thứ nhất, các em ở lứa tuổi 18 – còn quá trẻ để có thể lựa chọn cho mình một hướng đi. Và thực tế, nếu không có sự giúp sức, hậu thuẫn lớn từ gia đình thì liệu bao nhiêu em bắt tay vào lập nghiệp, khởi nghiệp thành công ở lứa tuổi này?

Thứ hai, không phải gia đình nào cũng hội đủ các điều kiện (đủ trình độ, hiểu biết để định hướng; có điều kiện kinh tế…) để hậu thuẫn, làm chỗ dựa vững vàng cho con trong giai đoạn đầu còn nhiều bỡ ngỡ và khó khăn này.

2. Những người lập nghiệp đã thành công cho rằng, khi bắt tay vào lập nghiệp, các bạn trẻ cần phải xác định mục tiêu, hướng đi, mô hình rõ ràng; cụ thể hóa các ý tưởng thành hành động kế hoạch theo lộ trình ngắn, trung và dài hạn… nhất định sẽ đạt được kết quả. 

Nhưng, như đã nói, khi các em còn quá trẻ, còn mơ hồ trong việc chọn cho mình một hướng đi và khi không phải gia đình nào cũng đủ sức định hướng cho con thì để các em – đặc biệt là các em người DTTS ở các xã vùng sâu, vùng xa phần lớn là hộ nghèo, cận nghèo trong thời điểm này rất cần sự tiếp sức không chỉ riêng từ phía gia đình.

Để giúp các em biến ước mơ, hoài bão trở thành hiện thực, cũng phải thấy rằng, những năm gần đây, các cấp, các ngành, đặc biệt là Sở LĐTB&XH, Tỉnh đoàn đã có những hoạt động thiết thực: Tổ chức Ngày hội việc làm, triển khai Đề án “Hỗ trợ thanh niên học nghề và tạo việc làm giai đoạn 2012 - 2015”, phong trào “Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp”, đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ…

Và khi được tiếp sức, được học nghề, được giới thiệu việc làm, được vay vốn để mở rộng, phát triển sản xuất kinh doanh, nhiều bạn trẻ đã vươn lên. Không ly nông và không ly hương, họ đã tận dụng lợi thế sức trẻ của mình, thế mạnh nông nghiệp của địa phương để làm giàu ngay trên chính quê hương mình.

Câu chuyện của chàng thanh niên người Jẻ - A Tri  (29 tuổi) ở làng Nông Nhầy 1, xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi là một ví dụ.

Sau 1 năm bước vào giảng đường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh vì hoàn cảnh khó khăn đã chọn con đường trở về quê hương quyết tâm làm giàu bằng con đường làm nông.

Khởi nghiệp chỉ từ 1,5 triệu đồng nhưng bằng nghị lực, siêng năng trong sản xuất; sáng tạo, năng động, trách nhiệm trong hoạt động Đoàn, anh đã trở thành “đầu tàu” trong phong trào thanh niên lập thân, lập nghiệp ở xã Đăk Dục, tạo được sức lan tỏa, khích lệ, động viên các thanh niên trong làng, trong xã cùng học tập, làm theo. Năm 2013, anh đã vinh dự được nhận giải thưởng Lương Định Của của Trung ương Đoàn.

Còn anh Nguyễn Trọng Hòa (TP Kon Tum) cũng là một tấm gương tiêu biểu trên con đường lập thân, lập nghiệp đáng học hỏi.

Năm 2011, từ chối cơ hội được hỗ trợ đào tạo sau đại học chuyên ngành Vi sinh - Sinh hóa và làm trợ giảng tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP Hồ Chí Minh, anh trở về Kon Tum xây dựng cơ sở sản xuất nấm sạch Tây Nguyên ở tổ dân phố 7, phường Trường Chinh.

Anh Nguyễn Trọng Hoà xây dựng thành công cơ sở sản xuất nấm sạch. Ảnh: Mai Trâm

 

Những ngày đầu bộn bề khó khăn: Không có đất để xây dựng cơ sở, không có vốn đã khiến anh đôn đáo vay mượn; rồi, anh lặn lội đi khắp nơi trong tỉnh thăm dò thị hiếu, tìm kiếm thị trường…

Không phụ công anh, từ diện tích 2 nhà lồng ban đầu hơn 100m2, đến nay cơ sở đã tăng lên 5 nhà lồng có tổng diện tích 2.000m2. Tích lũy sau thời gian đầu xây dựng cơ sở, anh thu về hơn 500 triệu đồng tiếp tục đầu tư thêm hệ thống máy móc cho nhà xưởng.

Hàng tháng, cơ sở nấm sạch Tây Nguyên của anh bán ra 20.000 đến 30.000 túi phôi nấm các loại cho các cơ sở trồng nấm khác trong tỉnh; đồng thời, trực tiếp trồng, xuất ra thị trường tiêu dùng gần 1,2 tấn sản phẩm nấm.

Không chỉ làm giàu cho riêng mình, anh Hòa còn giúp đỡ 7 thanh niên DTTS có được việc làm ổn định, hoặc bán thời gian. Nhiều bạn trẻ ở thành phố Kon Tum và các huyện cũng được anh sẵn sàng giúp đỡ, sẻ chia kinh nghiệm... 

3. Nhưng, cũng phải thấy rằng, dù các cấp, các ngành có tư vấn, hỗ trợ cho các em nhưng so với thực tế khắc nghiệt của thị trường lao động, việc làm hiện nay thì chưa phát huy được hiệu quả.

Nhiều em phải “tự bơi”: hoặc loanh quanh chọn một vài nghề nhưng không nên chuyện hoặc chọn “không ly hương và không ly nông” nhưng cũng không thể bứt phá được bởi những thói quen, cách làm cũ.

Sở dĩ khó bứt phá vươn lên như vậy là vì các em chưa xem việc học nghề là “cái nền” trong lập thân, lập nghiệp.

Nói về chuyện học nghề, không ít em, đặc biệt ở vùng đồng bào DTTS chưa mấy mặn mà, mặc dù không phải đóng học phí lại được hỗ trợ tiền ăn hàng ngày…

Vì thực tế là nếu học những nghề ngắn hạn (khoảng 3 - 4 tháng) thì chỉ học được những nghề phổ thông, đại trà, thậm chí những nghề được đào tạo không gắn với thực tế địa phương, với nhu cầu của đối tượng nên khó ứng dụng. Nếu học nghề cao hơn thì các em còn những hạn chế về trình độ trong tiếp thu các kiến thức mới, những khó khăn khi ở xa nhà...

Giới thiệu các đơn vị dạy nghề và hỗ trợ việc làm cho thanh niên tại các chương trình Ngày hội việc làm do tỉnh Kon Tum tổ chức. Ảnh: Mai Trâm

 

Thiếu kỹ năng, thiếu hiểu biết về nghề lại thiếu vốn (vì đa phần hoàn cảnh khó khăn) và cộng thêm việc các em, nhất là các em người DTTS thường tự ti, thụ động, chủ yếu thừa kế sản nghiệp của bố mẹ hơn là lập nghiệp nên dễ dàng chấp nhận an phận, không nỗ lực vươn lên.

Những vấn đề đặt ra đó cũng chính là những hạn chế, những điều mà thanh niên cần được tiếp sức, khích lệ, động viên không chỉ riêng từ gia đình.

Các em cần được tư vấn, hỗ trợ để thay đổi suy nghĩ tiến đến thay đổi hành động. Các em cần nhiều hơn những ngày hội việc làm; những buổi tư vấn nghề nghiệp; được vay vốn, được tham dự các lớp tập huấn; được học nghề và giới thiệu việc làm sau học nghề…

Một khi các em được khơi gợi, vạch hướng đi và được tiếp sức, con đường lập thân, lập nghiệp dần dà sẽ đạt kết quả.

Nguyên Phúc

Chuyên mục khác