Thượng tôn pháp luật là nghĩa vụ của công dân

09/11/2021 06:01

Mọi tổ chức, cá nhân phải tuân thủ, cùng hướng tới xây dựng một xã hội thượng tôn pháp luật. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức và niềm tin pháp luật, từng bước xây dựng và củng cố các giá trị văn hóa pháp lý trong cuộc sống.

Ngày 9/11/1946, Hiến pháp đầu tiên của Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời. Đây là bản Hiến pháp của nền dân chủ đầu tiên của Nhà nước ta, thể hiện triệt để tinh thần, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng một Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân. Và cũng từ đó, ngày 9/11 hàng năm được lấy làm Ngày Pháp luật Việt Nam nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người dân trong cuộc sống, làm việc phải tuân thủ pháp luật.

Để mọi tổ chức, cá nhân thấm nhuần sâu sắc giá trị của pháp luật trong nhà nước pháp quyền, có thái độ, hành vi tích cực xử sự pháp luật đúng đắn, các cơ quan tư pháp phối hợp với chính quyền các địa phương, các cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị-xã hội có liên quan tăng cường và không ngừng đẩy mạnh công tác giáo dục pháp luật, nhằm nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi tổ chức, cá nhân. Qua đó, đề cao quyền cũng như trách nhiệm, nghĩa vụ của mọi người trong học tập, tìm hiểu pháp luật và tự giác chấp hành pháp luật.

Nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật cũng có nghĩa là mọi công dân đã chung sức, đồng lòng vì sự nghiệp xây dựng và hoàn thiện nhà nước, phát huy triệt để tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, cùng tích cực hành động vì một Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Quang cảnh một phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án chống người thi hành công vụ ở thành phố Kon Tum. Ảnh: D.Đ.N

 

Hiểu rõ sâu sắc giá trị ấy, hằng năm, các cơ quan tư pháp ở tỉnh ta đã phối hợp với chính quyền các địa phương, các cơ quan, đơn vị, ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh và tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến từng người dân với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, dễ hiểu, để mọi người dân có thể nắm bắt kịp thời và chấp hành nghiêm túc các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đây cũng chính là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng và là nhiệm vụ thường xuyên của toàn bộ hệ thống chính trị các cấp, các ngành với mục tiêu cuối cùng là hỗ trợ và tạo điều kiện để mọi cá nhân, tổ chức biết sử dụng pháp luật làm phương tiện, công cụ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, của Nhà nước và của xã hội.

Mặc dù vậy, vẫn còn đâu đó một bộ phận nhỏ người dân vẫn chưa tuân thủ nghiêm các quy tắc ứng xử trong xã hội cũng như các quy định của pháp luật, nên dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật, để lại hệ lụy xấu trong gia đình và cộng đồng, xã hội.

Ngược dòng thời gian 1-2 năm trở lại đây, Tòa án nhân dân hai cấp trong tỉnh đã đưa ra xét xử công khai nhiều vụ án hình sự liên quan đến các hành vi vi phạm về lâm luật; vận chuyển, mua, bán, tàng trữ trái phép chất ma túy; trật tự xã hội…Điều đó cho thấy, mặc dù những cá nhân bị đưa ra xét xử tuy ý thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật, vì nhiều động cơ khác nhau nên vẫn cố tình vi phạm pháp luật. Đây cũng chính là hành vi coi thường kỷ cương, phép nước, thiếu tôn trọng pháp luật, cần phải được xử lý nghiêm bằng pháp luật để giáo dục và răn đe xã hội.

Xin được trở lại câu chuyện gần đây nhất, những hành vi thiếu ý thức thượng tôn pháp luật trong thời gian đại dịch Covid-19 đang hoành hành, cả nước đang gồng mình chống dịch, vậy mà vẫn có những cá nhân bất chấp các quy định của pháp luật về triển khai các biện pháp chống dịch, vi phạm pháp luật và để lại hệ lụy không tốt cho xã hội.

Trong khoảng thời gian kể từ ngày bùng phát dịch Covid-19 cho đến nay, trên các trang mạng xã hội luôn xuất hiện các thông tin sai sự thật của các tổ chức, cá nhân về số liệu, tình hình diễn biến của dịch; xuyên tạc về các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta trong triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19…gây hoang mang trong dư luận, làm lệch lạc định hướng nhân dân trong ý thức về phòng, chống dịch…và đã bị các cơ quan chức năng ở tỉnh ta xử lý, giáo dục.

Nghiêm trọng hơn, nhiều người dân thiếu ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid- 19  về thực hiện nguyên tắc 5K; không chấp hành tự theo dõi sức khỏe tại nhà sau khi đã được cách ly hoặc trốn cách ly; trốn về từ vùng dịch không khai báo…mà hậu quả tất yếu là sẽ gây nguy cơ cao cho dịch Covid-19 lây lan trong cộng đồng, gây hao tổn kinh phí Nhà nước cũng như công sức của những người đang thực hiện nhiệm vụ chống dịch.

Ngày Pháp luật Việt Nam cũng là dịp chúng ta nói về ý thức thượng tôn pháp luật. Ngoài quyền được học tập và tìm hiểu pháp luật, mọi tổ chức, cá nhân phải có trách nhiệm và nghĩa vụ nâng cao ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật. Mỗi tổ chức, cá nhân ngoài việc sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật cũng cần nêu cao tinh thần trách nhiệm trong tuyên truyền gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến trong xây dựng, thực hiện và bảo vệ pháp luật; các mô hình hay, cách làm hiệu quả trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; phê phán, đấu tranh với hành vi vi phạm pháp luật hoặc lệch chuẩn xã hội…

Pháp luật phải được thực hiện nghiêm trên mọi lĩnh vực. Không ai có thể nằm ngoài “vùng cấm” của pháp luật. Mọi người phải tuân thủ, cùng hướng tới xây dựng một xã hội thượng tôn pháp luật.

Dương Đức Nhuận

Chuyên mục khác