Thực phẩm sạch và niềm tin

22/04/2017 08:45

Vô tình gặp người quen ở cửa hàng rau an toàn trên đường Hoàng Văn Thụ (thành phố Kon Tum), chưa kịp chào hỏi, anh đã oang oang: Các em là nhà báo nên điều tra, tìm hiểu xem cửa hàng này có đúng là bán rau an toàn không. Biết đâu lại làm ăn theo kiểu “treo đầu dê bán thịt chó”, lấy rau củ không đảm bảo nguồn gốc ở nhiều nơi rồi đem vào cửa hàng gắn mác là thành rau an toàn.

Tôi chưa kịp trả lời, cô bán hàng liền nói, anh ấy ở đâu vậy chị, hôm nào anh ấy cũng đến mua rau ở đây và cũng đều thắc mắc, nói như vậy cả. Tôi liền cười, vậy thì cửa hàng phải làm sao để cho anh ấy tin là khỏi thắc mắc liền à.

Câu chuyện bâng quơ là vậy để thấy niềm tin vào thực phẩm an toàn, sạch mãi chưa có hồi kết. Trong ma trận thật giả lẫn lộn, người tiêu dùng có quyền nghi ngờ, lo ngại cũng là điều dễ hiểu.

Nghi ngờ và lo ngại vì ngày ngày trong thực tế cuộc sống và trên các phương tiện thông tin đại chúng đều xảy ra hàng loạt vụ việc: nào rau củ tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng; nào là heo, gà, cá, tôm, trứng… tồn dư kháng sinh, thuốc tăng trọng; nào là bún, phở thì có hàn the, huỳnh quang – hai hóa chất cực độc; nhìn vào nồi bún, nồi phở hay tô canh, dĩa thịt… ở ngoài hàng quán thôi thì đủ các chất phụ gia để tạo màu, tạo mùi, tạo độ dai, độ dẻo, độ ngọt… Dù chỉ bằng mắt thường, không đến mức phải soi kính hiển vi, ra chợ, đến hàng quán, nhìn đâu cũng lo ngại về thực phẩm thiếu an toàn… Nhiều người vì thế bỗng trở nên thiếu niềm tin vào độ an toàn, độ sạch của các loại thực phẩm.

Thiếu niềm tin là thế, lo là thế nhưng mà vẫn phải ăn. Không ít người đùa vui rằng, ăn cũng chết, không ăn cũng chết, thôi thì no còn hơn đói, cứ thế mà mua và cứ thế mà ăn. Ai có điều kiện thì dành khoảnh đất nhỏ trồng rau, nuôi gà và vài năm gần đây còn có người nuôi cả cá ngay giữa phố. Ai công việc bận rộn, diện tích đất nhỏ hẹp, không thể tự cung tự cấp thì đành trông chờ vào hàng quán, hàng chợ. Trong số người tạm gọi là không có điều kiện để tự cung tự cấp này, những ai kinh tế khá giả (vì những loại thực phẩm được cho là an toàn này giá cả thường cao hơn) thì tìm đến siêu thị, mua rau ở các cửa hàng rau an toàn, tìm mua thịt heo làng, gửi người quen mua cá từ các từ các tỉnh đồng bằng gửi lên hoặc mua thịt, cá tại cửa hàng thực phẩm an toàn do Phòng Kinh tế thành phố mới mở. Những ai điều kiện kinh tế còn eo hẹp, phải chắt bóp bao nhiêu khoản phải chi, phải tiêu thì vẫn xem chợ là bạn mỗi ngày.

Cũng phải nói thêm rằng, những loại thực phẩm mà những gia đình có điều kiện tìm đến mua thì họ cũng tạm cho là an toàn mà thôi. Quay trở lại chuyện anh người quen kể từ đầu, dù hôm nào anh cũng nghi ngờ về nguồn gốc rau an toàn nhưng hôm nào anh cũng đều đến mua. Anh thú thật rằng, dù cửa hàng được gắn bảng hiệu an toàn nhưng trên từng sản phẩm bày bán lại không chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm. An toàn mới chỉ do người bán hàng nói, còn có an toàn thật hay không thì vẫn còn là câu hỏi lớn. Anh bảo rằng không phải đa nghi nhưng thực tế đã không ít lần bỏ tiền thật để mua sự thất vọng. Nhưng, không mua ở đây thì biết mua ở đâu? Thôi thì, cứ bỏ tiền thật ra để mua lấy niềm tin! - anh người quen tôi bảo vậy.

Và dĩ nhiên không phải ai cũng có điều kiện để đem tiền mua niềm tin. Cũng có người có điều kiện nhưng họ tự nhận rằng, dại gì đem tiền bỏ mua thứ chắc gì đã đúng giá trị thật. Tức là, chắc gì bỏ tiền thật của mình ra thì mua được loại thực phẩm an toàn, tin tưởng. Thôi thì, cứ theo số đông, ra chợ, tinh mắt chọn lựa, mua của người thân quen, tin tưởng là ổn cả.

Ngoài yếu tố giá cả đắt rẻ, cũng chính vì thiếu đi niềm tin ấy nên trong khi các cửa hàng thực phẩm thưa thớt người mua thì ngay cạnh đó các hàng rau, hàng cá, hàng thịt… bán ngay vỉa hè vẫn đông nườm nượp. Kết quả là, theo quy luật kinh tế thị trường, những cửa hàng thực phẩm an toàn, sạch này cũng tự “chết yểu” – cửa hàng rau an toàn cách đây khoảng chục năm là một ví dụ điển hình.

Làm sao để người tiêu dùng có công cụ phân biệt được thực phẩm an toàn - không an toàn, thật - giả một cách trực quan, nhanh chóng? Làm  sao để từ hàng rau cho đến hàng thịt, hàng cá - ít ra là ở những cửa hàng bán thực phẩm an toàn - có thể công khai thông tin, chứng minh về nguồn gốc thực phẩm? Làm sao để công khai được mức độ vi phạm và xử phạt thật nghiêm những nơi làm ăn gian dối? Làm sao để tạo điều kiện thuận lợi cho người làm thực phẩm sạch hạ được giá thành và được nhiều người biết đến, tìm đến?…

Hàng loạt câu hỏi đó rất cần được các ngành chức năng giải đáp hòng lấy lại niềm tin của người tiêu dùng có lẽ không chỉ dừng lại trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm (15/4 -15/5/2017 ) này.

Nguyên Phúc

Chuyên mục khác