Thực hiện Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia: Bắt đầu từ ý thức người dân

12/01/2020 17:04

Hy vọng rằng, trong tương lai gần, với việc thực thi nghiêm túc của lực lượng chức năng, sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị và các cơ quan truyền thông, một thói quen xấu sẽ mất đi, mọi người dân nâng cao ý thức, tự giác chấp hành không điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi đã uống rượu, bia.

Trước hết, cần khẳng định, việc điều khiển phương tiện giao thông khi đã uống rượu, bia là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tai nạn giao thông. Bởi khi đó, người điều khiển khó làm chủ tay lái khi xử lý các tình huống, hoặc do não bộ bị kích thích nên điều khiển phương tiện với tốc độ cao mà không nhận thức được sự nguy hiểm do hành vi của mình gây ra.

Theo báo cáo của cơ quan chức năng, chỉ riêng trong năm 2019, toàn tỉnh xảy ra 68 vụ tai nạn giao thông, làm chết 63 người và bị thương 44 người. Qua phân tích lỗi, nguyên nhân các vụ tai nạn giao thông hầu hết đều liên quan đến người điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi đã sử dụng rượu, bia.

Để ngăn chặn tình trạng này, Chính phủ, các bộ, ngành ở Trung ương cũng như ở tỉnh đã có nhiều quy định nghiêm cấm hành vi trên đồng thời chỉ đạo ngành chức năng kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Cụ thể nhất là năm 2016, Chính phủ ban hành Nghị định số 46/NĐ-CP nhằm xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong việc tham gia điều khiển phương tiện giao thông khi đã sử dụng rượu, bia. Tại  Điều 6 của Nghị định quy định, người điều khiển xe ô tô có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu, hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở sẽ bị phạt tiền từ 16-18 triệu đồng, tước giấy phép lái xe từ 4- 6 tháng.

Tuy nhiên, do nhận thức của một bộ phận người dân về pháp luật giao thông cũng như thói quen uống rượu bia chưa được thay đổi nên không ít người vẫn vi phạm. Chỉ tính trên địa bàn tỉnh ta, trong năm 2019, lực lượng chức năng của tỉnh đã xử phạt hành chính hơn 500 trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Tất nhiên, đây chỉ là phần nổi của “tảng băng chìm”.

Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn trong hơi thở của tài xế. Ảnh: Trần Văn Phúc

 

Ngày 1/1/2020, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực thi hành, đã quy định mức phạt nghiêm khắc hơn đối với các trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ nói chung và điều khiển phương tiện giao thông khi đã sử dụng rượu, bia nói riêng.

Theo đó, tại Điều 5 của Nghị định quy định mức phạt đối với trường hợp điều khiển phương tiện giao thông sau khi đã sử dụng rượu, bia từ 6 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với lái xe ô tô có nồng độ cồn và từ 2 triệu đồng đến 8 triệu đồng đối với lái xe mô tô có nồng độ cồn. Đồng thời Nghị định này còn quy định mức phạt đối với các trường hợp vi phạm các quy định trên mà có các hành vi chống đối, không hợp tác với lực lượng chức năng.

Một điều dễ nhận thấy là Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100/2019/NĐ-CP tạo nên khung pháp lý hết sức chặt chẽ, quy định rõ ràng từng trường hợp, từng hành vi vi phạm cũng như biện pháp chế tài rất nghiêm khắc, đủ sức răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung.

Tuy nhiên, trong những ngày đầu năm mới này - khi Luật và Nghị định đã có hiệu lực, còn không ít người đã sử dụng rượu bia vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Chỉ riêng trên địa bàn thành phố Kon Tum, số người vi phạm bị lực lượng chức năng phát hiện xử lý trong tuần đầu ra quân là 18 trường hợp.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, ngoài một số trường hợp cố tình vi phạm, còn có không ít người dân chưa nắm rõ Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia và Nghị định 100/2019/NĐ-CP. Vấn đề đặt ra ở đây là cùng với việc xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm, cần tăng cường công tác tuyên truyền, giải thích để người dân hiểu rõ Luật và tự giác thực thi, chấp hành theo Luật.

Muốn làm được như vậy, trước hết, lực lượng chức năng, mà chủ công là lực lượng Cảnh sát giao thông, cần tiến hành song song 2 nhiệm vụ: vừa đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát phát hiện các trường hợp vi phạm vừa làm tốt công tác tuyên truyền, giải thích để người dân nắm rõ ý nghĩa và nội dung Luật, Nghị định. Đồng thời, trong quá trình thực thi nhiệm vụ cần kết hợp với các cơ quan truyền thông thông tin kịp thời việc xử lý các trường hợp vi phạm, khi ấy, hiệu quả tuyên truyền sẽ tăng cao.

Cùng với sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng chức năng, cả hệ thống chính trị cần chung tay đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục. Các cấp ủy, chính quyền tại cơ sở cần phải đưa công tác giáo dục, tuyên truyền về Luật đến từng khu dân cư, từng hộ gia đình, từng cá nhân; đưa việc chấp hành Luật như một tiêu chí bình xét danh hiệu gia đình văn hóa... Các cơ quan, đơn vị ngoài việc quán triệt nội dung Luật cũng cần có những biện pháp xử lý nghiêm khắc các trường hợp vi phạm, qua đó góp phần xây dựng nếp sống văn minh nơi công sở.

Thực tế ở tỉnh ta và nhiều địa phương khác trên cả nước, không ít người  có thói quen tìm đến các quán nhậu để “giải mỏi” sau một ngày làm việc. Sau khi tan cuộc, họ tự điều khiển phương tiện trở về nhà.

Để thay đổi một thói quen là điều không dễ, đòi hỏi công tác tuyên truyền giáo dục phải được duy trì thường xuyên. Có thể bây giờ, mọi người dân chưa quen, chưa hình thành ý thức tự giác chấp hành, nhưng hy vọng rằng, trong tương lai gần, với việc thực thi nghiêm túc của lực lượng chức năng, sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị và các cơ quan truyền thông trong công tác tuyên truyền, giáo dục về Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia và Nghị định 100/2019/NĐ-CP, một thói quen xấu sẽ mất đi, mọi người dân nâng cao ý thức, tự giác chấp hành không điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi đã uống rượu, bia.

Và chắc chắn một điều, số vụ tai nạn giao thông, với những hậu quả đau lòng, sẽ giảm mạnh, góp phần giữ gìn sự yên vui cho mỗi gia đình.

Dương Đức Nhuận

Chuyên mục khác