Thực hiện kết nối mạng giữa các nhà thuốc: ​Đưa kê đơn, bán thuốc vào "khuôn khổ"

09/10/2018 06:59

Đã bao giờ bạn gặp khó khăn khi mua thuốc tây? Nếu được hỏi câu ấy, tôi nghĩ ai cũng sẽ cười mà rằng: Mua thuốc tây bây giờ dễ như... mua rau ngoài chợ. Vậy đấy. Thuốc tây vốn là “con dao hai lưỡi", không thể tùy tiện sử dụng, tuy nhiên không ở đâu tình trạng tự ý kê đơn, mua bán thuốc lại diễn ra rất phổ biến, tràn lan như ở ta.

Giữa ngồn ngộn thông tin đa chiều đến và đi trong ngày, tôi lại hết sức quan tâm đến một tin nhắn nhận được vào sáng sớm: Sáng mai, Sở Y tế sẽ làm việc với Viettel Kon Tum để bàn việc triển khai kết nối mạng các cơ sở cung ứng thuốc trên địa bàn.

Đã bao giờ bạn gặp khó khăn khi mua thuốc tây? Nếu được hỏi câu ấy, tôi nghĩ ai cũng sẽ cười mà rằng: Mua thuốc tây bây giờ dễ như... mua rau ngoài chợ.

Vậy đấy. Thuốc tây vốn là “con dao hai lưỡi", không thể tùy tiện sử dụng, tuy nhiên không ở đâu tình trạng tự ý kê đơn, mua bán thuốc lại diễn ra rất phổ biến, tràn lan như ở ta.

Về mặt y thuật, chỉ bác sĩ mới có thể nắm bắt tình trạng sức khỏe, bệnh tật của bệnh nhân và chỉ định sử dụng thuốc phù hợp, nhất là đối với các thuốc có độc tính cao, nhóm thuốc phải kê đơn. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng người dân tự ra hiệu thuốc để mua thuốc, người bán thuốc tự kê đơn đang diễn ra phổ biến hàng ngày, ở mọi nơi…

Việc kết nối mạng các cơ sở cung ứng thuốc sẽ góp phần giải quyết tình trạng mua, bán thuốc tùy tiện hiện nay. Ảnh: T.H

 

Tôi tiến hành khảo sát về tình trạng “tự kê đơn bán thuốc” ở một quầy thuốc trên địa bàn thành phố Kon Tum. Quầy thuốc này được bài trí khá chuyên nghiệp, làm bất cứ ai cũng cảm thấy tin tưởng bởi những tủ kính cao ngất, mùi thuốc hăng hăng, nồng nồng và bóng áo blu trắng lúi húi bên máy tính. Tôi bước vào, hơi bối rối vì không có sở trường "đóng kịch", nhất là đóng vai bị bệnh.

Tôi thấy đau đầu, chóng mặt, họng đau rát, thỉnh thoảng ho - tôi mở đầu bằng việc mô tả "tình trạng" sức khỏe, và nói rằng đang phân vân không biết có nên đi khám bác sĩ hay không.

Bóng áo blu trắng nghiêng đầu nhìn lên: 3 ngày thuốc nhé. Ngày 2 lần, sau khi ăn. Loáng cái tôi đã có một bì thuốc trong tay. Người bán tự đoán bệnh, tự kê đơn, bán thuốc. Đúng là dễ như... mua rau.

Đó là hình ảnh quen thuộc, thường thấy ở bất cứ một quầy thuốc nào. Người muốn mua thuốc chỉ cần nói tên thuốc hoặc kể tình trạng sức khỏe ra là người bán thuốc sẽ bán thuốc ngay, hoặc tư vấn các loại thuốc có thể dùng, trong đó không ít các thuốc thuộc nhóm thuốc dùng theo chỉ định, bắt buộc phải kê đơn.

Theo một dược sĩ có thâm niên trong nghề thì việc mua thuốc tây quá dễ dàng và sự tùy tiện kê đơn thuốc của các quầy thuốc hết sức nguy hiểm đối với sức khỏe của người dân, bởi thuốc tây vốn là “con dao hai lưỡi”, nếu dùng không đúng sẽ cướp đi cơ hội chữa bệnh của bệnh nhân.

Vấn nạn này đã có từ lâu - anh nói -  nhưng do nhiều nguyên nhân mà đến nay vẫn tồn tại, hay đúng hơn là đang phổ biến. Trước hết là việc chấp hành và thực hiện các quy định, chế tài trong kê đơn và bán thuốc kê đơn của các cơ sở bán lẻ thuốc hiện nay vẫn chưa nghiêm túc. Tiếp đó là công tác thanh, kiểm tra còn nhiều hạn chế; chế tài xử phạt vi phạm chưa đủ sức răn đe; người dân còn giữ thói quen mua bán, sử dụng thuốc tùy tiện, ngại đi khám bệnh vì sợ tăng chi phí, mất thời gian...

Chính vì vậy, giữa ngồn ngộn thông tin đa chiều đến và đi trong ngày, tôi rất hào hứng khi nhận được thông tin về việc ngành Y tế tỉnh bắt đầu khởi động việc kết nối mạng tất cả các nhà thuốc trên địa bàn tỉnh, bằng việc đàm phán với Viettel Kon Tum.

Một người bạn mà tôi rất quý mến - bác sĩ Trần Văn Bình - Trưởng phòng Quản lý hành nghề y dược tư nhân - thông tin rằng, đây là bước cụ thể hóa Đề án tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2017-2020 của Bộ Y tế và Chỉ thị 23/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 23/8/2018 về việc tăng cường quản lý, kết nối các cơ sở cung ứng thuốc.

Mục tiêu hướng tới là tất các các cơ sở bán buôn thuốc phải kết nối internet và quản lý hoạt động phân phối thuốc bằng phần mềm tin học, thực hiện kết nối mạng, có cơ chế chuyển thông tin về việc mua bán thuốc, chất lượng thuốc giữa các nhà cung cấp với khách hàng cũng như việc chuyển giao thông tin cho cơ quan quản lý liên quan khi được yêu cầu.

Ở khía cạnh nghề nghiệp, tôi tin rằng, việc triển khai kết nối mạng cơ sở cung ứng thuốc sẽ góp phần đảm bảo truy xuất nguồn gốc thuốc, kiểm soát được thuốc kém chất lượng, thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chấn chỉnh tình trạng bán thuốc không theo đơn - bác sĩ Trần Văn Bình nhận định. 

Ưu điểm khi kết nối sử dụng phần mềm quản lý nhà thuốc cũng như việc bán thuốc kê đơn rất rõ ràng. Đó là cho phép nhà thuốc truy xuất nguồn gốc của thuốc; hạn chế trường hợp thuốc không rõ nguồn gốc; việc xuất, nhập kho bán hàng được nhà thuốc thực hiện dễ dàng, thuận tiện; kiểm soát tốt sản phẩm thuốc tồn kho. Đồng thời, cơ quan quản lý nhà nước thuận lợi hơn rất nhiều trong thực thi nhiệm vụ.

Đối với người bệnh, sẽ kiểm soát giá thuốc; tra cứu thông tin thuốc, truy xuất hóa đơn bán thuốc, truy xuất hạn sử dụng cho từng lô thuốc; cảnh báo thuốc kém chất lượng, thuốc giả...; từ đó hạn chế dần tình trạng lạm dụng thuốc, sử dụng thuốc không hợp lý tiểm ẩn nguy cơ mắc các chứng bệnh khác...

Tất nhiên, theo dự báo của những người trong cuộc, việc ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối mạng đối với các nhà thuốc bước đầu có thể gặp một số khó khăn. Chẳng hạn như, sự thiếu thiện chí, bất hợp tác của các nhà thuốc khi phải tăng chi phí để trang bị máy tính có kết nối mạng và tiền dịch vụ mạng; nhân sự của cơ sở cần được đào tạo, tập huấn; cơ sở hạ tầng ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa chưa thể đáp ứng được yêu cầu kết nối mạng...

Dù cho rằng sẽ tốt hơn nếu "bắt buộc kết nối" thay cho "vận động, khuyến khích kết nối"; dù vẫn còn lo lắng khi chứng kiến việc mua thuốc dễ như mua rau bên hè phố, thì tôi nghĩ, trong thời gian tới, việc kê đơn, bán thuốc sẽ đi vào "khuôn khổ", hạn chế và chấm dứt tình trạng sử dụng kháng sinh không hợp lý, lạm dụng kháng sinh - một người bệnh bày tỏ.

Và, tôi cũng tin vào điều đó.

Thành Hưng

Chuyên mục khác