“Thuận lợi hơn trong công tác quản lý và tránh lãng phí…”

08/12/2014 08:51

Thông tư áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến sử dụng, bảo dưỡng, sửa chữa xe cơ giới tham gia giao thông. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/12/2014 và thay thế Quyết định số 992/2003/QĐ-BGTVT ngày 09/42003 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành “Quy định bảo dưỡng kỹ thuật, sửa chữa ô tô”.
Sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện nhằm bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông. Ảnh: V.P

 

Ngày 20/10/2014, Bộ GTVT ban hành Thông tư 53/2014/TT-BGTVT quy định về bảo dưỡng kỹ thuật, sửa chữa phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Sau khi Thông tư ban hành, dư luận xã hội có nhiều ý kiến trái chiều về thời gian quy định bảo dưỡng định kỳ xe được ghi trong Thông tư. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Kon Tum đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hữu Hùng- Phó giám đốc Sở GTVT Kon Tum...

P.V: Thưa ông! Bộ GTVT vừa ban hành Thông tư 53 quy định về bảo dưỡng kỹ thuật, sửa chữa định kỳ phương tiện cơ giới đường bộ có hiệu lực từ ngày 01/12/2014, vậy Sở đã chỉ đạo và triển khai như thế nào?

Ông Nguyễn Hữu Hùng: Hiện nay, chúng tôi chưa nhận Thông tư số 53/2014/TT-BGTVT của Bộ GTVT, chúng tôi chỉ biết Thông tư này qua thông tin trên mạng. Nhưng với sở là đơn vị quản lý ngành vẫn thường xuyên chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp phải thường xuyên tiến hành sửa chữa, bảo dưỡng xe nhằm bảo đảm ATGT khi tham gia giao thông. Những quy định tại Thông tư mới này cũng chỉ nhắc lại để các tổ chức, đơn vị, cá nhân chú ý việc bảo dưỡng xe nhằm đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông.

P.V: Có nhiều ý kiến cho rằng, Thông tư 53 quy định thời gian bảo dưỡng định kỳ đối với xe ô tô con là 6 tháng; xe ô tô chở người, ô tô chở người chuyên dùng từ 10 chỗ trở lên và xe ô tô tải, ô tô chuyên dùng, xe rơ moóc các loại từ 3-6 tháng…là quá ngắn, đã làm khó các đơn vị, doanh nghiệp vận tải và tổ chức, cá nhân sử dụng xe? Ông đánh giá về ý kiến này như thế nào?

Ông Nguyễn Hữu Hùng:  Theo tôi, quy định đó là điều tốt cho các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức sử dụng xe để bảo đảm sự an toàn. Sau mỗi chuyến đi hoặc sau một thời gian sử dụng, thì đương nhiên phải kiểm tra kỹ lại tình trạng kỹ thuật của xe nhằm phát hiện kịp thời những lỗi kỹ thuật để sửa chữa ngay. Vấn đề này cũng được các đơn vị, doanh nghiệp vận tải làm thường xuyên.

P.V: Thông tư này không quy định các chế tài đi kèm, vậy cơ sở nào để xử lý khi các chủ phương tiện không chấp hành?

Ông Nguyễn Hữu Hùng: Theo tôi nghĩ, không cần thiết phải có chế tài, vì mục đích của Thông tư này nhằm nhắc nhở các chủ phương tiện cần làm tốt công tác sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện. Đặc biệt, mục đích của quy định đó là để thủ trưởng các cơ quan, đơn vị làm tốt công tác quản lý và để tránh lãng phí. Còn đối với đơn vị, doanh nghiệp vận tải họ làm thường xuyên việc này rồi. Sau mỗi chuyến đi thì các doanh nghiệp vận tải đều tổ chức kiểm tra, sửa chữa những bộ phận hư hỏng.  

P.V: Như vậy, trong trường hợp các đơn vị không tiến hành bảo dưỡng định kỳ xe thì xử lý ra sao?

Ông Nguyễn Hữu Hùng: Do chưa có chế tài, nên không xử lý được.

P.V: Vậy Thông tư 53 ban hành liệu có khả thi không, thưa ông?

Ông Nguyễn Hữu Hùng: Như tôi đã nói, không nhất thiết phải có chế tài, mà mục đích của quy định trên là khung kỹ thuật các đơn vị tiến hành bảo dưỡng phương tiện. Nếu sử dụng quá thời gian trên, một số bộ phận kỹ thuật của xe có biểu hiện hư hỏng, không sửa chữa kịp thời thì sẽ kéo theo hư hỏng các bộ phận khác, như vậy, sẽ tốn tiền hơn nhiều.

P.V: Theo ông, những quy định tại thông tư này là phù hợp và hạn chế được sự lãng phí?

Ông Nguyễn Hữu Hùng: Theo tôi thấy, quy định như vậy là phù hợp, cũng giống như định mức xăng dầu cho các loại xe, anh có muốn cấp hơn cũng không được vì nhà sản xuất đã tính toán kỹ lưỡng rồi. Chẳng hạn, trong trường hợp xe mới thay lốp, dù xe mới chỉ vận hành được vài trăm ki lô mét nhưng lái xe lại đề xuất xin thay lốp mới; hoặc mới thay nhớt xong chỉ khoảng vài ngày, đi với quãng đường ngắn lại đề xuất thay nhớt nữa… Hay ngược lại, khi xe chạy nhiều, thời gian sử dụng lâu, một số bộ phận kỹ thuật của xe có biểu hiện hư hỏng, lái xe đề xuất sửa chữa nhưng thủ trưởng cơ quan không cho sửa chữa, sau này chẳng may xảy ra hư hỏng, tai nạn thì lái xe sẽ không chịu trách nhiệm về lỗi kỹ thuật của xe… Đấy là mục đích chính của thông tư này, nhằm tạo điều kiện để thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuận lợi hơn trong công tác quản lý và tránh sự lãng phí tiền của Nhà nước.

P.V: Xin cám ơn ông!

Văn Phương (thực hiện)

 

Chuyên mục khác