Thời cơ lớn và thách thức mới

24/10/2022 06:01

Ngày 6/10/2022, Bộ Chính trị khóa XIII ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW “về phương hướng phát triển kinh tế xã hội (KT-XH), bảo đảm quốc phòng, an ninh (QP-AN) vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Việc triển khai và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết này sẽ tạo bước chuyển biến mới, mạnh mẽ, khơi dậy khát vọng phát triển KT-XH và bảo đảm QP-AN vùng Tây Nguyên.

Đây là Nghị quyết vô cùng quan trọng nhằm tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cả nước cũng như vùng Tây Nguyên trong sự nghiệp đổi mới, phát triển nhanh, bền vững vùng Tây Nguyên nói riêng, cả nước nói chung.

Nghị quyết thể hiện rõ khát vọng, ý chí và quyết tâm chính trị rất cao của Đảng, Nhà nước và của nhân dân ta, nhất là cấp ủy, chính quyền, đồng bào các dân tộc trong vùng để nỗ lực phấn đấu đến năm 2030 Tây Nguyên là vùng phát triển nhanh, bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn; giàu bản sắc văn hóa dân tộc; là điểm đến đặc sắc, hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế.

Nghị quyết 23-NQ/TW được ban hành là một bước đột phá quan trọng trong phát triển KT-XH, bảo đảm QP-AN ở Tây Nguyên nói chung và tỉnh Kon Tum nói riêng. Đây cũng chính là thời cơ lớn cùng những thách thức mới mà toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh sẽ nỗ lực phấn đấu tạo nên những chuyển biến mạnh mẽ để thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 23-NQ/TW và các nghị quyết khác của Đảng bộ tỉnh, để đưa tỉnh Kon Tum phát triển nhanh và bền vững.

Quang cảnh Hội nghị quán triệt Nghị quyết Trung ương về Tây Nguyên tại điểm cầu tỉnh ta. Ảnh: D.Đ.N

 

Với tinh thần đoàn kết, đồng lòng vượt qua mọi thử thách và quyết tâm chính trị cao, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tổ chức quán triệt, triển khai sâu rộng đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân để sớm đưa Nghị quyết 23-NQ/TW đi vào cuộc sống.

Thực tế trong quá trình thực hiện các nghị quyết, chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở Tây Nguyên của Trung ương trước đây và các nghị quyết của tỉnh, tỉnh ta luôn có những nỗ lực lớn để xây dựng và phát triển tỉnh nhà ngày càng phát triển. Trong đó, Đảng bộ và chính quyền tỉnh luôn xác định Kon Tum đi lên từ nông nghiệp và sẽ tiếp tục phát triển từ trụ cột nông nghiệp, với mục tiêu trọng điểm là phát triển nông nghiệp đi vào chiều sâu, ứng dụng công nghệ cao, gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ để tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng, đảm bảo thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân, nhất là đồng bào DTTS.

Gần nhất là Nghị Quyết 05-NQ/TU, ngày 25/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI “về phát triển nông nghiệp hàng hóa đi vào chiều sâu, ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030” với mục tiêu đến năm 2030: Phấn đấu tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao của tỉnh chiếm 25-30% trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp; toàn tỉnh có 10 vùng nông nghiệp, 15 doanh nghiệp nông nghiệp được công nhận ứng dụng công nghệ cao, 10 cơ sở chế biến sâu có sức cạnh tranh cao; duy trì các sản phẩm tham gia vào chuỗi giá trị các sản phẩm quốc gia. Ngành kinh tế nông nghiệp hàng hóa của tỉnh có sức cạnh tranh cao trên thị trường. 

Đặc biệt hơn, tỉnh xác định đến năm 2030, hình thành được vùng trồng dược liệu tập trung với diện tích sâm Ngọc Linh khoảng 10.000ha, các cây dược liệu khác khoảng 15.000ha, sản lượng các loại dược liệu đạt trên 130.000 tấn, ngành dược liệu đóng góp khoảng 15% tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của tỉnh.

Đồng thời, Tỉnh ủy đã yêu cầu cả hệ thống chính trị vào cuộc, kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể nhân dân chung sức, đồng lòng tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm là tập trung phát triển một số vùng, khu sản xuất nông nghiệp tập trung, gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ; đầu tư hạ tầng tại các khu, vùng trọng điểm về phát triển nông nghiệp; hình thành các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; hỗ trợ, tạo lập môi trường đầu tư minh bạch, thuận lợi để thu hút các nguồn lực, dự án đầu tư về lĩnh vực nông nghiệp hiệu quả cao và dược liệu.

Tỉnh quan tâm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tổ chức, hộ gia đình tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư mở rộng quy mô, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất; nâng cao hiệu quả hoạt động của mô hình kinh tế tập thể, đẩy mạnh hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản; hỗ trợ đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu, mã số vùng trồng; xúc tiến thương mại, quảng bá, tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm nông nghiệp; nâng cao trình độ nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp, đảm bảo các yêu cầu tiêu chuẩn, quy chuẩn của quốc gia, quốc tế.

Việc Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022 “về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, cùng với Nghị quyết 23- NQ/TW của Bộ Chính trị là những chủ trương lớn, đặc biệt quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho vùng Tây Nguyên có thể phát huy, khai thác có hiệu quả hơn nữa các tiềm năng, thế mạnh để phát triển nhanh, bền vững.

Với quyết tâm chính trị cao nhất, việc thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị “về phương hướng phát triển KT-XH, bảo đảm QP-AN vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” cùng với việc thực hiện các nghị quyết khác của Trung ương, của tỉnh sẽ tạo ra thời cơ lớn, khát vọng lớn để xây dựng tỉnh nhà ngày càng phát triển mạnh mẽ, góp phần xây dựng Tây Nguyên “trở thành vùng phát triển bền vững, có nền kinh tế xanh, tuần hoàn; một số tỉnh trong Vùng thuộc nhóm phát triển khá của cả nước” và người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Dương Đức Nhuận

Chuyên mục khác