Thích ứng an toàn với dịch Covid-19: Bắt đầu từ ý thức của mỗi người

05/10/2021 13:02

Với những kết quả tích cực trong phòng, chống dịch Covid-19, Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã thống nhất điều chỉnh chiến lược với quan điểm “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” để vừa phòng, chống dịch có hiệu quả, vừa khôi phục và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, để thực hiện được điều này, nếu chỉ nỗ lực của các cấp, các ngành, các lực lượng chức năng thôi thì chưa đủ mà quan trọng hơn mỗi người dân cần hiểu đúng, hành động đúng, xây dựng “vùng xanh” trong nhận thức và ý thức.

Đến nay, làn sóng dịch Covid-19 thứ tư ở trong nước đã có dấu hiệu “hạ nhiệt”, nhất là tại một số địa phương từng là “điểm nóng” về dịch bệnh. Chính phủ và các địa phương quyết định từng bước nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội để ổn định đời sống nhân dân và đưa các hoạt động kinh tế - xã hội trở lại bình thường trong tình hình mới. 

Có thể nói, đến thời điểm này, các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương đều xác định không thể khống chế dịch một cách tuyệt đối mà phải chung sống an toàn, thích ứng linh hoạt với Covid-19. Nghĩa là, chúng ta không theo đuổi mục tiêu không có ca mắc Covid-19 mà chấp nhận có số ca mắc nhất định trong cộng đồng, nhưng phải đảm bảo an toàn tính mạng người dân, kiểm soát được dịch và tiếp tục các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Thông điệp này đã được Thủ tướng Phạm Minh Chính nhiều lần nhấn mạnh, đó là phải chuyển từ “không Covid” sang “thích ứng an toàn”; mở cửa dần dần để người dân làm ăn, doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh là việc cần làm và phải làm. 

Lực lượng tuyến đầu vẫn đang nỗ lực làm việc ngày đêm để kiểm soát tình hình. Ảnh: T.H

 

Tất nhiên, việc nối lại các hoạt động kinh tế cũng đặt ra những thách thức không nhỏ cho công tác phòng, chống dịch. Bởi, nhà máy, nguồn nguyên liệu, lực lượng lao động, thị trường tiêu thụ, xuất khẩu…không cùng nằm ở một tỉnh hay một địa phương nào. Các hoạt động giao lưu thương mại, trao đổi hàng hóa, giao thông vận tải cũng phải được vận hành liên hoàn trong cả nước và với cả nước ngoài.

Tại tỉnh ta, tính đến ngày 30/9, vẫn chưa có ca bệnh trong cộng đồng, công tác chống dịch đang được triển khai hiệu quả. Đây là kết quả từ sự nỗ lực, quyết liệt và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các lực lượng tuyến đầu và sự hợp sức, đồng lòng của đại bộ phận người dân trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh vẫn tiềm ẩn những yếu tố khó lường, không được chủ quan, lơ là. Nhất là, trong những ngày vừa qua, số ca mắc Covid-19 được phát hiện tại khu cách ly và chốt kiểm soát gia tăng;  cùng với  đó là việc ghi nhận một số ca tái dương tính với SARS-CoV-2 sau khi đã được điều trị khỏi trở về nhà thì việc xuất hiện ca bệnh trong cộng đồng hoàn toàn có thể xảy ra. Hơn nữa, thời gian tới, khi các biện pháp giãn cách dần được nới lỏng, hoạt động kinh tế trong cả nước từng bước được khơi thông thì mọi việc càng trở nên khó khăn hơn. Vì vậy, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh xác định và thường xuyên quán triệt về nguy cơ dịch bệnh có thể xuất hiện và lây lan ra cộng đồng để tất cả chúng ta cùng nêu cao ý thức phòng dịch.

 Rõ ràng, công tác phòng, chống dịch của tỉnh ta đã có những thay đổi theo hướng đối mặt với nhiều thách thức hơn. Để cân đối cả 2 nhiệm vụ là vừa chống dịch, vừa đảm bảo duy trì các hoạt động sản xuất, kinh doanh đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải sẵn sàng ở “mức cao hơn” nhưng trên hết là tinh thần tự giác, tự  phòng, chống dịch của mỗi người dân, gia đình và cơ sở.

Người dân, cơ sở vốn được coi thành trì trọng yếu trong cuộc chiến chống dịch. Người dân vừa là trung tâm, vừa là chủ thể trong phòng, chống dịch Covid-19. Chỉ khi người dân vào cuộc thật sự, tích cực, chủ động phòng, chống dịch từ trong gia đình tới từng khu dân cư thì khi đó công tác chống dịch của tỉnh mới đảm bảo hiệu quả. Chỉ một chút chủ quan, lơ là có thể dẫn đến hậu quả đáng tiếc. Những nỗ lực nhiều tháng, nhiều ngày qua của cả hệ thống chính trị sẽ “đổ sông đổ biển”.

Thế nhưng, trên thực tế, ở nhiều nơi, khi mới nghe đến 2 từ “nới lỏng” thì một bộ phận người dân đã có tư tưởng “xả hơi”, buông lỏng. Ngay trong một bộ phận các cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị từ cấp tỉnh đến cơ sở đã có biểu hiện chủ quan, lơ là, tập trung đông người ngoài công sở, trường học, bệnh viện để vui chơi, ăn uống... dẫn đến nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Vì vậy, ngày 28/9, Văn phòng Tỉnh ủy có Văn bản số 1700-CV/VP truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy trong chấn chỉnh tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị từ cấp tỉnh đến cơ sở còn có biểu hiện chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch.

Những ngày gần đây, trước việc xuất hiện một số ca tái dương tính trên địa bàn tỉnh buộc các lực lượng chức năng phải tiến hành phong tỏa tạm thời một số khu vực để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch thì đã có một bộ phận người dân mất bình tĩnh, lo lắng thái quá, rồi lan truyền những thông tin không đúng sự thật. Điều này gây ra những xáo trộn xã hội không cần thiết và khó khăn hơn cho công tác chống dịch của các ngành chức năng.

Nhận thức đúng về dịch bệnh, xây dựng “vùng xanh” trong nhận thức và ý thức là liều vắc xin hiệu quả nhất để mỗi người tự bảo vệ chính mình và cộng đồng. Ý thức ấy được thể hiện qua việc hiểu đúng, hành động đúng, hợp tác với các lực lượng chức năng để thích ứng với tình hình mới, góp phần làm tốt công tác phòng chống dịch hiệu quả.

Thùy Hương

Chuyên mục khác