Thi và học

03/10/2016 09:00

Đổi mới khâu thi cử, kiểm tra, đánh giá sẽ định hướng cho việc dạy và học, thay vì “thi gì học nấy” sẽ chuyển sang “học gì thi nấy” đồng thời khắc phục được những bất cập trong đánh giá, thi cử mà xã hội chưa đồng tình bấy lâu nay...

Loanh quanh mãi trong các câu chuyện mấy ngày này vẫn là chủ đề Thi và Học. Không loanh quanh sao được khi sau 2 năm triển khai kỳ thi THPT quốc gia, những tưởng mọi chuyện đã dần đi vào nề nếp, thì lần thứ 3 tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 tiếp tục có những thay đổi. Kiểu “đến hẹn lại… đổi mới” này đã khiến cho học sinh, phụ huynh lẫn giáo viên phải thốt lên là “chóng cả mặt”.

Nhưng, dù học sinh, phụ huynh và cả giáo viên có chóng cả mặt thì mọi chuyện cũng đã được an bài. Chiều 28/9, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2017.

Nhìn vào tổng thể, phương án thi năm 2017 chỉ có một số điểm mới cơ bản: Chuyển một số môn (Toán học, Lịch sử, Địa lý) từ tự luận thành trắc nghiệm và giảm bớt số câu hỏi ở các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học ghép lại thành bài thi Khoa học tự nhiên.

Ở tổ hợp bài thi Khoa học xã hội thì ngoài Sử học, Địa lý, lần đầu tiên môn Giáo dục công dân được đưa vào kỳ thi này. Đây được xem  là một trong những điểm mới và điểm sáng trong kỳ thi năm nay vì giáo dục đạo đức, lối sống để các em hoàn thiện trở thành một con người tử tế là điều rất cần thiết…

Bên cạnh đó, việc áp dụng hình thức thi trắc nghiệm và chấm thi trên máy sẽ giảm thiểu tối đa vấn đề tiêu cực trong chấm thi, mang đến kết quả chính xác, đồng đều giữa các địa phương trong cả nước, đảm bảo không bị thiên lệch, chủ quan của người chấm ảnh hưởng đến kết quả bài thi.

Những thay đổi này cũng được kỳ vọng sẽ đánh giá đồng bộ, bao quát kiến thức của học sinh ở tất cả các môn học, tránh được tình trạng học lệch, học tủ vẫn tồn tại bấy lâu nay.

Vẫn biết rằng, đổi mới phương thức thi - tuyển sinh là một phần giải pháp để đổi mới căn bản, toàn diện ngành Giáo dục, thậm chí còn được coi là khâu đột phá, ưu tiên. Do đó, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo liên tục đổi mới cách thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển đại học đã nằm trong lộ trình, kế hoạch và là tất yếu.

Đặc biệt, đổi mới khâu thi cử, kiểm tra, đánh giá sẽ định hướng cho việc dạy và học, thay vì “thi gì học nấy” sẽ chuyển sang “học gì thi nấy” đồng thời khắc phục được những bất cập trong đánh giá, thi cử (mục tiêu kiểm tra, thi cử; nội dung, hình thức tổ chức thi; quy trình tổ chức thi; đánh giá kết quả thi…) mà xã hội chưa đồng tình bấy lâu nay.

Thế nhưng, trước sự thay đổi liên tục hay nói đúng hơn là thiếu ổn định trong phương thức tổ chức kỳ thi THPT quốc gia đã khiến cho nhiều người cảm thấy lo lắng.

Nhiều ý kiến cho rằng không nên cứ mỗi năm lại thay đổi một kiểu, như là lấy học sinh làm chuột bạch để thử nghiệm phương pháp thi. Hơn nữa, những thay đổi quá nhanh có thể làm cho các em học sinh, phụ huynh và cả thầy cô giáo không kịp thích ứng, ảnh hưởng đến chất lượng, kết quả.

Sự thay đổi phương án thi sẽ làm xáo trộn hoàn toàn các kế hoạch học tập trước đó của thí sinh, trước tiên là ở việc thi trắc nghiệm với môn Toán – bởi đây là môn thi bắt buộc và có mặt trong hầu hết các tổ hợp xét tuyển đại học.

Trong khi đó, suốt nhiều năm qua, môn Toán ở trường phổ thông đều tiến hành kiểm tra – đánh giá bằng hình thức tự luận. Bản thân các thầy cô giáo cũng chưa hề có kinh nghiệm đáng kể trong việc ra đề thi, kiểm tra bằng hình thức trắc nghiệm; các tài liệu hướng dẫn, ôn tập, giảng dạy môn Toán dưới dạng trắc nghiệm cũng rất ít.

Không ít phụ huynh đã cho rằng, mục tiêu đổi mới để giáo dục toàn diện chắc chắn và luôn luôn được xã hội đồng tình ủng hộ. Nhưng, các gia đình có con đang học 12 vốn đã chuẩn bị lộ trình theo cách học và thi cũ, lộ trình đó được hỗ trợ bằng không ít công sức, tiền bạc, thời gian. Và, những điểm mới trong lần thi này, dù kết quả còn đang ở “thì tương lai” nhưng trước mắt đã thấy phải gia tăng chi phí (nghiên cứu, thay đổi phương pháp dạy và học, mua các loại sách hướng dẫn phương pháp thi trắc nghiệm…) và áp lực. 

Nhìn nhận vấn đề một cách rộng hơn, bao quát hơn thì cuộc đời của các em không chỉ dừng lại ở một cuộc thi, mà phụ thuộc chủ yếu vào hai yếu tố: Chất lượng nền giáo dục các em thụ hưởng được mà kì thi tốt nghiệp THPT quốc gia là bằng chứng xác nhận khách quan và chất lượng định hướng nghề nghiệp mà giải pháp thi cử trong quá trình chuyển tiếp trung học-đại học có thể mang lại cho các em.

Bởi vậy, vấn đề không chỉ học sinh, phụ huynh mà cả các giáo viên quan tâm trong thời gian này chính là phải triển khai dạy, học như thế nào để các em có thể “học gì thi nấy” và đảm bảo đạt hiệu quả cao trong kỳ thi có nhiều đổi mới này.

Bình Toàn

Chuyên mục khác