“Thau cá bị đá” và chuyện giải tỏa vỉa hè

08/10/2017 18:00

​Mấy ngày nay, clip quay cảnh Trưởng Công an xã Quảng Điền, huyện Krông Ana, tỉnh Đăk Lăk đá văng hàng hóa của người dân khi giải tỏa vỉa hè thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Điều thu hút sự chú ý của tôi là, trong khi đa số bình luận theo kiểu “ném đá”, thì vẫn có những ý kiến cho rằng cần nhìn sự việc thấu đáo từ cả 2 phía, bởi “cuộc chiến” giành vỉa hè không hề đơn giản, đem lại áp lực lớn cho người trong cuộc.

Clip được đăng tải ngày 3/10 và lan rất nhanh trên mạng xã hội, nhiều trang báo điện tử. Sáng sớm 6/10, tôi gõ từ khóa “đá thau cá” trên google, chỉ chưa đầy 1 giây đã cho kết quả tìm kiếm là 707.000 lượt truy cập.

Dư luận cho rằng, hành vi như trong clip là phản cảm, cần được xử lý thỏa đáng, tránh mang tiếng xấu cho lực lượng chức năng, cho chính cán bộ, công chức, nhất là khi chúng ta đang đẩy mạnh xây dựng cách hành xử văn minh trong khi thi hành công vụ. 

Bản thân Trưởng Công an xã Quảng Điền, ngay sau đó, đã thừa nhận hành động của mình là chưa đúng, thiếu chuẩn mực và sẽ rút kinh nghiệm trong các ứng xử sau này.

Nhưng ông cũng giãi bày với báo chí rằng, thời gian qua đoạn đường qua chợ Điện Bàn là "điểm nóng" về an toàn giao thông, lãnh đạo xã chỉ đạo quyết liệt phải làm thông thoáng khu vực này, giao Công an xã thực hiện. Nhiều lần xuống nhắc nhở, bà con thực hiện xong lại tái lấn chiếm khiến đoạn đường này luôn kẹt cứng - ông trần tình.

Dù biện mình thế nào đi chăng nữa, hành vi đá văng hàng hóa của người dân là không thể chấp nhận, cần phải xử lý nghiêm. Tôi đồng tình như vậy. Nhưng tự nhiên, tôi lại thấy nhẹ lòng khi thấy, trong đa số bình luận theo kiểu “ném đá” vẫn có những ý kiến cho rằng cần nhìn sự việc thấu đáo từ cả 2 phía, bởi “cuộc chiến” giành vỉa hè không hề đơn giản, đem lại áp lực lớn cho người trong cuộc...   

“Nhìn người lại nghĩ đến mình”, ở tỉnh Kon Tum, việc giành lại vỉa hè được chính quyền thành phố Kon Tum triển khai từ tháng 3, và mới đây, vào cuối tháng 9 là huyện Ngọc Hồi.

Chưa thể nói rằng chính quyền thành phố Kon Tum đã thành công, bởi vỉa hè vẫn đang bị lấn chiếm và tái chiếm ở nhiều nơi, nhiều lúc. Nhưng ít nhất quyết tâm ấy cho thấy, cái vỉa hè nhếch nhác, đặc trưng của bất cứ đô thị nào, chắc chắn phải được thay thế bằng một không gian trật tự hơn. Đó là yêu cầu tất yếu mà bất cứ một đô thị văn minh nào cũng phải có.

Giải tỏa vỉa hè trên đường Bùi Thị Xuân (phường Nguyễn Huệ, thành phố Kon Tum). Ảnh: T.H

 

Tham gia tất cả các đợt ra quân, rất may tôi chưa phải chứng kiến vụ việc phát sinh bởi những cái “đầu nóng”, để lại hậu quả, nhưng có không ít vụ việc cụ thể phải giải quyết bằng cưỡng chế.

Tôi nhớ như in hôm tham gia giải tỏa vỉa hè đường Trần Phú. Nghe phát loa, các chủ hiệu hối hả chạy ra cất biển hiệu. Đến một quán cà phê xảy ra giằng co. Gọi là quán cho sang, vì thực chất nó chỉ có mấy cái bàn nhựa và dăm ba cái ghế được đặt ở vỉa hè, dưới một gốc cây bằng lăng trơ trụi lá. Chủ quán là một phụ nữ nhỏ bé, tay xách ghế, chân giữ bàn.

Lẽ tất nhiên, bàn nhựa, ghế nhựa của chị chủ quán bị thu. Ban đầu chị năn nỉ, rồi sau đó là chị chửi. Trong số những người tham gia giải tỏa đã có những gương mặt đỏ lên vì tức... Rõ ràng, việc quản lý cái vỉa hè đã bị buông lỏng từ lâu. Lâu đến mức người ta sinh ra thái độ phản ứng khi chính quyền giành lại vỉa hè - giành lại thứ vốn không phải để tranh giành.

Thế rồi 2 hôm sau, trên đường đi làm, tôi lại thấy mấy cái bàn, mấy cái ghế nhựa của chị nhoi ra vỉa hè. Chị lại cười khi tôi ghé vào: Mình thấy mình sai, nhưng không bán lấy gì ăn.

Chị cũng chẳng nhớ đây là lần tái phạm thứ mấy. Kể chuyện này với anh bạn làm ở UBND thành phố, anh lắc đầu: Giải tỏa vỉa hè ấy à, phức tạp lắm. Cần những cái đầu tỉnh táo.

Bản thân anh là người phụ trách chiến dịch dẹp vỉa hè tại thành phố Kon Tum và trực tiếp xuống đường như bao anh em khác. Cũng một phần nhờ sự quyết liệt đầy trách nhiệm của anh mà một số tuyến đường đã ngăn nắp, trật tự và đi vào khuôn khổ. Nhưng bên cạnh đó, vẫn còn không ít trường hợp cố tình vi phạm và không có thiện chí, vì thế mà anh đã nhận được những tin nhắn không mong đợi: chửi bới, thậm chí hăm dọa… 

Trở lại chuyện “thau cá bị đá”, sáng 5/10, UBND xã Quảng Điền đã tổ chức họp dân. Tại đây, Trưởng Công an xã Quảng Điền đã công khai xin lỗi người dân. Ông nhận rằng, hành động của mình trước đó là sai. “Tôi xin lỗi mọi người” - ông nói. Như vậy, một chủ trương đúng nhưng cách làm sai cũng sẽ để lại hậu quả.

Mới đây, ngày 27/9, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh - Nguyễn Đức Tuy đã ký ban hành Kế hoạch số 2619/KH-UBND về việc tăng cường công tác quản lý và kiểm tra, xử lý vi phạm lấn chiếm vỉa hè, lòng đường đô thị trên địa bàn tỉnh.

Trong đó, bên cạnh các giải pháp như tăng cường công tác quản lý và kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm, kiên quyết giải tỏa lấn chiếm vỉa hè, lòng đường đô thị trên địa bàn tỉnh, thì ưu tiên hàng đầu vẫn là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhằm nâng cao ý thức tự giác chấp hành không vi phạm lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi họp chợ, mua bán, lắp đặt biển quảng cáo, mái che che khuất tầm nhìn...

Cũng trong Kế hoạch 2619, UBND tỉnh giao trách nhiệm quản lý, chống tái lấn chiếm vỉa hè, lòng đường đô thị cho các xã, phường, thị trấn sau khi xử lý, giải tỏa... Như vậy, áp lực là điều không tránh khỏi.

Mong rằng, cán bộ, công chức làm nhiệm vụ dẹp vỉa hè sẽ không bị áp lực ấy làm cho “nóng đầu”, dẫn đến những hành động thiếu kiềm chế, bởi một khi chủ trương đúng nhưng cách làm không phù hợp sẽ đem lại hậu quả xấu.

Thành Hưng

Chuyên mục khác