“Thắp lên ngọn lửa” tri thức và niềm tin

20/11/2021 10:32

Không quản ngại gian khó, các thầy, cô giáo đang ngày đêm miệt mài, “thắp lên ngọn lửa” tri thức và niềm tin cho các em học sinh.

Mới đó mà đã đến ngày 20/11 – Ngày Nhà giáo Việt Nam. Vậy là thầy và trò trong tỉnh ta cùng cả nước đi gần 1/3 quãng đường của năm học mới 2021-2022 - một năm học đầy biến động cùng những thách thức, khó khăn trên con đường “thắp sáng ngọn lửa” tri thức cho các em học sinh giữa thời dịch Covid-19.

Cũng như mọi năm, ngày 20/11 năm nay cũng được các bậc cha mẹ và các em học sinh thân yêu nhớ đến với sự kỳ vọng, tôn vinh và tri ân sâu sắc nhất đối với các nhà giáo cũng như ngành Giáo dục nước nhà.

Sự tôn vinh ấy càng trở nên đặc biệt hơn khi cả nước nói chung và tỉnh ta nói riêng có một năm học cũng hết sức đặc biệt: Khai giảng bằng hình thức trực tuyến và học tập, giảng dạy trong những ngày đầu của năm học cũng bằng hình thức trực tuyến. Hiện nay, nhiều trường có dịch vẫn phải dạy trực tuyến. Đồng thời, thầy và trò vừa phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, vừa phải vượt qua bộn bề những khó khăn để thi đua dạy tốt, học tốt, hoàn thành tốt chương trình giảng dạy và học tập của năm học đặt ra.

Các em học sinh Trường TH xã Rờ Kơi miệt mài học tập. Ảnh: Văn Nhiên 

 

Là một tỉnh còn nghèo so với nhiều địa phương khác, nhưng có thể nói sự nghiệp trồng người ở tỉnh ta trong những năm qua có những chuyển biến hết sức tích cực. Đó là sự quan tâm đầu tư về kết cấu hạ tầng, trang thiết bị, đồ dùng dạy học… đảm bảo chất lượng dạy và học ngày càng tốt hơn; tỷ lệ học sinh lên lớp, đậu tốt nghiệp cũng như đỗ vào các trường chuyên nghiệp, đào tạo nghề ngày càng cao và thực chất hơn.

Xin được điểm lại, trong bối cảnh vừa thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch, vừa đảm bảo chất lượng dạy và học, nhưng trong năm học 2020-2021, ngành Giáo dục- Đào tạo tỉnh triển khai đồng bộ các nhiệm vụ giáo dục và đào tạo, tạo sự đồng thuận và niềm tin đối với cha mẹ học sinh và toàn xã hội để tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục. Đặc biệt mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông trên địa bàn được sắp xếp tinh gọn, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương; chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục tiếp tục được bồi dưỡng, chuẩn hóa đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục ở tỉnh nhà. Theo đó, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT năm 2021 đạt 98,26%, tăng 0,56% so với năm 2020; đặc biệt trong đó có 1 học sinh đạt thủ khoa khối D toàn quốc với tổng điểm 3 môn xét tuyển là 29,15 điểm.

Có được những thành tựu ấy chính là nhờ các quyết sách đúng đắn, phù hợp cũng như sự quan tâm sâu sắc của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cùng với sự tận tâm, tận lực không biết mệt mỏi của đội ngũ các nhà giáo tỉnh nhà đang ngày đêm vượt khó, bám lớp, bám trường, trở thành nhân tố quyết định làm thay đổi diện mạo, chất lượng giáo dục của tỉnh từ thành thị cho đến nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.

Trong bối cảnh đặc biệt, trong những trường có học sinh, giáo viên mắc Covid-19, thay vì hàng ngày đến trường, nhiều trường các thầy cô phải truyền đạt kiến thức cho các em học sinh bằng hình thức trực tuyến trong điều kiện hết sức khó khăn. Nhiều học sinh nghèo thiếu thiết bị học trực tuyến, nhưng không vì thế mà chương trình dạy học bị gián đoạn. Bằng mọi cách, các địa phương, các tổ chức đoàn thể và các nhà trường… đã hỗ trợ, giúp các thầy cô và các em vượt qua khó khăn để theo kịp chương trình dạy và học.

Nhiều trường, nhiều thầy, cô giáo đã linh hoạt trong phương pháp dạy và học, xác định rõ được những nội dung cốt lõi, bổ trợ trong chương trình giáo dục; phương pháp tự học của học sinh, phương pháp dạy của giáo viên được thúc đẩy một bước, dạy trực tuyến một cách linh hoạt, hiệu quả. Các thầy, cô giáo đã kịp thời xây dựng hệ thống các bài giảng đáp ứng được nhu cầu học tập của các em học sinh và được các bậc cha mẹ ghi nhận, đồng tình.

Vượt qua khó khăn, ngành Giáo dục ở tỉnh tập trung mọi nguồn lực để nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt là giáo dục vùng đồng bào DTTS và nguồn nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng ý chí tự lực, tự cường, vươn lên trong đại dịch ở mỗi học sinh và sinh viên.

Có lẽ chưa bao giờ, chưa lúc nào các thầy, cô giáo lại phải đối mặt với những khó khăn, thử thách khi phải ứng phó với những tác động chưa có tiền lệ từ đại dịch Covid-19. Và trong hoàn cảnh khó khăn ấy, các thầy, cô giáo vẫn hoàn thành xuất sắc sứ mệnh của mình là “thắp lên ngọn lửa” niềm tin trên con đường kiến tạo tri thức cho các em học sinh. Cũng chính vì sự cống hiến xuất sắc ấy mà các thầy, cô giáo lại càng được ca ngợi và luôn là những tấm gương mẫu mực để các em học sinh phấn đấu noi theo, vươn lên trong học tập.

Dân tộc ta có truyền thống “Tôn sư trọng đạo”. Chính vì các thầy, cô giáo với việc dành hết tâm huyết, luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm truyền đạt kiến thức cho các em học sinh, giúp các em cùng nhau vượt khó hoàn thành tốt chương trình học tập, trở thành con ngoan, trò giỏi… nên xứng đáng được cả xã hội tri ân, tôn vinh.

Ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay, do tình hình dịch Covid- 19, việc tổ chức lễ ở nhiều trường không diễn ra trọng thể, nhộn nhịp như mọi năm. Nhưng trong lòng các em học sinh, các bậc phụ huynh và xã hội cũng luôn hướng về các thầy cô. Và  tôi tin chắc rằng, món quà ý nghĩa nhất, ấm áp nhất với các thầy cô chính là các em học sinh nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn để vươn lên trong học tập.

Bằng tất cả tấm lòng, xin được chia sẻ, tri ân đến những thầy cô ngày đêm miệt mài vun đắp tri thức và niềm tin trong sự nghiệp trồng người.

Dương Đức Nhuận

Chuyên mục khác