Tháng 7 tri ân

29/07/2015 09:25

Đã 68 năm, ngày 27/7 hằng năm trở thành ngày có ý nghĩa lịch sử, chính trị, xã hội sâu sắc. Tri ân những người có công với cách mạng và gia đình họ, Đảng, Nhà nước, cộng đồng xã hội quan tâm, chăm lo bằng nhiều việc làm thiết thực. Điều này, đã, đang và sẽ đem lại cho chúng ta ý thức về trách nhiệm, noi gương truyền thống, sống xứng đáng với sự hy sinh của thế hệ cha anh.

1. Làm nhà tình nghĩa cho Mẹ, làm nhà tình thương cho Anh là đạo lý từ ngàn xưa của dân tộc: “Ăn quả nhớ người trồng cây”, “Uống nước nhớ nguồn”. Cũng chính từ đạo lý ấy mà cùng với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, phong trào xã hội hóa công tác đền ơn đáp nghĩa ngày càng trở nên sâu rộng đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người có công.

Theo thống kê, trong giai đoạn 2011 – 2015, trên địa bàn tỉnh vận động hơn 6,33 tỷ đồng quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” cấp tỉnh; xây dựng mới 140 căn nhà tình nghĩa và hỗ trợ sửa chữa 70 căn nhà, đạt 100% kế hoạch; vận động tặng sổ vàng tiết kiệm tình nghĩa đến 101 đối tượng; cấp 2.719 sổ ưu đãi giáo dục cho các đối tượng thân nhân người có công.

Tặng quà bà Nguyễn Thị Hường, thân nhân 2 liệt sĩ. Ảnh: Q.Đ

 

Việc xây dựng xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công đã trở thành phong trào và được các cấp ủy Đảng, chính quyền đưa vào kế hoạch phấn đấu. Hiện, toàn tỉnh đã có 79 xã, phường được công nhận làm tốt công tác thương binh – liệt sĩ (tăng 8 xã so với cuối năm 2010), đạt 95,6% chỉ tiêu kế hoạch đề ra…

Chính từ sự quan tâm, góp công, góp của ấy mà nhiều gia đình người có công đã phần nào vơi bớt khó khăn. Câu chuyện của bà Nguyễn Thị Đức (phường Thắng Lợi) – vợ liệt sĩ Vũ Thi Loan nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước mà vượt qua được khó khăn đã khiến cho nhiều người cảm động.

Năm 1995, từ tỉnh Nghệ An vào Kon Tum lập nghiệp, nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền địa phương, bà con lối xóm cộng với số tiền hàng tháng từ chế độ người có công đã giúp mẹ con bà Đức vơi bớt những lo toan nhọc nhằn. Cách đây 2 năm, khi ngôi nhà cấp 4 của mẹ con bà không đủ che mưa nắng, cấp ủy, chính quyền địa phương lại một lần nữa ưu tiên hỗ trợ 40 triệu đồng từ “Quỹ Đền ơn đáp nghĩa” để làm nhà ở mới. Nhờ nguồn hỗ trợ này, cộng thêm tiền tích cóp và ngày công của con cái trong gia đình trị giá gần 60 triệu đồng mà bà có được ngôi nhà tình nghĩa khang trang.

Và không chỉ mẹ con bà Đức mà trên địa bàn tỉnh có nhiều, rất nhiều gia đình người có công nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước; sự hỗ trợ, giúp đỡ của cộng đồng đã vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.

Đáp lại sự quan tâm, chăm sóc ấy, những người có công với cách mạng và gia đình họ tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, vượt khó vươn lên xây dựng cuộc sống tốt đẹp, đóng góp cho xã hội, góp phần làm giàu cho quê hương.

Trong một lần đến thăm, gặp gỡ, trò chuyện, thương binh A Blếch, ở làng Kon Xrá, xã Đăk Tờ Lùng, huyện Kon Rẫy khiến tôi thật sự khâm phục. Tuy mang thương tật trên mình (mất một phần cánh tay bên phải trong trận đánh Măng Đen – Măng Bút) nhưng ông đã khắc phục khó khăn vượt lên trong lao động sáng tạo, năng động cải thiện đời sống gia đình, góp sức xây dựng, làm giàu cho quê hương. Không chỉ lo cho riêng mình, bà con trong làng, trong xã ai khó khăn ông đều sẵn lòng giúp đỡ. Và, năm 2007, ông đã tự nguyện hiến 759m2 đất và vận động thêm 6 hộ gia đình khác hiến đất để xây dựng trường học.

Lý giải cho những gì mình làm được, ông cho rằng cái chất thép của người lính luôn thôi thúc ông vươn lên; dù mất cánh tay, nhưng ý chí không hề mất mà còn được nhân lên gấp bội như bù đắp nỗi mất mát về thể chất. Năm 2009, ông  là 1 trong số 29 cá nhân được Ban Thường vụ Tỉnh uỷ biểu dương, khen thưởng trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ở cấp tỉnh.

2. Không để người có công chịu thiệt, trong 2 năm 2014-2015, thực hiện Chỉ thị số 23/2013/NĐ -CP của Chính phủ về “Tổng rà soát thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, toàn tỉnh đã thực hiện rà soát 6.355/6.355 trường hợp thuộc diện rà soát (454 liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ, 2 Mẹ Việt Nam anh hùng, 1.286 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh, 2.059 bệnh binh, 639 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, 1.138 người có công giúp đỡ cách mạng, 49 thanh niên xung phong, 728 thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng). Trong đó, 6.087 trường hợp thực hiện đúng chế độ, 251 trường hợp thực hiện chưa đầy đủ chế độ, 17 trường hợp thực hiện sai chế độ và có 1.476 đối tượng chưa được xem xét xác nhận người có công.

Tính đến ngày 30/4/2015, UBND tỉnh đã giải quyết dứt điểm các trường hợp hưởng chưa đầy đủ về chế độ, còn các trường hợp hưởng chưa đầy đủ về nhà ở đang chờ Trung ương hướng dẫn cụ thể. Đối với các trường hợp hưởng sai, không đúng đã xem xét xử lý, đình chỉ và thu hồi. Đối với trường hợp chưa xem xét, xác nhận hồ sơ đã phân loại các đối tượng xong, đang bổ sung hồ sơ thủ tục đủ điều kiện giải quyết theo quy định, còn các đối tượng không đủ điều kiện giải quyết thì thông bảo chuyển trả hồ sơ và giải thích cho đối tượng hiểu. Hiện nay, tỉnh đang tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm các đối tượng đủ điều kiện giải quyết nhưng chưa lập hồ sơ.

Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh có tới 1.476 đối tượng chưa được xem xét xác nhận người có công. Chính điều này đã tạo ra những khoảng trống về chính sách đối với thân nhân gia đình liệt sĩ, chế độ tiền lương và phụ cấp cho thương, bệnh binh. Đối với bản thân và gia đình họ, đó là một thiệt thòi, mất mát cả về vật chất và tinh thần, càng bức xúc hơn nếu không có sự vào cuộc rốt ráo, quyết liệt của các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh trong Cuộc rà soát thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng trong thời gian qua. Điều này càng nhắc nhở chúng ta rằng, cần phải tiếp tục thực hiện chính sách với đối tượng còn sót và phải tổ chức thực hiện bảo đảm hết sức chặt chẽ, chính xác.

3. 68 năm trôi qua, ngày 27/7 đã trở nên thiêng liêng trong đời sống mỗi người con đất Việt. Cứ vào dịp tháng 7 hàng năm, nhân dân các dân tộc trong tỉnh lại đẩy mạnh công tác đền ơn, đáp nghĩa: chăm sóc các thương binh, gia đình liệt sĩ; các nghĩa trang liệt sĩ được tu sửa và hương khói…

Đặc biệt, đối với thế hệ trẻ - những người sinh ra sau chiến tranh – tháng 7 tri ân với các hoạt động đền ơn đáp nghĩa cũng chính là cách giáo dục truyền thống, lịch sử, giáo dục đạo đức lối sống. Bởi vậy, với phương châm “Mỗi ngọn nến thể hiện một nghĩa cử, mỗi hành động thể hiện một tấm lòng”, vào dịp 27/7 hằng năm, ở các nghĩa trang, nhà tưởng niệm trên địa bàn tỉnh lại ánh lên những ngọn nến từ tấm lòng trẻ, ấm lên những nghĩ cử cao đẹp của thế hệ hôm nay với thế hệ cha anh.

Thế hệ trẻ tham gia tu sửa, chỉnh trang, chăm sóc các nghĩa trang liệt sĩ, nhà bia; những ngôi nhà tĩnh nghĩa được cất lên, những món quà thiết thực, những công trình, phần việc ý nghĩa được trao tặng và thực hiện…

Tháng 7 về, ngọn nến tri ân càng thêm rực cháy. Và, cũng chính từ những hoạt động trong tháng 7 tri ân này, mỗi người, đặc biệt là thế hệ trẻ nhận thức rõ giá trị hòa bình mà các thế hệ cha anh phải đánh đổi bằng xương máu. Điều này, đã, đang và sẽ đem lại cho chúng ta ý thức về trách nhiệm, noi gương truyền thống cha anh, sống xứng đáng với sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ. 

Nguyên Phúc 

Chuyên mục khác