Tập trung song trùng phòng, chống dịch Covid-19 và thiên tai

24/09/2021 13:05

Mùa mưa bão năm nay đến trùng với thời điểm dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, khó lường. Trước tình hình này, “nhiệm vụ kép” đặt ra với các cấp, các ngành và người dân trên địa bàn tỉnh ta là vừa phải kiểm soát tốt địa bàn, bảo vệ thành quả chống dịch; vừa phải chủ động ứng phó hiệu quả với thiên tai nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân.

Thời gian qua, công tác phòng, chống dịch Covid-19 luôn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo; cả hệ thống chính trị đã vào cuộc rất khẩn trương, quyết liệt. Các nguồn lực đều được ưu tiên dành cho công tác chống dịch với tinh thần bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết. Nhờ đó, công tác phòng, chống dịch của tỉnh ta đã đạt được kết quả tích cực, ấn tượng khi Kon Tum chưa để xảy ra ca bệnh trong cộng đồng, giữ vững “vùng xanh”. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, tình hình dịch bệnh vẫn đang tiềm ẩn những yếu tố khó lường, nguy cơ xuất hiện, lây lan dịch trong cộng đồng rất cao nên công tác phòng, chống dịch đứng trước nhiều thử thách.

Trong khi đó, thời điểm này, tỉnh ta lại đang bước vào thời gian cao điểm của mưa bão, lũ lụt. Theo nhận định của Cơ quan dự báo Khí tượng -Thủy văn, tình hình thiên tai năm 2021 còn diễn biến phức tạp buộc các cấp, các ngành và các địa phương phải tập trung cao độ, ứng phó nhanh cả trước, trong và sau khi thiên tai xảy ra.

Thiên tai luôn diễn biến khó lường, việc phòng chống thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh càng khó khăn. Ảnh: T.H

 

Như vậy là cùng một lúc chúng ta phải thực hiện song song 2 nhiệm vụ là vừa phải tăng cường phòng, chống dịch Covid-19, vừa phải chủ động ứng phó hiệu quả với các tình huống thiên tai. Nguồn lực để đáp ứng cho cả 2 nhiệm vụ này trong một thời điểm cũng là vô cùng khó khăn và căng thẳng. Hai nhiệm vụ đó đều rất quan trọng, vì vậy, không được lơ là, xem nhẹ nhiệm vụ nào. Bởi thực tế dịch bệnh hay thiên tai khi xảy ra đều ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân.

Trước tình hình này, cùng với những chỉ đạo của Trung ương, ngày 27/8, tại văn bản số 3052/UBND-NNTN, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban ngành, các đơn vị liên quan, UBND các huyện, thành phố chủ động chủ động xây dựng phương án ứng phó từng tình huống thiên tai cụ thể trong bối cảnh phải phòng chống dịch bệnh Covid-19, đặc biệt là tình huống mưa lũ, bão lớn để triển khai thực hiện khi có tình huống, không để xảy ra bị động bất ngờ.

Tuy nhiên, thiên tai luôn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ngờ, cực đoan, nhất là ở tỉnh miền núi như Kon Tum thường xảy ra sạt lở đất, lũ ống lũ quét, gây thiệt hại rất nặng nề. Do đó, mọi sự chủ động, phòng ngừa từ xa đều không bao giờ là thừa.

Trong Công điện 1107/CĐ-TTg (ngày 31/8/2021) của Thủ tướng Chính phủ về việc sẵn sàng ứng phó với thiên tai cũng đã nhắc lại tình hình thiên tai nước ta, “lũ chồng lũ, bão chồng bão”, lũ quét, sạt lở đất tại khu vực miền Trung những tháng cuối năm 2020 đã gây thiệt hại rất nghiêm trọng, để lại hậu quả hết sức nặng nề, nhiều nơi đến nay vẫn đang phải tiếp tục khắc phục.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Phòng, chống thiên tai, năm 2020, thiên tai đã làm 291 người chết, 64 người mất tích. Trong đó, số người chết vì sạt lở đất nhiều nhất 132 người, lũ là 108 người. Thiệt hại về kinh tế ước tính hơn 35.000 tỷ đồng…Đằng sau những con số đó còn tài sản, cơ sở vật chất, những mất mát mà phải nhiều năm sau mới gây dựng lại được.

Ở tỉnh ta, trong cơn bão số 5 vừa qua, dù các ngành, địa phương đã nỗ lực hết sức để ứng phó, song mưa lũ vẫn gây thiệt hại về người và nhiều tài sản của Nhà nước, nhân dân. Theo đó, trên địa bàn tỉnh ta đã có 1 người chết, 9 nhà dân bị ảnh hưởng, 389,4ha cây trồng bị thiệt hại, rất nhiều tuyến đường huyết mạch của tỉnh bị sạt lở, ngập lụt, giao thông nhiều khu vực bị tê liệt, hàng chục công trình thủy lợi bị tàn phá.

Trong đó, có những công trình hạ tầng bị hư hại trong cơn bão số 9 năm 2020 hiện tại vẫn đang trong giai đoạn khắc phục tiếp tục bị ảnh hưởng. Cuộc sống của nhiều gia đình, người dân bị đảo lộn. Mưa bão đi qua, các cấp, các ngành chức năng, địa phương và người dân lại tất bật bắt tay vào nhiệm vụ khắc phục hậu quả. Và chắc chắn rằng, có nhiều phần việc, nhiều công trình không thể khắc phục trong một sớm một chiều được mà cần thời gian dài và tốn kém tiền của.

Những con số này phần nào cho thấy, chỉ việc ứng phó với thiên tai thôi đã rất vất vả, nhưng trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp hiện nay, việc phòng, chống thiên tai còn phải phù hợp với các yêu cầu của công tác phòng, chống dịch. Đặc biệt là việc thực hiện quy định 5K, nhất là đảm bảo giãn cách, không tụ tập đông người khi có thiên tai xảy ra. Rồi những vấn đề về hậu cần, giao thông; đảm bảo an toàn cho các cơ sở y tế, cách ly, điều trị khi xảy ra thiên tai và trước yêu cầu của công tác phòng, chống dịch…

Vì vậy, để làm tốt cả hai nhiệm vụ là thách thức không hề nhỏ, đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa, cùng với đó là sự chung sức, đồng lòng của tất cả người dân. Hơn khi nào hết, các ngành, địa phương cần sẵn sàng các phương án, các kịch bản cụ thể, tính toán kỹ càng, lường trước tất cả các tình huống có thể xảy ra để chủ động phòng tránh, ứng phó, không để xảy ra “thảm họa kép” thiên tai chồng dịch bệnh.

Thùy Hương

Chuyên mục khác