Tạo khí thế thi đua xây dựng nông thôn mới

26/02/2024 13:08

Mỗi năm, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, các địa phương trong tỉnh đồng loạt ra quân phát động thi đua xây dựng nông thôn mới gắn với chỉnh trang đô thị. Đây đã trở thành nét đẹp đầu Xuân trên địa bàn tỉnh, tạo ra khí thế thi đua sôi nổi trong lao động, sản xuất, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nói chung và xây dựng nông thôn mới nói riêng.

Năm nay, thôn Tê Pên (xã Văn Lem) được huyện Đăk Tô chọn làm điểm tổ chức lễ ra quân xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Dương Văn Trang cùng một số đồng chí lãnh đạo tỉnh đã đến chung vui, động viên bà con và tham gia đổ mẻ bê tông đầu tiên bê tông hóa tuyến đường nội thôn.

Mặc dù 8h30 ngày 20/2 buổi lễ mới diễn ra, nhưng từ sáng sớm, đông đảo bà con thôn trong thôn mang theo cuốc, xẻng, chổi, rựa đã tập trung tại sân nhà rông chờ đón lễ ra quân. Sau báo cáo ngắn gọn về kết quả xây dựng nông thôn mới và phát động thi đua của chính quyền địa phương, bà con bắt tay ngay vào việc làm đường giao thông, nạo vét kênh mương, phát dọn đường làng, ngõ xóm với khí thế vui tươi, phấn khởi. Dù điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương còn nhiều khó khăn, nhưng người dân nơi đây đều thể hiện sự đồng lòng, quyết tâm cao xây dựng quê hương ngày càng đổi mới.     

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang cùng lãnh đạo tỉnh tham gia đổ mẻ bê tông đầu tiên làm tuyến đường nội thôn Tê Pên. Ảnh: TH

 

Không chỉ Tê Pên, khí thế ra quân xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh đầu năm đã diễn ra sôi nổi khắp các địa phương trong tỉnh. Mỗi nơi, tùy tình hình thực tế mà chọn một nội dung, phần việc phù hợp để tổ chức ra quân như làm đường bê tông nông thôn, nạo vét kênh mương, làm sân thể thao; vệ sinh đường làng, ngõ xóm tạo cảnh quan môi trường sạch đẹp, triển khai các mô hình sản xuất mới, cải tạo đồng ruộng, lập lại trật tự, văn minh đô thị huy động cả hệ thống chính trị và người dân cùng tham gia.

Nhìn lại chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh thời gian qua, có thể thấy các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở đã tích cực chỉ đạo, triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp. Phong trào thi đua “Kon Tum chung sức xây dựng nông thôn mới” ngày càng lan tỏa sâu rộng, mạnh mẽ và nhận được sự đồng thuận, ủng hộ tích cực của các tầng lớp nhân dân. Điều đó, được thể hiện rõ qua từng việc làm cụ thể, thiết thực như người dân tự nguyện hiến đất, góp công, góp của làm các công trình hạ tầng cơ sở; thi đua lao động sản xuất, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng; cải tạo vườn tược, chỉnh trang nhà cửa, xây dựng môi trường nông thôn xanh, sạch, đẹp. Nhờ đó, diện mạo nông nghiệp, nông thôn của tỉnh ngày càng khởi sắc, đời sống của người dân ngày càng thay đổi tích cực.

Theo kết quả rà soát của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay, toàn tỉnh có 48 xã cơ bản đạt chuẩn 19/19 tiêu chí, trong đó, có 44 xã đã được công nhận xã nông thôn mới, chiếm 51,76% số xã. Có 4 xã đang hoàn thiện hồ sơ để đề nghị công nhận, 11 xã đạt chuẩn từ 15-18 tiêu chí; 21 xã đạt từ 10- 14 tiêu chí và 5 xã có số tiêu chí đạt chuẩn dưới 10 tiêu chí; số tiêu chí đạt chuẩn bình quân/xã là 16,28 tiêu chí theo Bộ tiêu chí quốc gia xã nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Toàn tỉnh cũng có 68 thôn (làng) cơ bản đạt chuẩn 10/10 tiêu chí, trong đó có 41 thôn được công nhận đạt chuẩn thôn nông thôn mới.

Người dân thôn Tê Pên, xã Văn Lem, huyện Đăk Tô ra quân xây dựng NTM. Ảnh: T.H

 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, việc triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh vẫn còn những tồn tại và nhiều điểm chưa thực sự hài lòng. Bên cạnh những yếu tố khách quan về cơ chế, chính sách, việc thay đổi các chỉ tiêu, tiêu chí trong Bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025 theo hướng nâng cao khiến cho quá trình xây dựng nông thôn mới gặp nhiều khó khăn, thì cũng phải nhìn nhận một số địa phương  vẫn chưa thực sự quyết tâm.

Thực tế cho thấy, chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh thời gian gần đây đang có dấu hiệu chững lại, kết quả xây dựng nông thôn mới chưa vững chắc. Đến nay, toàn tỉnh vẫn còn 5 xã có số tiêu chí đạt chuẩn dưới 10 tiêu chí, trong khi mục tiêu của tỉnh đến cuối năm 2023 không còn xã đạt chuẩn dưới 10 tiêu chí. Một số địa phương chưa chủ động, quyết liệt đề ra những giải pháp để thực hiện duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí dẫn đến một số xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nhưng không giữ vững và duy trì đạt chuẩn 19/19 tiêu chí; thậm chí, một bộ phận cán bộ và người dân vẫn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, không nỗ lực để xây dựng nông thôn mới.

Theo kế hoạch năm 2024, tỉnh ta phấn đấu đến cuối năm toàn tỉnh có 53 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 62,35% tổng số xã và huyện Ngọc Hồi đạt chuẩn huyện nông thôn mới theo bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh có từ 60 xã trở lên đạt chuẩn xã nông thôn mới, chiếm 70,5% tổng số xã, 4 huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới và thành phố Kon Tum hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Trong điều kiện các xã xây dựng nông thôn mới giai đoạn này đều là những xã khó khăn và đặc biệt khó khăn thì đây là nhiệm vụ vô cùng nặng nề, đòi hỏi nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị cũng như các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.

Việc tổ chức ra quân, tạo ra khí thế thi đua ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm có ý nghĩa rất lớn, tạo động lực để các cấp, ngành nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, thông qua đó, khích lệ, phát huy vai trò chủ thể của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới, đảm bảo hoàn thành mục tiêu đề ra.

Thiên Hương

Chuyên mục khác