Tạo động lực phát triển từ cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư

28/08/2024 06:02

Những năm qua, công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền thân thiện, công khai minh bạch, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, bình đẳng được các cấp, các ngành của tỉnh quyết liệt chỉ đạo thực hiện.

Tỉnh ủy đã ban hành nhiều nghị quyết, chương trình về cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Tiêu biểu như Nghị quyết số 09-NQ/TU (ngày 18/2/2022) của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Kon Tum đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, xác định các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể trong thực hiện chuyển đổi số nhằm góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy thu hút đầu tư, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt, Nghị quyết số 11-NQ/TU (ngày 16/5/2022) về “cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng cường thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với mục tiêu chung là tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, minh bạch, bình đẳng, năng lực cạnh tranh ngày càng cao nhằm thu hút tối đa, sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Cải cách hành chính là nhiệm vụ được các cấp, ngành chú trọng thực hiện. Ảnh: T.H

 

Với tinh thần “đổi mới, sáng tạo, đồng hành”, các cấp chính quyền đã nỗ lực triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện hiệu quả nhiệm vụ này. Nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị chủ động sáng tạo, đổi mới phương thức làm việc để nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, môi trường đầu tư, kinh doanh và đã đạt được những kết quả tích cực. Nhiều thủ tục hành chính đã được cắt giảm trình tự, rút ngắn thời gian giải quyết, tạo lập môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng. Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý nhà nước, xây dựng chính quyền số, chính quyền điện tử được tăng cường góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động bộ máy công quyền, tiết kiệm thời gian, chi phí quản lý cho người dân, doanh nghiệp. Hoạt động quảng bá, xúc tiến, thu hút đầu tư được đổi mới...

Điều này được thể hiện rõ nét qua từng con số nêu ra tại Hội nghị đánh giá kết quả cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tỉnh Kon Tum vừa diễn ra (ngày 16/8).Năm 2023, chỉ số Cải cách hành chính (PARINDEX) tăng 12 bậc so với năm 2022 và xếp hạng 43/63 tỉnh/thành; chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) tăng 7 bậc, xếp thứ 35/63 tỉnh/thành (năm 2022 xếp thứ 42/63); chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh (PCI) đạt 65,6 điểm, tăng 0,71 điểm so với năm 2022.

Công tác cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh được quan tâm giúp nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư. Ảnh: TH

 

Dù đã đạt được những kết quả nhất định, song thẳng thắn nhìn nhận, việc thực hiện nhiệm vụ này vẫn còn những hạn chế. Đó là, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh bị tụt hạng nên năm 2023 dù chỉ số PCI của tỉnh có tăng về điểm so với năm 2022, nhưng lại giảm tới 9 bậc trên bảng xếp hạng, đứng thứ 46/63. Ngoài ra, chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) năm 2023 cũng giảm 0,0143 điểm so với năm 2022 và tỉnh ta thuộc nhóm 16 địa phương có điểm số thấp nhất cả nước. Điều đó cho thấy việc thực hiện cải cách hành chính, nâng cao chất lượng công vụ chưa được như kỳ vọng.

Thực tế này đã được UBND tỉnh nhìn nhận và chỉ rõ nguyên nhân, trong đó, nguyên nhân chủ quan là tinh thần trách nhiệm và tính năng động, sáng tạo của một bộ phận cán bộ, nhất là người đứng đầu chưa cao. Công tác phối hợp của các sở, ngành, địa phương chưa thật sự đồng bộ, chặt chẽ, còn tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, làm chậm tiến độ xử lý công việc, ảnh hưởng đến công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng gặp phải một số khó khăn trong hoạt động, bao gồm tiếp cận tín dụng, tìm kiếm khách hàng, biến động thị trường, biến động chính sách, pháp luật, tác động tiêu cực của thiên tai, biến đổi khí hậu.

Tỉnh ta đặt ra mục tiêu phấn đấu 2024 chỉ số PCI cấp tỉnh đứng thứ hạng từ 30-35/63 tỉnh, thành phố; chỉ số PAPI thuộc nhóm trung bình cao của cả nước. Đến năm 2025, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh thuộc nhóm khá của cả nước; chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công, chỉ số Cải cách hành chính của tỉnh thuộc nhóm 30/63 tỉnh, thành phố. Mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính đạt 90%.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Tuấn, để giữ vững và phát huy kết quả đã đạt được, đồng thời khắc phục các hạn chế đòi hỏi các ngành, các cấp phải không ngừng quyết tâm nỗ lực, sáng tạo hơn nữa trong chỉ đạo, điều hành các giải pháp cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Trong đó, cần phải nêu cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhằm tạo bước đột phá trong thực hiện việc phục vụ người dân, doanh nghiệp. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao đạo đức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ. Đồng thời, tiếp tục thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính. Triển khai đồng bộ, có hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh...

Tin tưởng rằng với sự quyết tâm, đồng lòng của các cấp, các ngành sự đồng thuận của người dân, cộng đồng doanh nghiệp, công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh ta sẽ đạt được hiệu quả cao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2024 và cả giai đoạn 2020 - 2025 mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra.

Thiên Hương

Chuyên mục khác