Tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu:​ Lợi bất cập hại

27/02/2017 14:09

​Mới đây, Bộ Tài chính đã công bố dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế bảo vệ môi trường; theo đó sẽ tăng khung thuế bảo vệ môi trường với xăng từ 4.000-8.000 đồng/lít và nhiên liệu bay lên 3.000- 6.000 đồng/lít… Lý do mà Bộ Tài chính đưa ra để đề xuất tăng mức thuế với mặt hàng đặc biệt này là “để cơ cấu lại ngân sách trong bối cảnh hội nhập, các dòng thuế bị cắt giảm”.

Sau khi đề xuất này được đưa ra, đã gặp phải làn sóng phản ứng của dư luận xã hội, giới truyền thông và các hiệp hội ngành nghề, các bộ ngành.

Theo Bộ Tài chính, trước đây ngân sách Nhà nước được bổ sung là từ việc thu thuế xuất, nhập khẩu của rất nhiều mặt hàng cũng như các loại thuế tiêu thụ đặc biệt. Nhưng khoảng thời gian từ 10 năm trở lại đây, nền kinh tế của đất nước ta đang trên đường hội nhập sâu rộng thị trường khu vực và thế giới, hàng rào thuế quan của nhiều ngành hàng đã bị cắt giảm; theo cam kết thì đến năm 2018 hàng hóa của các nước ASEAN nhập vào Việt Nam sẽ bằng 0% và ngược lại… Vì những lý do trên thu thuế giảm mạnh, tác động đến nguồn thu ngân sách bị giảm.

Góc nhìn trên, theo các nhà nghiên cứu là thiên lệch, thậm chí "lợi bất cập hại". Bởi, một khi mở cửa thị trường thì sức cạnh tranh của nền kinh tế là một trong những yêu cầu mang tính sống còn. Sản xuất hàng hóa phải có sức cạnh tranh cao là yêu cầu đối với các doanh nghiệp - một trong những trụ cột chính yếu của nền kinh tế một đất nước. Muốn vậy, bên cạnh sự cải tiến mẫu mã, tăng năng suất lao động và nâng cao chất lượng sản phẩm thì hạ giá thành sản phẩm là yếu tố rất quan trọng. Trong khi đó, giảm chi phí đầu vào là một yêu cầu tất yếu để góp phần giảm giá thành sản phẩm, trong đó tìm kiếm giải pháp để giảm nguyên nhiên vật liệu là rất cần thiết.

Theo một số nhà nghiên cứu kinh tế, trong kết cấu giá thành sản phẩm thì tỷ trọng nguyên vật liệu, nhiên liệu, năng lượng chiếm bộ phận lớn nhất, thậm chí có doanh nghiệp chiếm từ 60-80%. Xăng lại là nhiên liệu chính trong quá trình sản xuất công nghiệp. Do đó, tăng giá xăng sẽ tác động rất lớn làm tăng chi phí sản xuất không chỉ của các doanh nghiệp mà còn tăng chi phí lưu thông vận chuyển hàng hóa, chi phí lao động và hàng loạt chi phí khác, làm cho giá thành sản phẩm hàng hóa tăng cao, tác động đến sức cạnh tranh của nền kinh tế đất nước trong quá trình sản xuất và xuất khẩu hàng hóa. 

Điều mong mỏi nhất của hàng triệu người dân cũng như hàng vạn doanh nghiệp Việt Nam là thuế suất giảm, ngang bằng với các nước khác để hàng hóa dễ dàng lưu thông, giảm chi phí sản xuất, kích cầu và tăng khả năng cạnh tranh, tiến tới xóa bỏ độc quyền trong kinh doanh… từ đó nâng cao mức sống cho người dân. Thế nhưng, “cái lợi cho dân này” lại được cho là “nguyên nhân” làm giảm nguồn thu thuế, để tìm mặt hàng khác đánh thuế nặng hơn, thì quả là không công bằng; mà có lẽ cái hại, cái bất lợi sẽ còn lớn hơn rất nhiều.

Chắc chắc một điều để tồn tại, một khi chi phí cho xăng dầu cao, các doanh nghiệp sẽ tăng giá thành vận tải, hàng hóa bán ra… để bù lại khoản mất hụt do bù vào thuế xăng, dầu. Và vô hình trung, sẽ tái diễn một “cuộc chạy đua” của cơn bão giá là điều không thể tránh khỏi. Chưa kể đến có những tư thương lợi dụng thời cơ “đục nước, béo cò” ép giá, tăng giá, làm rối loạn thị trường, tạo điều kiện cho lạm phát bùng phát… Bài học cách đây không lâu từ việc giá bán xăng dầu tăng đột ngột vẫn còn nguyên giá trị.

Xăng dầu tăng giá, người chịu thiệt thòi nhất vẫn là người tiêu dùng, trong đó có đội ngũ những người lao động nghèo và công chức, viên chức. Bởi, ngoài khoản tiền mà họ phải chịu thuế vào mỗi lít xăng để hằng ngày đi lại, mưu sinh, họ còn phải “gánh” thêm một khoản chi phí không hề nhỏ trong sinh hoạt, vì các mặt hàng thiết yếu cũng tăng theo giá xăng dầu. Trong khi đó, họ chưa được hưởng những quyền lợi thiết thực nhất từ những dự án bảo vệ môi trường mà họ phải gánh chịu tiền thuế.

Thực tế cho thấy, trong năm 2016, mức thu thuế môi trường cả nước đạt 42.393 tỷ đồng, nhưng trong khi đó chi cho việc bảo vệ môi trường chỉ có đạt 12.290 tỷ đồng, vẫn khiến nhiều người dân băn khoăn và đặt câu hỏi: liệu tiền thu thuế bảo vệ môi trường có được sử dụng đúng mục đích?

Mặt khác, việc tăng thuế xăng dầu nhằm bù vào khoản hụt từ các hiệp định thương mại sẽ tác động tiêu cực đến toàn bộ nền kinh tế Việt Nam. Và cũng vô hình trung, chính sách này sẽ khiến các doanh nghiệp Việt Nam mất lợi thế cạnh tranh trước các doanh nghiệp nước ngoài.

Thuế là một trong những nguồn thu quan trọng cho ngân sách Nhà nước. Song, không chỉ vì một lý do để tạo nguồn thu cho ngân sách mà tạo một áp lực về thuế cho một ngành nào đó là chưa thỏa đáng và hợp lý. Bởi trước khi quyết định đề xuất bất cứ một vấn đề gì, cũng cần phải dự tính đến cái lợi và cái hại của nó. Cái nào lợi cho kinh tế đất nước, lợi cho đời sống của dân thì mới được dư luận đón nhận, đồng tình và ủng hộ…

Dương Đức Nhuận

Chuyên mục khác