Tăng thứ hạng, tăng mức độ hài lòng

08/04/2019 13:04

Những ngày cuối tháng 3, đầu tháng 4, tin vui nối tiếp tin vui khi cả hai chỉ số đo sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp mang tầm quốc gia: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) liên tục đưa ra công bố bảng xếp hạng năm 2018, Kon Tum đều tăng thứ hạng và tăng điểm số so với năm 2017.

Nếu như Chỉ số PCI dựa trên kết quả khảo sát ý kiến của doanh nghiệp (khu vực tư nhân), Kon Tum xếp thứ 59/63 tỉnh, thành với tổng số 60,66 điểm, nằm ở nhóm trung bình, so với năm 2017 tăng 2 bậc (năm 2017 xếp thứ 61/63 tỉnh, thành với tổng số 58,53 điểm) thì Chỉ số PAPI phản ánh cảm nhận của người dân - với tư cách là người sử dụng các dịch vụ hành chính công, Kon Tum với tổng điểm 43,22, xếp thứ 43, thuộc nhóm đạt điểm trung bình thấp (gồm 15 tỉnh), tăng 7 bậc so với năm 2017 (năm 2017, xếp thứ 50). 

Điểm số tăng, thứ hạng tăng cũng đồng nghĩa mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp tăng. Kết quả đã phần nào đo được tâm tư, tình cảm, thái độ, sự tín nhiệm của người dân, doanh nghiệp, giúp lãnh đạo các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh ghi nhận một cách chung nhất về chất lượng phục vụ của mình.

Phải khẳng định rằng, với nhiều biện pháp đã triển khai trong năm qua, tỉnh đã vượt qua chính mình một cách mạnh mẽ. Thủ tục hành chính ở nhiều đơn vị được cải tiến, rút ngắn, đơn giản cả về quy trình, thủ tục hồ sơ và thời gian thực hiện; sự phối hợp giữa các đơn vị và phương pháp làm việc được cải tiến theo hướng phục vụ và cầu thị. Nhiều cuộc đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với doanh nghiệp, với người dân để cùng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Nhiều cuộc họp phân tích, mổ xẻ, bàn giải pháp để có sự điều chỉnh tích cực các chỉ số thành phần PCI, PAPI (liên quan xuyên suốt là cải cách hành chính) mà người dân, doanh nghiệp chưa đánh giá cao…

Nhưng, không phải vì phấn khởi với những cải thiện tích cực mà các địa phương, đơn vị chủ quan. Trên thực tế, không phải khi nào mọi thắc mắc, mọi mong muốn của doanh nghiệp, người dân cũng được các cơ quan chức năng ghi nhận kịp thời. Có những lĩnh vực mà thủ tục còn nhiêu khê, rườm rà, dù “một cửa” nhưng vẫn “nhiều khóa”, nếu không kiểm soát được sẽ không tránh khỏi tình trạng đi ngược lại chủ trương, “trên thông, dưới tắc”. Có những vấn đề mặc dù đã quy định cụ thể, thủ tục hành chính cũng hết sức thông thoáng nhưng do năng lực, nhận thức, thói quen của một bộ phận cán bộ công chức hành chính nên sự việc tuy dễ lại hoá thành khó. Có những cán bộ công chức có năng lực nhưng lại thiếu kỹ năng cả trong giao tiếp, ứng xử cũng như giải quyết công việc nên thay vì phục vụ, lại có thái độ ban phát hoặc cố tình gây khó dễ…

Từ những chỉ số được công bố, có thể thấy, doanh nghiệp, người dân trông đợi các cấp chính quyền công khai, minh bạch; năng động, sáng tạo trong giải quyết các vấn đề; tiếp tục chống tham nhũng trong khu vực công… Bởi vậy, tham khảo và rà soát lại những kết quả đạt được, những tồn tại, vướng mắc để tìm hướng khắc phục, nhằm nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước là điều mà người dân, doanh nghiệp mong đợi trong thời điểm hiện nay.

Điều đáng mừng là mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp đều tin rằng, tỉnh sẽ tiếp tục duy trì được nỗ lực cải cách bền vững trong năm 2019 và những năm tiếp theo. Niềm tin này là có cơ sở khi ngay từ những ngày đầu năm 2019, Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị 20-CT/TU về “Triển khai thực hiện các lĩnh vực đột phá trong năm 2019”. Chỉ thị đề ra 3 lĩnh vực đột phá, trong đó lĩnh vực đột phá thứ ba chính là tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp cải cách hành chính, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.

Với quyết tâm và các giải pháp quyết liệt đã được tỉnh đề ra, chắc chắn thứ hạng, điểm số Chỉ số PCI, Chỉ số PAPI của tỉnh trong thời gian tới sẽ được tiếp tục cải thiện.  

Liễu Hạnh

Chuyên mục khác