Tặng sách cho trẻ, tại sao không?

23/04/2017 21:57

Làm thế nào để khuyến khích trẻ đến với sách? Làm thế nào để hình thành thói quen đọc sách từ nhỏ? Làm thế nào để thổi tình yêu, niềm say mê sách cho trẻ?...

Không ít bậc phụ huynh, thầy cô giáo và những người đang quan tâm đến sự phát triển văn hóa đọc đã băn khoăn như thế. Ngoài hàng loạt các biện pháp được đưa ra: Bố mẹ đọc sách cho trẻ từ nhỏ, các trường tổ chức các hội thi kể chuyện theo sách, giới thiệu tác giả tác phẩm… thì  không ít người cho rằng tặng sách cho trẻ cũng là một cách để bồi đắp lòng yêu mến sách và tạo điểm khởi đầu mới cho trào lưu xây dựng văn hóa đọc.

Vì, để các em thấy thích sách, để rồi đam mê đọc sách, đó là một điều không dễ dàng. Nếu được chọn, trẻ sẽ chọn cái gì thoải mái như: xem phim hoạt hình, chơi game… Người lớn phải khuyến khích, hướng dẫn, tặng sách để trẻ tập làm quen với sách và lâu dần sẽ đọc sách, lấy sách làm bạn.

Vì, chẳng phải lâu nay, khi nghĩ đến một món quà tặng cho trẻ chúng ta vẫn thường chọn các loại đồ chơi, quần áo, bánh kẹo… mà quên đi những cuốn sách cho trẻ thật là hay, có tính giáo dục và hấp dẫn. Chẳng lấy đâu xa, ngay từ ngày tết. Người lớn thường tặng con trẻ tiền trong phong bao lì xì, bộ quần áo mới, món ăn ngon, đồ chơi… (mang ý nghĩa vật chất, thực tế); còn sách (ý nghĩa tinh thần) vẫn chưa được lưu tâm…

Nên chăng, người lớn khéo léo biến sách thành quà tặng và phần thưởng đối với trẻ nhỏ. Vào các dịp lễ tết, sinh nhật hoặc là khi các em đạt thành tích cao trong học tập, lâu ngày gặp lại… thì sách sẽ là một trong những món quà mà cha mẹ, người thân lựa chọn. Ở các trường học, vào các dịp tổng kết năm học, phát thưởng cho học sinh, ngoài tiền mặt, vở, bút và các vật dụng phục vụ học tập khác thì tặng cuốn sách chính là hành động nhỏ mang đến ý nghĩa lớn: vun đắp tri thức cho thế hệ trẻ.

Ngay từ khi bé, tùy vào lứa tuổi, người lớn có thể tặng cho con trẻ những cuốn sách có hình thù ngộ nghĩnh, màu sắc bắt mắt - làm sao để sách bước vào cuộc đời của trẻ một cách tự nhiên như đồ chơi quen thuộc hàng ngày. Lớn lên một chút, sách tặng cho trẻ dần được chút trọng hơn về nội dung… Việc làm ý nghĩa, thiết thực này sẽ khiến cả người tặng và người nhận đều cảm thấy ấm áp bởi tình cảm chứa đựng phía sau trang sách quý.

Tất nhiên, có những cuốn sách giá thành lên đến vài trăm nghìn đồng nên không phải ai cũng có điều kiện để mua sách, được tặng sách và có sách để đọc. Và chúng ta – đặc biệt là những gia đình khó khăn vẫn luôn cần những món quà mang ý nghĩa vật chất. Nhưng rồi, tiền cũng như những món quà mang tính vật chất khác chỉ mang ý nghĩa tức thời và không tạo ra được hy vọng. Sách thì khác, ít ra tạo ra hy vọng về cuộc sống tốt đẹp hơn.

Vì vậy, tặng sách không dừng lại ở cha mẹ, người thân, nhà trường mà trong những năm gần đây, nhiều tổ chức, cá nhân thiện nguyện quyên góp, mang sách đến với trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh.

Chẳng hạn như ở Trường Tiểu học Thực hành sư phạm Ngụy Như Kon Tum, với phương châm “Tặng một cuốn sách để được đọc nhiều cuốn sách” đã trở thành hoạt động thường niên trong ngày hội sách của thầy, trò nhà trường. Và cách làm này nhận được sự ủng hộ của các thầy cô giáo, phụ huynh, học sinh – những người trăn trở cho nền tảng văn hóa đọc của thế hệ tương lai.

Theo báo cáo của Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch), tỷ lệ người Việt Nam hoàn toàn không đọc sách là 26%, đọc thi thoảng 44%, đọc thường xuyên 30%, bạn đọc thư viện 8-10% dân số. Điều này cho thấy, thói quen đọc của người Việt Nam chưa được hình thành một cách vững chắc; chưa có thói quen và kỹ năng đọc sách phù hợp mà chủ yếu đọc theo ngẫu hứng. Và một khi người lớn không có thói quen đọc sách thì cũng sẽ không quan tâm hướng dẫn trẻ đọc sách cũng như mua sách tặng trẻ. Trong khi đó, tạo, duy trì thói quen và rèn luyện kỹ năng đọc sách cho trẻ  không phải là ngày một ngày hai.

Tặng sách là tặng con chữ; được tặng sách là được nhận chữ - những con chữ dạy dỗ bài học làm người, hoàn thiện nhân cách, mở ra chân trời tri thức. Đầu năm mới, tuổi mới tặng nhau con chữ; phần thưởng học giỏi, ngoan ngoãn hay món quà lâu ngày gặp lại, tặng  nhau cuốn sách… chẳng phải là việc làm nhân văn, đáng trân trọng, gắn kết yêu thương. Những thay đổi lớn vẫn luôn đến từ việc chúng ta bắt đầu khởi động các thay đổi nhỏ, vậy hà cờ gì chúng ta không làm?

Nguyên Phúc

Chuyên mục khác