Sự thật không thể phủ nhận

16/09/2024 06:04

Hình ảnh những cán bộ, chiến sĩ Công an, Quân đội cùng các lực lượng dầm mình trong mưa gió để cứu nạn, cứu hộ, trắng đêm đảm bảo an toàn cho tính mạng và tài sản của nhân dân là minh chứng sinh động phủ nhận mọi luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động.

Bão số 3 (bão Yagi) đổ bộ vào nước ta gây nên những thiệt hại to lớn về người và của, đồng thời hoàn lưu bão gây sạt lở đất và lũ lụt diện rộng ở nhiều tỉnh phía Bắc.

Trong khi Đảng, Nhà nước có sự chỉ đạo quyết liệt, các bộ, ngành, địa phương và nhân dân đang nỗ lực ứng phó nhằm giảm tối đa thiệt hại về người và của, thì các thế lực thù địch, phản động lại tung ra những thông tin, luận điệu sai trái, xuyên tạc với mục đích bôi nhọ, vu cáo những quyết tâm và nỗ lực ấy.

Có thể kể đến một số trang tin như Việt Tân, VOA Tiếng Việt, RFA đã ra sức đăng tải những thông tin, luận điệu xuyên tạc như: “Đừng trông chờ gì Đảng, Nhà nước Việt Nam hỗ trợ người dân sau bão Yagi”; “Các nhóm lợi ích và sau lưng những kẻ bảo kê cho nhóm lợi ích chỉ nghĩ đến tiền thôi, họ không màng đến sự sống của người dân”; “Phải chi Nhà nước dùng ngân sách bảo vệ dân bằng một phần nhỏ ngân sách để bảo vệ Đảng, có lẽ nhiều người dân đã được cứu”.

Trang Việt Tân còn đưa các hình ảnh người dân bị thiệt hại sau bão lũ rồi kích động: “Trong các báo cáo diễn tập, những thiên tài của Đảng luôn tuyên bố “hoàn thành xuất sắc công tác phòng, chống lụt bão”, vậy mà…”; “Mưa bão tới đâu, lãnh đạo cho diễn tới đó”; “Nhân dân lâm nguy, chính quyền vẫn ưu tiên bệnh thành tích”; “Rất nhiều người kêu cứu trong tuyệt vọng, không rõ chính quyền, công an, cứu hộ đi đâu”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tại hiện trường vụ sạt lở tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên. Ảnh: VGP

 

Từ đó, những đối tượng này vu cáo Đảng, Nhà nước ta không quan tâm đến công tác phòng, chống bão lũ, bỏ mặc nhân dân tự chống chọi với thiên tai. Chúng kích động muốn chống bão lụt thì dân hãy tự lo lấy; chừng nào còn “độc đảng” thì chừng đó chính quyền còn bỏ mặc nhân dân.

Nhưng sự thật vẫn là sự thật, không luận điệu, không lời vu cáo nào có thể bôi nhọ, có thể phủ nhận.

Trong thực tế, Đảng, Nhà nước đã rất chủ động đối phó với cơn bão ngay từ sớm. Thủ tướng Chính phủ đã liên tiếp ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3/9, Công điện số 787 ngày 5/9, Công điện số 88/CĐ-TTg ngày 6/9 yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung ứng phó bão số 3 và mưa lũ sau bão.

Ngay chiều 9/9, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chủ trì họp Bộ Chính trị, Ban Bí thư về chỉ đạo khắc phục hậu quả cơn bão số 3 gây ra.

Bộ Chính trị yêu cầu hạn chế các hoạt động khác, tập trung cho việc cứu trợ, cứu nạn; quán triệt tinh thần “cuộc sống của nhân dân là trên hết, trước hết”. Cung cấp đầy đủ lương thực, nhu yếu phẩm, không để bất kỳ người dân nào bị thiếu đói; hỗ trợ kịp thời gia đình khó khăn, có người già, trẻ nhỏ, người ốm đau.

Cũng trong ngày 9/9, chúng ta được đọc Thư của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thăm hỏi đồng bào, chiến sĩ bị ảnh hưởng của cơn bão số 3. Trong Thư, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh: Trước mắt ưu tiên cứu người, đảm bảo để không người dân nào bị đói ăn, thiếu mặc, không có chỗ ở; di dời người dân khỏi khu vực nguy hiểm; đảm bảo người bệnh có thuốc và được điều trị, trẻ em sớm được tới trường. 

Ngày 12/9, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trực tiếp cùng Đoàn công tác kiểm tra công tác phòng, chống lụt bão và thăm hỏi, động viên nhân dân vùng ảnh hưởng tại tỉnh Tuyên Quang và tỉnh Phú Thọ.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định Đảng, Nhà nước sẽ nỗ lực hết sức để sớm đưa cuộc sống của người dân trở lại bình thường.

Trước đó, sáng 10/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đi thị sát tình hình, kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó mưa lũ, thiên tai, cứu hộ, cứu nạn tại tỉnh Bắc Giang; họp trực tuyến với lãnh đạo các tỉnh, thành phố Yên Bái, Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội về ứng phó với lũ lụt ngay tại vùng lũ.

Thủ tướng đã lội nước đến tận xã Vân Hà, thị xã Việt Yên đang bị chia cắt do lũ lụt để thăm hỏi người dân. Tại đây, Thủ tướng chỉ đạo huy động các lực lượng, nhất là lực lượng vũ trang cùng nhân dân ứng phó với lũ lụt với tinh thần “không để ai bị đói, rét, không có chỗ ở, học sinh phải sớm được đến trường”.

Nhìn hình ảnh Thủ tướng Chính phủ trong bộ quần áo ướt đẫm, đứng dưới mưa động viên bà con, ai mà không xúc động, không ấm lòng trước sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước?

Ngày 12/9, sau khi thị sát, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả bão lũ ở tỉnh Yên Bái, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tới tận thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai, nơi sạt lở vùi lấp 37 hộ để thị sát, trực tiếp chỉ đạo công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn các nạn nhân và thăm hỏi, động viên nhân dân, gia đình nạn nhân.

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bộ, ngành cũng có những chuyến đi con thoi không ngừng nghỉ đến các vùng lũ, vùng bị thiệt hại nặng nề nhất; ngồi ca nô, lội bùn đến những vùng bị chia cắt, cô lập để chỉ đạo khắc phục hậu quả và chăm lo cho người dân.

Các lực lượng Công an, Quân đội tham gia cứu nạn, cứu hộ sau vụ sạt lở đất tại bản Làng Nủ, Lào Cai. Ảnh: CAND

 

Để phòng, chống bão số 3, Bộ Công an đã huy động hơn 100.000 lượt cán bộ, chiến sĩ giúp đỡ nhân dân chằng chống nhà cửa, tuyên truyền, vận động nhân dân đến nơi tránh trú bão an toàn, sơ tán gần 53.000 người trên lồng bè, chòi canh nuôi thuỷ sản, trong các nhà yếu đến nơi an toàn. Phối hợp Bộ đội Biên phòng kiểm đếm, hướng dẫn hơn 51.000 tàu cá, gần 220.000 người về nơi tránh trú an toàn; bố trí các trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác phòng chống bão.

Quân đội đã huy động hơn 450 nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ và hơn 10.000 phương tiện ứng phó siêu bão số 3. Trước khi bão đổ bộ, các đơn vị Quân đội đã nhanh chóng có mặt tại những nơi nguy hiểm, xung yếu hỗ trợ chính quyền địa phương và nhân dân ứng phó, khắc phục hậu quả bão lũ.

Trong những ngày xảy ra mưa lũ trên diện rộng, bộ đội, công an tập trung hỗ trợ sơ tán người dân di dời khỏi vùng nguy hiểm, tham gia gia cố đê kè ngăn lũ, trực tiếp tuần tra, đưa người bị mắc kẹt trong lũ đến nơi an toàn, đưa người bị nạn đi cấp cứu.

Đã có mất mát, hi sinh trong thực hiện nhiệm vụ, như Thượng úy Nguyễn Đình Khiêm (Đại đội trưởng Đại đội 3, Tiểu đoàn Công binh 1, Lữ đoàn Công binh 513, Quân khu 3); Trung tá Trần Quốc Hoàng (sinh năm 1987), cán bộ Trại giam Quảng Ninh.

Đến nay, các đoàn công tác của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành vẫn đang tiếp tục đến chia sẻ với những khó khăn, động viên nhân dân; đồng thời chỉ đạo khắc phục hậu quả thiên tai; triển khai đồng bộ, quyết liệt mọi giải pháp từ phòng ngừa đến cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ; triển khai nhanh nhất các biện pháp để đưa nhu yếu phẩm đến cho người dân.

Tất cả những hình ảnh ấy là minh chứng sinh động phủ nhận mọi luận điệu xuyên tạc, bôi nhọ của các thế lực thù địch, phản động.

Nên nhớ rằng, dân ta tinh tường lắm!

Lê Hải

Chuyên mục khác