Quyết liệt bình ổn thị trường thịt lợn

23/12/2019 06:05

Nguồn cung khan hiếm, giá thịt lợn tăng “phi mã” thời gian gần đây là vấn đề “nóng” khiến Chính phủ, các bộ ngành, các địa phương và người dân cả nước, trong đó có tỉnh ta quan tâm, lo lắng. Một loạt các giải pháp được đề ra trong thời điểm cận kề Tết với mục tiêu ổn định thị trường thịt lợn.

Theo đánh giá của Bộ Công thương, từ tháng 6/2019, giá mặt hàng thịt lợn có xu hướng tăng dần, nhưng tăng mạnh nhất từ cuối tháng 10 đến nay và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Thị trường thịt lợn tỉnh ta cũng không ngoại lệ, giá bán mặt hàng này hiện tăng khoảng 60 - 80% so với thời điểm đầu năm khiến các cấp, các ngành của tỉnh lo lắng, người dân hoang mang.

Bình ổn thị trường thịt lợn trong thời điểm Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 là vấn đề cấp bách được Chính phủ, các cấp, các ngành tích cực triển khai thực hiện nhằm đảm bảo nguồn cung và ổn định giá cả.

Những nguyên nhân dẫn đến giá lợn tăng đột biến đã được các ngành chức năng chỉ ra, nhưng nguyên nhân chủ yếu là do ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi bùng phát trên diện rộng, số lượng lợn mắc bệnh và tiêu hủy lớn, cùng với việc không thể tái đàn ở các vùng dịch thời gian qua đã dẫn đến nguồn cung thịt lợn giảm sâu. Ngoài ra, trong bối cảnh dịch bệnh, các chi phí từ con giống đến biện pháp phòng dịch cho chuồng trại, kiểm dịch thú y... đều tăng lên cũng làm gia tăng chi phí sản xuất, kinh doanh thịt lợn.

Một trong những lý do dẫn đến tình trạng khan hiếm, tăng giá không thể không nhắc đến, đó là một bộ phận thương lái, doanh nghiệp, cơ sở chăn nuôi cố tình găm hàng đẩy giá lên; công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và việc xuất khẩu lợn chưa thực sự hiệu quả.

Giá thịt lợn tăng cao nhưng người dân không có nhiều lợn để bán. Ảnh: TH

 

Trước những khó khăn của thị trường, ngày 18/11, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ có cuộc họp với lãnh đạo một số bộ, ngành về giá thịt lợn và bình ổn thị trường những tháng còn lại của năm 2019. Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với Bộ Công thương đánh giá đầy đủ, thực chất mức độ thiếu hụt nguồn cung mặt hàng thịt lợn và có kế hoạch tái đàn, đề xuất số lượng nhập khẩu thịt lợn cụ thể từ các đối tác thương mại có quan hệ hai chiều với nước ta để bù đắp phần thiếu hụt nguồn cung cho thị trường trong nước phục vụ nhu cầu tiêu dùng, bình ổn thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, minh bạch thông tin, bảo đảm hài hòa lợi ích của người chăn nuôi, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Mới nhất vào ngày 18/12,  Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về tình hình giá thịt lợn và công tác bình ổn giá những tháng cuối năm 2019.

 Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã phê bình và yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong việc chậm báo cáo và thực hiện các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ về việc thiếu hụt thịt lợn, giá tăng cao ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, tình hình kinh tế vĩ mô.

Điều đó cho thấy tầm quan trọng của việc bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường thực phẩm nói chung và mặt hàng thịt lợn nói riêng trong những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán.

Bộ Công thương triển khai đồng loạt các giải pháp nhằm bình ổn thị trường thực phẩm nói chung, đặc biệt là mặt hàng thịt lợn; trong đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là phối hợp với các địa phương tổ chức nhiều hội nghị kết nối cung cầu, đưa thực phẩm an toàn vào hệ thống phân phối.

Tại tỉnh ta, nguồn cung lợn không giảm nhiều, các ngành chức năng, các địa phương tiến hành vận động người dân chuyển hướng chăn nuôi bù đắp sự thiếu hụt của nguồn thịt lợn, khuyến khích người dân sử dụng các nguồn thực phẩm khác thay thế, nhưng diễn biến phức tạp của thị trường trong nước đã tác động mạnh đến thị trường tỉnh ta. Trước việc giá thịt lợn liên tục tăng, người tiêu dùng cảm thấy lo lắng về nguy cơ thiếu hụt thịt lợn Tết Canh Tý 2020 và ảnh hưởng tới công tác ổn định thị trường hàng hóa, UBND tỉnh kịp thời chỉ đạo ngành chức năng có những động thái tích cực nhằm bảo đảm nguồn cung và giá thực phẩm trên địa bàn, trong đó có sản phẩm thịt lợn.

Theo đó, tại văn bản số 3923/UBND-HTKT, ngày 11/12 của UBND tỉnh, cùng với việc triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Ban Chỉ đạo 389 tỉnh tổ chức ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm theo thẩm quyền các trường hợp nhập lậu, xuất lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt là lợn, sản phẩm từ lợn ra vào tỉnh; Sở Công thương phối hợp các địa phương tăng cường công tác bình ổn giá và mặt hàng thịt lợn so với các nhóm thực phẩm khác, đặc biệt trong dịp Tết Dương lịch, Nguyên đán 2020.

Trong Kế hoạch thực hiện chương trình Bình ổn thị trường hàng hóa dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, một trong những nội dung được UBND tỉnh ưu tiên chỉ đạo là bình ổn mặt hàng thịt lợn.

Theo đó, Sở Công thương đã làm việc với một số doanh nghiệp xây dựng phương án tăng nguồn cung thịt lợn. Có 2 đơn vị là Hợp tác xã Tiến Đạt, Siêu thị Vinmart đã đăng ký tham gia bình ổn mặt hàng thịt lợn tươi sống và Siêu thị Co.op Mart Kon Tum tham gia chương trình bình ổn các mặt hàng thiết yếu, trong đó có mặt hàng thịt lợn.

Việc triển khai mạnh mẽ, thực hiện quyết liệt các giải pháp bình ổn thị trường thịt lợn không chỉ góp phần giảm bớt gánh nặng về chi phí thực phẩm cho người dân, mà còn góp phần quan trọng vào việc kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng, ổn định mặt bằng giá để đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Thùy Hương

Chuyên mục khác