Quyết không để “sốt giá” trong dịp Tết

19/01/2020 06:04

Với sự vào cuộc quyết liệt của ngành chức năng cùng các địa phương trong công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá cả thị trường trong thời điểm trước, trong và sau Tết, người dân sẽ không phải đối mặt với tình trạng tăng giá cả đột biến, khan hiếm hàng, hàng giả, hàng kém chất lượng, để nhà nhà đón Tết ấm áp, an toàn.

Cứ mỗi khi Tết đến, nhu cầu mua sắm của mọi người dân lại tăng cao. Theo đó, thị trường hàng hóa cũng rất đa dạng và phong phú, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân.

Tuy nhiên, trong dịp này, lợi dụng tâm lý của người tiêu dùng sợ hết hàng, khan hiếm hàng… nên xuất hiện tình trạng tư thương tự nâng giá bán. Nhiều mặt hàng thiết yếu như thịt, cá, bánh, mứt, kẹo, rượu, bia… bị đẩy giá cao hơn rất nhiều so với ngày thường, tạo nên sự khan hiếm ảo trên thị trường hàng hóa.

Bên cạnh các mặt hàng tăng giá đồng loạt, nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng cũng có nguy cơ gia tăng. Không ít tư thương vì hám lợi, cố tình trộn lẫn hàng giả, hàng thật, khiến người tiêu dùng rơi vào tình trạng “mua hàng giả, trả tiền thật”.

Để ngăn chặn tình trạng tư thương tự ý nâng giá, hằng năm, cứ mỗi dịp Tết Nguyên đán, các ngành chức năng từ Trung ương đến địa phương tích cực triển khai các giải pháp quyết liệt. Mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã chỉ đạo thủ trưởng các đơn vị, tổ chức thuộc Bộ Tài chính tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá cả thị trường trong thời điểm trước, trong và sau Tết để chủ động kiểm soát, đảm bảo ổn định thị trường giá cả, không để xảy ra các biến động bất thường ảnh hưởng đến đời sống kinh tế - xã hội.

Siêu thị Co.op Mart Kon Tum cam kết cung ứng khoảng 5 tấn thịt lợn trong dịp Tết này. Ảnh: Thùy Hương

 

Theo tinh thần chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Cục Quản lý giá sẽ là cơ quan nòng cốt trong việc phối hợp với các đơn vị trực thuộc, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường. Đặc biệt đối với một số mặt hàng thiết yếu, phải có giải pháp quyết liệt để bình ổn, không để tư thương tự ý nâng giá bán quá cao, mà phải phù hợp với thời điểm nhu cầu tiêu dùng tăng cao dịp tết.

Theo đó, các đơn vị chức năng và các địa phương kịp thời có biện pháp quản lý, điều hành giá phù hợp nhằm ổn định mặt bằng giá cả thị trường và kiểm soát lạm phát. Các sở, ngành ở địa phương chủ động theo dõi sát diễn biến cung cầu và giá cả thị trường trước, trong và sau Tết, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu để kịp thời tham mưu UBND tỉnh, thành phố các biện pháp bình ổn giá theo quy định của pháp luật; đồng thời, đẩy mạnh công tác kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý giá, kiểm soát chặt chẽ phương án giá và mức giá đối với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, được mua sắm từ nguồn ngân sách nhà nước; hàng hóa, dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài chính cũng như của UBND tỉnh, trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý, Sở Công thương đã có nhiều biện pháp giám sát, theo dõi sát sao biến động giá cả thị trường trên địa bàn tỉnh, đề xuất nhiều biện pháp bình ổn giá cả thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu nói chung và thịt heo nói riêng, đảm bảo không để xảy ra tăng giá cả đột biến, khan hiếm hàng, ảnh hưởng đến kinh tế nói chung và đời sống người dân nói riêng.

Rút kinh nghiệm từ nhiều năm trước, ngành Công thương của tỉnh đã triển khai hàng loạt các động thái đánh giá lại nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng và các nguồn cung cấp hàng hóa trên địa bàn tỉnh để có các phương án dự phòng, kịp thời ứng phó với tình trạng khan hiếm hàng, gián đoạn hàng trong dịp tết - nguyên nhân chính dẫn tới giá cả tăng đột biến - để có những can thiệp, điều chỉnh phù hợp.

Một trong những biện pháp hữu hiệu mà Sở Công thương áp dụng là phối hợp với các doanh nghiệp, tiểu thương triển khai chương trình bình ổn thị trường với nguồn hàng được chuẩn bị dồi dào, đủ cung ứng cho nhu cầu của người dân mua sắm trong dịp tết. Trong đó, chú trọng đưa hàng hóa về nông thôn, vùng sâu, vùng xa không để xảy ra “sốt” giá, giảm thiểu tình trạng hàng nhái, hàng kém chất lượng.

Điều đáng mừng là trong dịp Tết năm nay, ngoài các doanh nghiệp đã gắn bó với chương trình như Công ty cổ phần Thương mại tổng hợp Kon Tum, Siêu thị Co.op Mart Kon Tum, Hợp tác xã Tiến Đạt…, đã có thêm hệ thống Vin Mart, dù mới đưa vào hoạt động, cũng đã tham gia chương trình với đủ các mặt hàng thiết yếu như bánh, kẹo, nước ngọt, mắm, muối, gạo, nếp, dầu ăn, gia vị, thực phẩm tươi sống… Tổng lượng hàng dự trữ của các doanh nghiệp đạt gần 45 tỷ đồng.

Tại các địa phương trong tỉnh như thành phố Kon Tum, các huyện Đăk Hà, Ngọc Hồi, Đăk Tô, Đăk Hà, Ia H’Drai, Kon Plông, Tu Mơ Rông, Đăk Glei, còn tổ chức nhiều điểm bán hàng cố định và lưu động nằm trong Chương trình bình ổn giá, kịp thời phục vụ nhu cầu mua sắm cho người dân trong dịp Tết.

Quyết tâm không để tư thương ép giá, tự nâng giá trong dịp tết, đảm bảo bình ổn thị trường, lực lượng Quản lý thị trường đã phối hợp các đơn vị chức năng trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm kịp thời phát hiện những hành vi gian lận thương mại, kinh doanh hàng nhái, kém chất lượng…, nhất là hành vi tự nâng giá bán, làm giá cả tăng đột biến, để có các biện pháp xử lý, ngăn chặn hữu hiệu.

Với sự vào cuộc quyết liệt của ngành chức năng cùng các địa phương trong công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá cả thị trường trong thời điểm trước, trong và sau Tết, người dân sẽ không phải đối mặt với tình trạng tăng giá cả đột biến, khan hiếm hàng, hàng giả, hàng kém chất lượng, để nhà nhà đón Tết ấm áp, an toàn.

Dương Đức Nhuận

Chuyên mục khác