Quân đội anh hùng của dân tộc anh hùng

22/12/2014 09:15

Là quân đội của nhân dân, chiến đấu vì nhân dân, gắn bó với nhân dân - bản chất đó của Quân đội nhân dân Việt Nam chính là nhân tố quan trọng góp phần làm nên sức mạnh tổng hợp về chính trị, về tinh thần, về ý chí quyết chiến, quyết thắng, tài thao lược trước mọi kẻ thù và trong mọi hoàn cảnh...

Trải qua 70 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, Quân đội nhân dân Việt Nam với những chiến công mãi mãi ghi vào lịch sử dân tộc đã trở thành biểu tượng sáng ngời về một quân đội từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, phục vụ. Đúng như nhận định của Bác Hồ trong Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (ngày 22/12/1944): “Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam”.

1. "Mình đánh giặc là vì dân. Nhưng mình không phải là "cứu tinh" của dân, mà mình có trách nhiệm phụng sự nhân dân", thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lớp lớp cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đã cùng toàn dân kiên cường đấu tranh, làm nên những chiến công vì độc lập của Tổ quốc, vì tự do hạnh phúc của nhân dân: Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã mở ra một thời đại thắng lợi của độc lập dân tộc, của phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới; Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”; giành thắng lợi vĩ đại mùa Xuân năm 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước; chiến đấu bảo vệ vững chắc từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc trong chiến tranh biên giới Tây Nam và phía bắc... Trong thời kỳ đổi mới hiện nay, Quân đội ta tích cực thực hiện chủ trương tăng cường bảo đảm quốc phòng - an ninh gắn với phát triển kinh tế - xã hội... đã để lại niềm tin yêu và lòng cảm phục sâu sắc trong nhân dân.

LLVT Kon Tum luyện tập sẵn sàng chiến đấu. Ảnh: T.K

Và từ thực tiễn 70 năm xây dựng, trưởng thành, chiến đấu và chiến thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam cho thấy, sức mạnh chiến đấu của quân đội bắt nguồn từ nhân dân. Bởi vậy, không phải ngẫu nhiên mà nhân dân cả nước dành riêng cho lớp lớp cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam cách gọi rất thân thương, tin yêu, kính trọng - “Bộ đội Cụ Hồ”; cũng không phải ngẫu nhiên mà khi nói về tình quân dân mọi người vẫn thường ví von “quân và dân như cá với nước”. 

Ngay từ những ngày đầu thành lập và trong những năm tháng chiến tranh, Quân đội ta đối mặt với muôn vàn khó khăn, nguy hiểm. Được sự chở che, đùm bọc của nhân dân: đào hầm nuôi giấu cán bộ, bộ đội, góp sức người sức của cho quân đội, là truyền thống “xe chưa qua nhà không tiếc, đường chưa thông không tiếc máu tiếc xương”… nên “chẳng mấy lâu, từ vài chục người đã trường thành đến vài trăm người thanh niên rầm rầm kéo đến xin vào bộ đội…”.

“Từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu”, những chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam không chỉ là những người chiến sĩ đánh giặc giỏi mà còn làm công tác dân vận giỏi. Nghĩa nặng, tình sâu, lớp lớp cán bộ, chiến sĩ của Quân đội ta trong chiến tranh, đã không tiếc máu tiếc xương vì độc lập của Tổ quốc, vì tự do hạnh phúc của nhân dân; trong thời bình, “cùng ăn, cùng ở, cùng làm”, tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước…

Là quân đội của nhân dân, chiến đấu vì nhân dân, gắn bó với nhân dân -  bản chất đó của Quân đội nhân dân Việt Nam chính là nhân tố quan trọng góp phần làm nên sức mạnh tổng hợp về chính trị, về tinh thần, về ý chí quyết chiến, quyết thắng, tài thao lược trước mọi kẻ thù và trong mọi hoàn cảnh.

2. Trong truyền thống 70 năm xây dựng và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam, lực lượng vũ trang Kon Tum cũng đã trải qua chặng đường 69 năm xây dựng, chiến đấu, vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, hy sinh, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, góp phần tạo nên truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam. Sở dĩ như vậy là vì ngay từ khi thực dân Pháp xâm lược, nhân dân các dân tộc Kon Tum liên tục nổi dậy đấu tranh, tuy nhiên vì thiếu một tổ chức Đảng lãnh đạo, chưa có tổ chức cơ sở của Mặt trận Việt Minh nên chưa tạo được nòng cốt và vẫn chưa hành động giành chính quyền. Đến ngày 25/8/1945, dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Việt Minh từ Gia Lai lên cùng sự hưởng ứng của lực lượng yêu nước tiến bộ tại tỉnh Kon Tum, việc giành chính quyền ở Kon Tum nhanh gọn, không nổ súng mà triệt để. Cũng trong ngày này, để bảo vệ chính quyền cách mạng, giữ gìn an ninh trật tự trong tỉnh, Ủy ban nhân dân Cách mạng lâm thời tiến hành thành lập Đội Giải phóng quân - đây là lực lượng vũ trang đầu tiên của tỉnh được thành lập từ khi có chính quyền cách mạng.

Góp phần tạo nên truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam, trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, Lực lượng vũ trang tỉnh đã dũng cảm, kiên cường, khắc phục mọi khó khăn, thử thách hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tham gia phối hợp với lực lượng cấp trên và trực tiếp đánh 218 trận, loại khỏi vòng chiến đấu 1.600 tên địch, thu 1.500 súng các loại, phá huỷ hàng trăm xe và phương tiện chiến tranh của địch. Trong hơn 20 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Lực lượng vũ trang tỉnh đã tham gia cùng lực lượng cấp trên và trực tiếp đánh 2.355 trận lớn nhỏ, loại khỏi vòng chiến đấu trên 34.654 tên địch, bắn rơi và phá huỷ 392 máy bay, phá huỷ và thu hơn 1.000 xe quân sự, gần 7.000 súng, pháo các loại...

Đất nước thống nhất, Lực lượng vũ trang tỉnh một lần nữa phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, tiếp bước cha anh, trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân, tỏ rõ bản lĩnh chính trị vững vàng, tham mưu kịp thời cho cấp ủy đảng và chính quyền các cấp, triển khai thắng lợi các nhiệm vụ về an ninh quốc phòng, góp phần giữ vững an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, xã hội tỉnh nhà. “Hiếu với dân”, Lực lượng vũ trang tỉnh đã làm tốt chức năng của một đội quân công tác, tích cực tham gia có hiệu quả trong tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; giúp nhân dân ổn định sản xuất, xoá đói giảm nghèo. Trong thiên tai, hoả hoạn, lực lượng vũ trang tỉnh luôn xung kích với khẩu hiệu hành động “cứu dân là trên hết”, không quản ngại gian khổ, hiểm nguy để cứu tính mạng, tài sản của nhân dân, sát cánh cùng với nhân dân khắc phục hậu quả nặng nề của bão lũ...

Trải qua 2 cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm và hơn 39 năm xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, nhân dân Kon Tum sẵn sàng hi sinh vì tự do độc lập. Hàng vạn tấn lương thực, thực phẩm, hàng triệu con trâu, bò, heo, gà được bà con tình nguyện đóng góp để bộ đội ăn no đánh giặc. Lớp lớp thanh niên nam nữ ở các làng lần lượt tình nguyện xung phong vào bộ đội, du kích, làm giao liên, tiếp lương, tải đạn...; các cụ già, em nhỏ tích cực vót hàng triệu chông góp phần giết giặc... Và, đã có hơn 2.800 người con ưu tú của quê hương Kon Tum anh dũng hy sinh, cống hiến trọn đời cho Tổ quốc; hơn 2.750 thương binh, bệnh binh để lại một phần xương máu ở các chiến trường; trên 70 bà mẹ được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Với những đóng góp to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước, lực lượng vũ trang tỉnh đã được Đảng và Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý: Lực lượng vũ trang nhân dân tỉnh Kon Tum cùng với 29 tập thể và 18 cá nhân được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; Lực lượng vũ trang tỉnh được Nhà nước tặng thưởng 1 Huân chương Sao vàng, 1 Huân chương Hồ Chí Minh, 1 Huân chương Quân công hạng nhất (chung cho 2 tỉnh Gia Lai - Kon Tum), 1 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba...

Nguyên Phúc

 

 

 

Chuyên mục khác