Phụ nữ và khởi nghiệp

10/03/2019 17:01

Chưa bao giờ phong trào khởi nghiệp, hệ sinh thái khởi nghiệp cho chị em phụ nữ trên địa bàn tỉnh được xây dựng và dần định hình rõ như hiện nay.

Hàng loạt các hoạt động tạo cảm hứng và tiếp thêm sức mạnh cho chị em được triển khai: Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” đã hỗ trợ vốn khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh cho 192 hội viên, phụ nữ với hơn 900 triệu đồng, vận động hội viên vay các nguồn vốn ưu đãi 7,567 tỷ đồng để hiện thực hóa các ý tưởng khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động; hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và đồng hành trong liên kết, tiêu thụ sản phẩm; và gần đây nhất là tổ chức Ngày phụ nữ Kon Tum khởi nghiệp thu hút đông đảo chị em tham gia…

Tại ngày Phụ nữ Kon Tum khởi nghiệp lần này, chị em phụ nữ ở vùng núi rừng Ngọc Linh tiếp tục giới thiệu những sản phẩm đặc trưng từ cây sâm dây. Nhận được sự hỗ trợ, tiếp sức của các cấp Hội phụ nữ, mô hình đã giúp chị em nơi đây biết biến loại cây quẩn quanh làng xóm thành hàng hóa, sản phẩm làm ra đến đâu hầu như bán gọn đến đó, chưa nói đến giàu nhưng chị em nơi đây dần thoát gian khó từ chính loài cây này…

Gian hàng của phụ nữ huyện Ngọc Hồi khởi nghiệp. Ảnh: T.V.P

 

Kể từ khi khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh tạo cảm hứng cho nhiều người – kể cả chị em phụ nữ, thì những giấc mơ thành hiện thực, những câu chuyện kết thúc có hậu như mô hình “Tổ liên kết phụ nữ dân tộc thiểu số trồng sâm dây” ở xã Mường Hoong và Ngọc Linh (huyện Đăk Glei) không còn là chuyện hiếm.

Trái ngọt từ vườn ươm – hệ sinh thái khởi nghiệp đang dần được hình thành, đó là những dự định, ước mong, những ấp ủ, có cái đã được hiện thực hóa, có cái đang còn dang dở, có cái chỉ mới vỡ vạc và cũng có cái đang hoàn toàn ở phía trước nhưng nhiều người tin rằng trong tương lai không xa sẽ trở thành hiện thực.

Đáng mừng là không chỉ làm giàu cho chính họ, không chỉ đóng góp cho sự phát triển của tỉnh, của đất nước mà có chị đã dám nghĩ, dám làm, tạo việc làm, mang lại thu nhập, thắp lửa ước mơ cho những người xung quanh cùng học hỏi, cùng vươn lên.

Kết quả đó, ngoài sự nỗ lực của chính chị em thì yếu tố không kém phần quan trọng đó là hệ sinh thái khởi nghiệp đang dần được định hình: kiến thức của các chị em phụ nữ, yếu tố về vốn, yếu tố đầu ra cho sản phẩm… Các cấp Hội phụ nữ đóng vai trò sẵn sàng hỗ trợ dưới nhiều hình thức, đã tạo cảm hứng, tiếp thêm sức mạnh và trang bị cho chị em những kiến thức, những kỹ năng cần thiết trên con đường khởi nghiệp.

Với lực lượng hùng hậu – một nửa của thế giới, chị em có tiềm năng sáng tạo rất lớn trong khởi nghiệp, phát triển kinh tế gia đình. Tuy nhiên, đi cùng là những hạn chế chung: thiếu kiến thức cơ bản về kinh doanh, thiếu vốn,… thì chị em phụ nữ còn gặp trở ngại riêng là định kiến giới từ xã hội, từ gia đình và từ chính bản thân chị em.

Vì sao lại vậy? Phụ nữ thường gắn liền với “phái yếu”. Mà đã là “phái yếu” thì thường làm những việc nhỏ, quẩn quanh bếp núc. Còn những việc lớn như kinh doanh, tính toán chuyện làm ăn… thì chỉ có cánh đàn ông - “phái mạnh” mới làm được. Định kiến giới khiến chị em chỉ quẩn quanh với bếp núc, chăm lo cho gia đình và mặc nhiên chấp nhận đứng sau người đàn ông.

Vì khó đi xa hơn căn bếp chật hẹp, phụ nữ thiếu đi các cơ hội để được đào tạo hay giao lưu, học hỏi. Vòng luẩn quẩn ấy cứ thế mà níu kéo ý tưởng và cơ hội khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh của người phụ nữ.

Vì mặc định chỉ làm được những chuyện nhỏ nên khi có ý tưởng khởi nghiệp, phụ nữ khó nhận được sự sẻ chia, khích lệ. Nói cách khác là phụ nữ khi khởi nghiệp dễ cô đơn. Nên dù thừa khát khao, mơ ước nhưng vì thiếu vốn, thiếu đi kinh nghiệm và cả sự động viên, khích lệ để “tìm một con đường, tìm một lối đi”… khiến không ít chị em chùn bước ngay khi mới nảy sinh ý tưởng!

Nhưng, một trong những đặc tính cơ bản của khởi nghiệp là mang đậm dấu ấn cá nhân, vai trò của người khởi xướng rất quan trọng. Vì thế khởi nghiệp bất chấp tuổi tác, bất chấp giới tính. Khởi nghiệp không chỉ dành cho đàn ông - phái mạnh, mà cả phụ nữ - phái yếu; khởi nghiệp cũng không hoàn toàn là câu chuyện độc quyền của giới trẻ, mà cả người già.

Đã thế, phụ nữ ngày nay giỏi giang việc nước, đảm đang việc nhà, cộng thêm những đặc điểm của giới: nhẹ nhàng, mềm dẻo, linh hoạt… đã trở thành những thế mạnh để họ giao thương năng động hơn, thành công hơn.

Nên, làm thế nào để phụ nữ không bị cô đơn khi khởi nghiệp. Làm thế nào để khơi gợi tinh thần, động viên chị em kiên trì, nhẫn nại dám theo đuổi ước mơ và tự đứng lên trước những thất bại. Làm thế nào để khởi nghiệp mang lại hiệu quả cụ thể, giảm thiểu những rủi ro, thất bại… đã, đang và sẽ luôn là điều mà các cấp, các ngành, đặc biệt là các cấp Hội phụ nữ cần quan tâm.

Bình Toàn

 

Chuyên mục khác