Phòng chống dịch Covid -19: Hãy là công dân có trách nhiệm

16/03/2020 06:01

Trong tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp và đang lan rộng ra toàn cầu, cùng với việc thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các giải pháp ứng phó, ngăn chặn dịch, từ ngày 10/3, Bộ Y tế chính thức triển khai kế hoạch khai báo y tế toàn dân để góp phần phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh hiệu quả hơn. Tinh thần trách nhiệm, sự tự giác trong khai báo y tế của mỗi cá nhân sẽ là yếu tố quan trọng trong việc phòng ngừa, bao vây và ngăn chặn dịch bệnh lan rộng, góp phần cùng với cả hệ thống chính trị phòng ngừa, đẩy lùi dịch bệnh Covid-19.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa chính thức tuyên bố sự bùng phát của bệnh do Covid-19 gây ra là “đại dịch toàn cầu”. Ở trong nước, tình hình dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp, chỉ tính từ ngày 6/3, số lượng người nhiễm Covid-19 mới liên tục tăng, dịch bệnh đang lây lan ra rộng khắp với nhiều tỉnh, thành phố có người mắc bệnh.

Và kể từ khi ca nhiễm Covid-19 thứ 17 xuất hiện, nước ta bước vào giai đoạn mới của cuộc chiến chống dịch Covid-19 với nhiều cam go hơn giai đoạn trước. Để thực hiện tốt công tác phòng, chống, ngăn chặn dịch bệnh, cùng với quyết tâm hành động của Chính phủ và các ngành chức năng với những giải pháp quyết liệt, hữu hiệu với phương châm hành động “chống dịch như chống giặc” thì “cuộc chiến” này đòi hỏi sự đồng lòng, góp sức mạnh mẽ, tận tâm và tự giác của mỗi người dân.

Chính vì vậy, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam – Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 quốc gia nhấn mạnh: “Việt Nam đã bước sang giai đoạn 2 của việc chống dịch Covid-19. Dịch bệnh không chỉ vào nước ta từ một, hai phía mà vào từ rất nhiều phía, thậm chí đang nằm trong đất nước chúng ta. Do vậy, cần cảnh giác hơn, quyết tâm hơn, đồng thời phải tự tin hơn, bởi vì chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm từ giai đoạn 1, đã lường hết mọi kịch bản, tình huống và điều quan trọng nhất là có sự tham gia của nhân dân”.

Việc thực hiện khai báo y tế tự giác, trung thực là gồm cả khai báo y tế bắt buộc tại các sân bay, cửa khẩu đối với người nhập cảnh vào Việt Nam theo quy định và việc khai báo y tế tự nguyện của toàn dân là hành động quan trọng để mỗi người dân tham gia vào việc phòng, chống dịch.

Người dân có thể khai báo y tế qua ứng dụng NCOVI. Ảnh: Internet 

 

Theo đó, từ ngày 10/3, Bộ Thông tin - Truyền thông và Bộ Y tế  cùng với các ngành chức năng triển khai 2 ứng dụng (app) trợ giúp y tế cho người Việt Nam và người nước ngoài để người dân thực hiện khai báo y tế toàn dân. Đó là ứng dụng NCOVI dành cho người dân Việt Nam và ứng dụng Vietnam Health Declaration dành cho người nhập cảnh vào Việt Nam. Các cơ quan truyền thông, báo chí đã tích cực phổ biến, tuyên truyền, hướng dẫn người dân các bước thực hiện đảm bảo việc khai báo chính xác và đầy đủ.

Khai báo y tế là hành động có ý nghĩa quan trọng trong việc hỗ trợ ngành y tế, giúp kịp thời phát hiện, cách ly, khoanh vùng ổ dịch trong trường hợp có ca bệnh; ngăn chặn dịch bệnh lây lan để nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch. Dựa trên những thông tin y tế mà người dân cung cấp, ngành y tế sẽ nắm bắt được tình hình sức khỏe của từng người dân, có được những cảnh báo khi người dân có các triệu chứng sức khỏe bất thường, có tiếp xúc với người nghi mắc, người mắc Covid-19 hay đã đi từ vùng dịch về... Cùng với đó, việc công khai, số điện thoại, địa chỉ liên lạc để mọi người cần tư vấn sức khỏe liên lạc khi cần thiết, sẽ giúp ngành chức năng kịp thời nắm bắt, tư vấn, xử trí các tình huống có vấn đề về sức khỏe.

Nói một cách khác, khai báo y tế toàn dân, bản chất là cung cấp thông tin và tương tác 2 chiều giữa từng người dân và cơ quan y tế. Chính phủ đã khẳng định, các thông tin người dân cung cấp hoàn toàn được bảo mật và chỉ được dùng vào việc phòng, chống dịch Covid-19.

Lẽ dĩ nhiên, ban đầu tiếp cận, nhiều người sẽ không tránh khỏi những bỡ ngỡ, lúng túng, nhưng đây là hành động thiết thực và ý nghĩa trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 hiện nay. Và, điều này đòi hỏi tinh thần tự giác, trách nhiệm, sự trung thực của mỗi cá nhân, tất cả vì sức khỏe bản thân và cộng đồng. Bởi nếu một người nào đó khai báo y tế gian dối, không trung thực mà bản thân người đó lại mang mầm bệnh sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ, thậm chí là tính mạng của nhiều người khác, hậu họa sẽ khôn lường.

Thực tế cho thấy, thời gian qua, việc một số cá nhân từ vùng dịch Covid-19 nhập cảnh vào Việt Nam, mà điển hình là nữ bệnh nhân thứ 17 của nước ta, do không tự giác thực hiện khai báo y tế trung thực đã lây bệnh cho nhiều người và các cơ quan chức năng không thể áp dụng các biện pháp cách ly sớm đối với những trường hợp tiếp xúc gần với người bệnh, có nguy cơ nhiễm bệnh cao, nhằm ngăn ngừa dịch bệnh ngay từ đầu. Dù vô tình, hay vì bất cứ lý do gì, thì sự thiếu trung thực ấy đang gây ra những hậu quả rất nặng nề, khiến cho bao nỗ lực phòng, chống dịch bệnh của cả hệ thống chính trị và hàng triệu người dân “đổ sông đổ bể”; cả nước lại phải bắt đầu một chiến dịch mới trong cuộc chiến với Covid-19.

Bởi vậy, hơn ai hết, mỗi người cần phải nhận thức đúng đắn được tầm quan trọng, vai trò và nghĩa vụ công dân trong phòng chống dịch, nghiêm túc chấp hành các hướng dẫn của các cơ quan chức năng và quy định của pháp luật về phòng, chống dịch nhằm bảo đảm an toàn cho bản thân, an toàn cho người thân và của cả cộng đồng. Cuộc chiến chống dịch bệnh Covid-19 có thắng lợi hay không trông chờ rất nhiều vào ý thức, vào trách nhiệm công dân của mỗi người. Ngay bây giờ, trách nhiệm ấy được thể hiện bằng việc tự giác thực hiện khai báo y tế một cách trung thực và chính xác.  

Thùy Hương

Chuyên mục khác