Phòng, chống cháy rừng - Bắt đầu từ ý thức người dân

16/07/2019 06:12

Có thể nói, chưa có năm nào thời tiết lại cực đoan như năm 2019. Với thời gian nắng nóng kéo dài, hanh khô nguy cơ xảy ra cháy rừng luôn ở mức cao.

Theo báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trong 6 tháng đầu năm 2019, cả nước xảy ra 156 vụ cháy rừng, tăng 61 vụ so với cùng kỳ năm 2018, với 930 ha rừng bị cháy, tăng 705 ha so với cùng kỳ năm 2018, tập trung chủ yếu ở các tỉnh miền Trung từ tỉnh Nghệ An vào cho đến tỉnh Phú Yên.

Ngoài nguyên nhân khách quan do thời tiết hanh khô, nắng nóng kéo dài… thì nguyên nhân chủ yếu vẫn là do con người gây ra, bởi chủ quan, lơ là… Chỉ một hành vi sơ ý của con người mà hậu quả để lại thật khôn lường.

Điển hình là vào trưa ngày 28/6, một người dân ở thị trấn Xuân An, xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) ra vườn gom rác để đốt. Do trời nắng nóng, gió Tây Nam thổi mạnh nên lửa đã cháy lan ra khắp vườn rồi lan sang khu vực rừng thông. Hậu quả, một vụ cháy rừng kinh hoàng đã xảy ra trên diện rộng, làm thiệt hại hơn 50ha rừng thông…

Tại tỉnh ta, thời tiết không cực đoan như các tỉnh khác, số vụ cháy rừng xảy ra không nhiều so với các địa phương khác. 6 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh xảy ra 3 vụ cháy rừng, tăng 3 vụ so với cùng kỳ năm 2018 (đó là các vụ cháy ở xã Ya Tăng, huyện Sa Thầy; xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô; thị trấn Đăk Rve, huyện Kon Rẫy) làm thiệt hại gần 22ha rừng. Nguyên nhân các vụ cháy rừng được xác định là do người dân đốt rẫy gây nên. Tuy nhiên, từ các vụ việc trên cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo về ý thức của người dân trong phòng, chống cháy rừng.

Thực tế cho thấy nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh có nguy cơ cháy rừng cao như các huyện Ia H’Drai, Sa Thầy, Ngọc Hồi, Đăk Tô, Kon Rẫy… do rừng ở các địa phương này chủ yếu là rừng trồng, rừng khộp, tre nứa… Đặc biệt, mùa nắng nóng cao điểm cũng đồng thời là mùa đốt nương làm rẫy của người dân.

Xác định phương châm phòng là chính, các đơn vị chủ rừng, ngành chức năng chủ động tu sửa, làm mới các công trình phòng cháy như làm đường băng trắng cản lửa, xây dựng và tu sửa các chòi canh lửa, các hồ, bể chứa nước, các bảng tuyên truyền cố định, bảng dự báo cấp cháy rừng, bảng quy ước bảo vệ rừng, biển tam giác cấm lửa…

Lực lượng chức năng của tỉnh, huyện cũng đã xây dựng nhiều phương án, kế hoạch phòng cháy chữa cháy trên địa bàn. Trong đó tập trung đôn đốc, hướng dẫn các xã, thị trấn kiện toàn và duy trì hoạt động các tổ công tác liên ngành quản lý bảo vệ rừng cấp xã và các tổ đội quần chúng bảo vệ rừng tại các thôn, làng thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin và thực hiện tốt công tác dự báo cấp cháy rừng.

Đồng thời, các Hạt Kiểm lâm luôn duy trì tổ chức các đợt kiểm tra, đôn đốc cơ sở, đơn vị chủ rừng triển khai công tác phòng cháy chữa cháy rừng; phân công các đơn vị trực 24/24 giờ trong mùa khô hanh, bố trí người và phương tiện, dụng cụ phòng cháy chữa cháy ở những điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao… Đặc biệt, huy động nhiều lực lượng vào công tác quản lý và bảo vệ rừng, triển khai nhiều phương án phòng, chống cháy rừng, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, đặc biệt chú trọng vào công tác tuyên truyền sâu rộng nâng cao ý thức của người dân.

Diễn tập chữa cháy tại xã Ia Tơi, huyện Ia H'Drai. Ảnh: Lê Hải

 

Tuy nhiên, việc tuyên truyền nâng cao ý thức quản lý, bảo vệ rừng, phòng, chống cháy rừng ở một số nơi vẫn chưa thật sự được quan tâm. Một số địa phương còn lơ là, xem nhẹ việc tuyên truyền cho người dân về ý thức quản lý, bảo vệ rừng, phòng, chống cháy rừng nên đã xảy ra các vụ cháy như đã nêu trên.

Từ thực tế các vụ cháy rừng tại các địa phương trong thời gian qua gây thiệt hại nghiêm trọng về rừng, câu hỏi đặt ra là làm cách nào để giảm thiểu tối đa các vụ cháy rừng?

Trước hết, cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân, của chủ rừng, chính quyền các cấp trong toàn tỉnh về phòng, chống cháy rừng. Phải xem trọng việc phòng cháy hơn là chữa cháy, không để bị động bất ngờ khi có tình huống cháy rừng xảy ra. Khi xảy ra cháy rừng, phải khẩn trương triển khai lực lượng kịp thời.

Muốn vậy, các ngành chức năng, chủ rừng phải xây dựng các kế hoạch, nội dung tuyên truyền thông qua các mô hình trình diễn, các cuộc họp ở các thôn, làng, các phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời tổ chức tập huấn chuyên đề, tổ chức các buổi ngoại khóa trong trường học... nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng về chính sách của Nhà nước, quyền lợi và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân cũng như lợi ích, tầm quan trọng của rừng đối với cuộc sống con người, tác hại của cháy rừng.

Ngoài ra, cần tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng trực quan như xây dựng biển, bảng nội quy bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng; biển cấm lửa; in ấn tài liệu, tờ rơi về quản lý bảo vệ rừng để phân phát cho người dân; tổ chức cho người dân sống gần rừng ký cam kết về an toàn lửa rừng.

Bên cạnh đó, cần trang bị cho người dân sống, sản xuất gần rừng các kỹ năng sử dụng lửa trong rừng, gần rừng, đặc biệt là khi sử dụng lửa để đốt rác, đốt rẫy...

Ngoài đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân, chủ rừng và các địa phương có rừng, cũng cần phải có giải pháp thích hợp khi giao rừng cho các hộ dân có hưởng lợi và khoán bảo vệ rừng. Cùng với đó là lồng ghép việc quản lý, bảo vệ rừng với các chương trình khác, để giúp người dân có cuộc sống ổn định hơn.

Dương Đức Nhuận

Chuyên mục khác