Phòng chống bão lũ - cần vào cuộc tích cực, chủ động

01/07/2018 18:02

​Những ngày qua, mưa lũ dồn dập đổ về các tỉnh vùng núi phía bắc gây chia cắt nhiều nơi, thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Là một trong những tỉnh miền núi, chúng ta cũng không thể chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống bão lũ, có như vậy mới có thể hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do thiên tai, lũ lụt gây ra.

Suốt mấy ngày qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng liên tục đưa tin về diễn biến của tình hình mưa lũ, những thiệt hại do lũ lụt gây ra ở các tỉnh Lai Châu, Hà Giang, Yên Bái... Nhiều tuyến giao thông, công trình cầu cống, trường học bị phá hủy, nhà cửa của người dân bị cuốn theo mưa lũ, hoa màu bị vùi lấp. Thiệt hại do mưa lũ gây ra lên đến hàng trăm tỷ đồng. Nhiều học sinh ở vùng lũ không thể tới các điểm thi để tham gia kỳ thi THPT quốc gia; đã có hàng chục người chết, bị mất tích do lũ cuốn - những thiệt hại không thể đo đếm được bằng tiền...

Cuộc sống của người dân miền núi xưa nay vốn đã khó khăn đủ bề, trong thời điểm mưa lũ lại càng trở nên cùng cực. Của cải người dân đã phải tảo tần “một nắng hai sương” gom góp, tích lũy cả đời mà không dám tiêu xài, thế mà chỉ sau một đêm những của cải ấy đã bị dòng nước cuốn trôi và họ trở thành tay trắng. Mọi tài sản đều tiêu tan theo dòng nước lũ, gia đình lâm vào cảnh “màn trời chiếu đất”, mất mát người thân. Sau bão lũ, người dân lại tiếp tục đối mặt với bộn bề khó khăn trong cuộc sống.

Thực tế cho thấy, sức tàn phá do thiên tai, bão lũ gây ra là vô cùng lớn, nhất là đối với các tỉnh miền núi.

Kon Tum cũng là một trong những tỉnh miền núi, mặc dù thường không nằm trong vùng trung tâm bão, nhưng lại luôn chịu ảnh hưởng nặng nề của hoàn lưu bão gây mưa nhiều và gánh chịu nhiều thảm hoạ thiên tai như lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, đá...

Trong những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu thời tiết diễn biến bất thường, mưa lũ với cường độ lớn thường xuyên xảy ra gây thiệt hại nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng tới tài sản và đời sống của nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Mặc dù trước mỗi mùa mưa bão, chính quyền và ngành chức năng của tỉnh và các huyện, thành phố luôn chủ động, có phương án, kế hoạch phòng chống, ứng phó với thiên tai nhưng thiệt hại do mưa bão, lũ lụt gây ra là không tránh khỏi và thật sự khó lường.

Trước mỗi mùa mưa, tỉnh đã huy động và dành nhiều nguồn lực để đầu tư xây dựng, củng cố các hồ đập, bảo đảm an toàn cho các công trình trong mùa mưa bão. Các cấp chính quyền ở địa phương cơ sở, các ngành chức năng có nhiều giải pháp di dời và vận động người dân ở những vùng có nguy cơ sạt lở cao đến nơi ở an toàn.

Bước vào mùa mưa bão, ngành khí tượng thủy văn, cơ quan truyền thông cũng thường xuyên đưa thông tin dự báo, cảnh báo mưa, lũ và khu vực nguy hiểm về sạt lở đất và lũ ống, lũ quét.

Thế nhưng, cứ sau mỗi mùa mưa bão, những con số thiệt hại về người và của do mưa lũ gây ra vẫn làm nhiều người phải xót xa.

Đơn cử như mùa mưa bão năm 2017, tỉnh ta đã có 4 người chết do sạt lở đất, nước lũ cuốn trôi; 170 nhà dân bị tốc mái, hư hỏng; gần 210ha lúa, cây trồng các loại bị ngập úng; 164 con gia súc bị chết vì nước lũ cuốn trôi; 38 công trình thủy lợi, 23 công trình nước tự chảy bị bồi lấp, xói lở và hư hỏng, nhiều tuyến đường giao thông bị ảnh hưởng...

Nguyên nhân thì có nhiều, song theo các nhà khoa học thì một trong những nguyên nhân gây ra lũ lụt là do tình trạng phá rừng. Ở tỉnh ta, mặc dù chính quyền và ngành chức năng đã nỗ lực ngăn chặn tình trạng phá rừng, nhưng thẳng thắn mà nhìn nhận là vẫn còn tình trạng phá rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ gây ra xói mòn, sạt lở đất; vì vậy mỗi khi mưa lớn, lũ từ thượng nguồn đổ về với cường độ mạnh, sạt lở ngày càng khủng khiếp.

Cùng với đó, việc xây dựng, vận hành các nhà máy thuỷ điện hiện cũng còn nhiều vấn đề bất cập càng làm cho tình hình mưa lũ phức tạp và nặng nề hơn, mức độ ảnh hưởng, tàn phá do thiên tai gây ra ngày càng lớn hơn.

Tuy nhiên, ngoài những yếu tố khách quan một trong những điều không thể không nhắc tới đó là nguyên nhân chủ quan. Ở nhiều nơi, các ngành, các địa phương và người dân vẫn còn tư tưởng lơ là, chủ quan trong việc phòng chống thiên tai, bão lũ. Người dân vẫn vô tư làm nhà ở những vùng có nguy cơ sạt lở cao; công tác thông tin tuyên truyền, tập huấn về kỹ năng ứng phó với thiên tai cho người dân của các cấp, các ngành còn chưa thường xuyên liên tục; sự phòng bị đôi khi còn chủ quan, đơn giản... nên khi xảy ra mưa lũ thì người dân xoay xở  không kịp.

Hiện nay, mới chỉ là đầu mùa mưa bão, tình hình thiên tai, bão lũ thời gian tới sẽ có những diễn biến phức tạp, khó lường, vì vậy công tác phòng chống bão lũ là vấn đề không thể chủ quan, xem nhẹ. Công tác phòng tránh thiên tai, bão lũ có khi phải chuẩn bị cả năm, nhưng chỉ sử dụng một vài giờ, song nếu lơ là sẽ phải trả giá đắt…

Để hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra đòi hỏi các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành chức năng và mỗi người dân phải chủ động thực hiện các phương án phòng chống bão lũ và tìm kiếm cứu nạn; nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai; gia cố các hồ chứa nước, các công trình kè sông, suối chống sạt lở và các khu dân cư ở bên ven suối, ven các chân đồi. Vấn đề quan trọng nhất, hiệu quả nhất là các địa phương cần chủ động tuyên truyền, vận động nhân dân cách ứng phó hiệu quả với thiên tai. 

Vẫn biết thiên tai thì có “cực đoan”, có “khó lường”, nhưng để giảm nhẹ những ảnh hưởng do thiên tai gây ra thì việc chủ động phòng tránh, trong đó cần chú trọng lấy phòng tránh là chính chắc chắn sẽ giảm bớt thiệt hại về người và của. 

Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng” tức là cứ mưa lũ gây thiệt hại rồi mới lo chạy khắc phục hậu quả thì đã muộn. Song, để làm được điều này đòi hỏi sự vào cuộc tích cực, chủ động của cả hệ thống chính trị và của mỗi người dân.

Thuỳ Hương

Chuyên mục khác