Phòng cháy, chuyện lo sớm không thừa

07/10/2014 10:56

Nói chuyện phòng cháy khi mùa mưa chưa hết, chắc hẳn sẽ không ít người cho rằng cái lo ấy có phần “hơi xa”. Nhưng thực tế, khi đề cập vấn đề này từ bây giờ, thiết nghĩ đã không còn là sớm.

 

Theo chu kỳ thời tiết, các tỉnh Tây Nguyên nói chung trong đó có Kon Tum, mùa khô thường bắt đầu vào khoảng cuối tháng 10 hàng năm. Mùa khô đối với Tây Nguyên là mùa nắng nóng, mùa cao điểm dễ xảy ra các vụ cháy rừng. Đặc biệt là các vụ cháy lớn, có thể kéo dài trong nhiều ngày. Do đó, khi đã xảy ra các vụ cháy rừng trong mùa khô sẽ rất khó khăn trong việc khống chế đám cháy, cũng như kiểm soát được mức độ thiệt hại của nó...

Lực lượng Kiểm lâm rừng Đặc Dụng Đăk Uy tăng cường tuần tra bảo vệ rừng

 

Chính vì vậy, mà câu chuyện phòng cháy, chữa cháy (PCCC) mỗi khi vào mùa khô hàng năm, luôn là mối quan tâm thường trực của các cấp, các ngành. Việc PCCC nếu được quan tâm, chuẩn bị sớm sẽ luôn cho ta sự chủ động về công tác phòng, cũng như xử lý tốt tình huống khi có cháy xẩy ra.  Cháy rừng có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau: Sơ ý của người dân đi rừng khi dùng lửa; do bất cẩn trong xử lý thực bì; thời điểm người dân đốt dọn nương rẫy...

Trong những năm gần đây, nhờ việc đẩy mạnh công tác vận động tuyên truyền luật PCCC, cũng như kết hợp nhiều giải pháp đồng bộ khác, nên ý thức, trách nhiệm của người dân, cũng như các chủ rừng đã có sự chuyển biến tích cực. Cùng với công tác vận động tuyên truyền, việc cương quyết, mạnh tay xử lý các hành vi vi phạm về luật PCCC đối với các chủ rừng, cá nhân cũng góp phần làm giảm nguy cơ gây ra các vụ cháy rừng. Theo con số thống kê, trong vài năm trở lại đây, số vụ và diện tích rừng bị cháy đã giảm đáng kể so với các năm trước. Xin đơn cử, nếu tính (6 mùa khô) từ năm 2004- 2005 đến mùa khô 2010-2011, số vụ cháy rừng của toàn tỉnh là 257 vụ, với trên 2.380 ha bị cháy - thì mùa khô 2011-2012 và 2012-2013, số vụ cháy rừng chỉ có 9, diện tích thiệt hại chỉ xấp xỉ 10 ha. Con số thiệt hại giảm, ây là tín hiệu vui, thể hiện được tinh thần trách nhiệm của các cấp, các ngành, ý thức của người dân đã được nâng lên một bước.

Có thể nói, những chuyển biến tích cực trong công tác PCCCR của tỉnh trong các năm gần đây không phải là ngẫu nhiên mà có. Chúng ta phải khẳng định, đó là sự quan tâm đúng mức, sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chinh trị từ tỉnh đến cơ sở. Nói như vậy, không phải là để tự mãn, an bằng với những thành tích đã có, mà phải thấy trách nhiệm của mỗi cấp, ngành hữu quan càng phải nặng nề hơn trong thời gian tới. Chúng ta đều biết, việc PCCCR không ai có thể đảm bảo được sự an toàn, chắc chắn -  Nếu như, công tác này thiếu đi sự quan tâm cần thiết về các mặt. Tỉnh Kon Tum có diện tích rừng bao phủ khá lớn (trên 68 % diện tích rừng và đất lâm nghiệp), trong đó, gồm cả diện tích rừng nguyên sinh, rừng phòng hộ và rừng nguyên liệu giấy... Với sự đa dạng về chủng loại, cũng như sự phong phú, khác nhau về hệ thảm thực vật, nên viêc xây dựng các phương án PCCC sao cho phù hợp với thực tế ở từng loại rừng, từng địa bàn là yếu tố vô cùng quan trọng. Thực tế các năm qua cho thấy, nếu như ở địa phương nào, đơn vị chủ rừng nào có sự quan tâm, đầu tư đúng mức cho công tác PCCC; có sự phối hợp đồng bộ giữa chính quyền sở tại và các lực lượng tham gia chấp pháp trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân; đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát, thì nơi ấy ít xảy ra các vụ cháy rừng hơn những nơi thiếu sự quan tâm.

 Xin đơn cử như Công ty nguyên liệu giấy Miền Nam – một trong những đơn vị có nhiều kinh nghiệm trong PCCCR, và cũng là đơn vị trong nhiều năm liền ít để xảy ra các vụ cháy rừng, cũng như các vụ cháy lớn thuộc lâm phần của Công ty quản lý. Kết quả ấy, chính là việc đơn vị luôn chủ động xây dựng tốt quy chế phối hợp với lực lượng Kiểm lâm, chính quyền sở tại và các ban, ngành, đoàn thể hữu quan để cùng thực thi nhiệm vụ. Theo đó, bên cạnh việc quan tâm phổ biến, tuyên truyền về luật PCCC, Công ty luôn chú trọng việc triển khai kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng thực hành các phương án PCCCR cho người dân, đặc biệt là ở các địa bàn trọng điểm, có nguy cơ cháy cao. Một trong những “bí quyết” của Công ty thực hiện có hiệu quả về PCCCR trong các năm qua, chính là khâu làm tốt “hệ thống đường ranh cản lửa” và áp dụng các quy trình “xử lý thực bì” một cách hợp lý nhất...

  Qua kinh nghiệm thực tế của các đơn vị quản lý rừng, thì: Yếu tố tiên quyết, hạn chế được thiệt hại do hỏa hoạn, chính là khâu “phòng cháy”. Hầu hết những đơn vị làm tốt công tác này, họ đều chủ động triển khai sớm công tác PCCC ngay từ khi chưa bước vào mùa khô. Chính từ việc triển khai sớm, đã tạo lợi thế để các đơn vị có đủ thời gian xây dựng phương án, cũng như triển khai lộ trình, công đoạn, phù hợp theo diễn tiến của thời tiết. Từ sự chủ động này, cũng góp phần làm giảm áp lực khó khăn trong việc huy động, điều phối, hỗ trợ nhân lực giữa các địa bàn cho nhau, cũng như nguồn vật tư, tài chính trong quá trình thực thi nhiệm vụ.

Mùa khô 2014- 2015 cũng không còn quá xa. Thiết nghĩ, đây cũng là lúc các cấp, các ngành hữu quan, các đơn vị chủ rừng cần có những động thái chuẩn bị cho công tác PCCC ngay từ bây giờ theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Việc triển khai sớm các phương án PCCC, sẽ luôn tạo được sự chủ động, cũng như tính hiệu quả nhiều hơn cho những cánh rừng trong mùa khô không bị giăc lửa xâm hại.     T.T

Chuyên mục khác