Phát triển kinh tế - Nỗ lực trong khó khăn

10/07/2023 13:33

6 tháng đầu năm năm 2023, tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 6,8%, đứng thứ 22/63 tỉnh thành trên cả nước và cao nhất trong khu vực Tây Nguyên. Đây là kết quả tích cực trong bối cảnh tình hình kinh tế cả nước nói chung và Kon Tum nói riêng vẫn phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức.

Chúng ta đã đi qua nửa chặng đường của năm 2023 với nhiều khó khăn, nhưng với quyết tâm chính trị cao, sự chỉ đạo quyết liệt, bằng những giải pháp linh hoạt, hiệu quả của các cấp, các ngành; sự tin tưởng, ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, kinh tế của tỉnh vẫn giữ được mức tăng trưởng khá và đạt được những kết quả tích cực trên nhiều lĩnh vực. Điều này được thể hiện rõ trong báo cáo phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh 6 tháng đầu năm 2023 của UBND tỉnh trình Kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh khóa XII vừa qua.

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm 2023 (theo giá so sánh 2010) ước đạt 7.732 tỷ đồng, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước. Tăng trưởng trải đều trên tất cả các khu vực kinh tế. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 12.231 tỷ đồng, đạt 45,3% kế hoạch và tăng 15,14% so với cùng kỳ năm 2022. Dù mức tăng trưởng chưa được như mong muốn, nhưng có thể nói đây là kết quả đáng mừng trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục có nhiều biến động phức tạp và bất ổn.

Sản xuất công nghiệp vẫn giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Ảnh: T.H 

 

Ngành công nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng trong quy mô kinh tế và là động lực chính trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh với giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010) 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 4.150 tỷ đồng, chỉ số phát triển công nghiệp ước tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2022. Các ngành công nghiệp có lợi thế và một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu đều có mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước như: Điện sản xuất (tăng 11,4%), điện thương phẩm (tăng 11,1%); khai thác đá, cát, sỏi các loại (tăng 17,5%); tinh bột sắn (tăng 8,3%), nước máy (tăng 7,3%).

Hoạt động thương mại, dịch vụ ổn định và dần bắt kịp tốc độ tăng cùng kỳ của các năm trước khi xảy ra dịch bệnh Covid-19 với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 6 tháng ước đạt 16.998 tỷ đồng, tăng 11,04% so với cùng kỳ.  Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng trưởng mạnh mẽ với giá trị ước đạt 160 triệu USD, bằng 55,2% kế hoạch và tăng 8,1% so với cùng kỳ.

Đặc biệt, trong nửa năm qua, ngành du lịch của tỉnh có sự phục hồi mạnh mẽ và là một trong những điểm sáng trong bức tranh kinh tế nửa đầu năm 2023. Tỉnh ta đã tổ chức thành công nhiều sự kiện văn hóa, quảng bá phong phú, đa dạng cả về nội dung lẫn hình thức để lại ấn tượng tốt với du khách. Nhờ đó, du lịch Kon Tum ngày càng phát triển mạnh, trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã thu hút được trên 956 nghìn lượt khách, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm trước; tổng doanh thu ước đạt 384 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2022.

Bên cạnh đó, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản cũng tiếp tục phát triển với mức tăng trưởng đạt 5,65%. Diện tích loại cây trồng chủ lực của tỉnh giữ ổn định theo đúng quy hoạch, chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai quyết liệt ngay từ đầu năm.

Với nhiều nỗ lực trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, từ đầu năm đến nay dù gặp nhiều khó khăn, tỉnh ta vẫn thu hút 5 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký khoảng 779,6 tỷ đồng; có 145 doanh nghiệp đăng ký thành lập, thành lập mới 30 hợp tác xã và 29 tổ hợp tác, nâng tổng số hợp tác xã trên địa bàn là 258 hợp tác xã và 254 tổ hợp tác.

Kết quả phát triển này thực sự là những “con số biết nói”, ẩn chứa đằng sau là cả sự nỗ lực, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh. Đây là đánh giá của đa số đại biểu HĐND tỉnh tại Kỳ họp thứ 5.

Tuy nhiên, không chỉ nhìn vào thành tích, UBND tỉnh cũng thẳng thắn nhìn nhận và nêu ra những hạn chế, yếu kém như: Thu ngân sách nhà nước chưa đảm bảo theo tiến độ, mới đạt 40,8% dự toán và bằng 81,0% so với cùng kỳ năm trước; công tác giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, chỉ đạt 35,6% so với thực nguồn địa phương giao; tình trạng khai thác khoáng sản trái phép còn xảy ra.

Dĩ nhiên, những tồn tại, hạn chế này có nhiều yếu tố khách quan, nhưng không thể không nói tới những nguyên nhân chủ quan. Đó là, một số sở, ban ngành, địa phương chưa thật sự chủ động, quyết liệt, sâu sát trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao; có tình trạng né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức trong thực thi công vụ.

Việc đánh giá khách quan, nhìn thẳng vào những điểm còn tồn tại để các cấp, các ngành, địa phương đề ra định hướng, giải pháp phù hợp, hiệu quả hơn, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 ở mức cao nhất.

Năm 2023 là năm có ý nghĩa rất quan trọng, năm giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI. Hoàn thành chỉ tiêu của 6 tháng còn lại không chỉ có ý nghĩa để hoàn thành mục tiêu cả năm mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với nửa cuối giai đoạn 2021-2025. Dẫu rằng những khó khăn, thách thức phía trước là không nhỏ, những kết quả đạt được trong 6 tháng qua sẽ tạo tiền đề để kinh tế của tỉnh tiếp đà tăng trưởng  mạnh mẽ hơn.

THÙY HƯƠNG

Chuyên mục khác