Phát sinh hộ nghèo và chuyện giảm nghèo bền vững

29/12/2017 07:58

​2.110 hộ nghèo phát sinh mới trong năm 2017 là con số mà Sở LĐTB&XH phối hợp với UBND các huyện và thành phố Kon Tum điều tra, rà soát, báo cáo UBND tỉnh mới đây. Con số thống kê này cho thấy, dù các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh có nhiều nỗ lực hoàn thành được mục tiêu giảm nghèo của năm; nhưng, để giảm nghèo một cách bền vững, không có hộ tái nghèo, không có hộ nghèo phát sinh mới thì mọi chuyện không thể một sớm, một chiều.

Thoát nghèo rồi tái nghèo, phát sinh nghèo

Các địa phương có số hộ nghèo phát sinh mới trong năm 2017 lần lượt là: Đăk Glei 362 hộ, Ia H’Drai 342 hộ, Đăk Hà 319 hộ, Sa Thầy 217 hộ, Ngọc Hồi 199 hộ, Kon Rẫy 186 hộ, thành phố Kon Tum 166 hộ, Tu Mơ Rông 117 hộ, Đăk Tô 115 hộ, Kon Plông 87 hộ.

Ngoài số hộ nghèo phát sinh mới, trong năm, trên địa bàn tỉnh cũng có 181 hộ tái nghèo, gồm: Đăk Glei 45 hộ, Ngọc Hồi 32 hộ, Đăk Tô 6 hộ, Đăk Hà 17 hộ, Sa Thầy 3 hộ, Kon Rẫy 24 hộ, Kon Plông 29 hộ, Tu Mơ Rông 2 hộ, Ia H’Drai 4 hộ và thành phố Kon Tum 19 hộ.

Lãnh đạo UBND tỉnh đi cơ sở kiểm tra, thăm nhà hộ nghèo phát sinh năm 2017 ở xã Đăk Ui (huyện Đăk Hà). Ảnh: M.T

 

Nhìn vào số liệu thống kê cho thấy, những địa phương có số hộ phát sinh nghèo cao trong năm nay là huyện Đăk Glei, Ia H’Drai, Đăk Hà; những địa phương có hộ tái nghèo cao là Đăk Glei, Ngọc Hồi, Kon Plông.

Xét trên phương diện khách quan, phần lớn những địa phương có số hộ nghèo phát sinh và số hộ tái nghèo cao đều có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều, địa hình cách trở, đường sá đi lại khó khăn, điều kiện khí hậu không thuận lợi...

Lấy đơn cử từ huyện Đăk Glei, địa phương đứng đầu cả về số hộ nghèo phát sinh và số hộ tái nghèo năm nay. Huyện có tới 11 xã là xã đặc biệt khó khăn vào diện đầu tư của Chương trình 135 (Quyết định số 204/QĐ-TTg ngày 1/2/2016). Năm 2017 này, khó càng thêm khó, khi tính riêng ảnh hưởng cơn bão số 12, ngoài nhiều tuyến đường sạt lở, ách tắc, ở Đăk Glei còn có nhiều nhà dân, trường học bị tốc mái; cây cối, mùa màng bị hư hại…

Đã thế, cuối năm, người dân ở huyện Đăk Glei nói riêng và các địa phương khác trong tỉnh như Tu Mơ Rông, Kon Plông lại gánh chịu đợt giá rét. Nhiệt độ xuống thấp, mưa phùn kéo dài nhiều ngày, đường sá đi lại khó khăn… cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất của bà con.

Mà bà con vùng sâu, vùng xa ở Đăk Glei nói riêng, ở các địa phương khác trong tỉnh nói chung, nguồn thu nhập của gia đình hầu như chỉ trông chờ vào sản xuất nông nghiệp. Nhưng rồi, giá rét, con trâu, con bò… chết; mưa bão, cây lúa, cây cà phê… hư hại. Đã thế, bà con cũng không nằm ngoài vòng xoáy mất mùa, mất giá (đó là chưa kể đường sá khó khăn, khó vận chuyển, tư thương ép giá)… nên nghèo lại càng nghèo thêm.

Bởi vậy mới có chuyện, có những hộ năm trước vừa thoát nghèo nhưng lại không có cách nào để tạo thu nhập nên năm sau lại rơi vào cảnh tái nghèo. Có những hộ đang ở mức trung bình thì sau một cơn bão, sau một vụ mất mùa… đã trở thành hộ nghèo phát sinh mới.

Thiếu bền vững

Những con số biết nói: 2.110 hộ phát sinh nghèo mới, 181 hộ thoát nghèo rồi tái nghèo cho thấy công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh chưa thật sự bền vững.

Nguyên nhân tái nghèo, phát sinh nghèo năm 2017 được Sở LĐTB&XH đưa ra là do tách hộ, hộ không có lao động (bệnh hiểm nghèo, già yếu, tai nạn giao thông), hộ gia đình thuộc diện di dân tái định cư nhưng chưa được bố trí đất ở, ảnh hưởng thiên tai, lũ lụt…

Nói cách khác, nghèo lại hay gặp cái eo. Nghèo lại thường ăn không đủ chất, mặc không đủ ấm nên hay ốm đau, bệnh tật; nghèo thường không có điều kiện để cho con cái đến lớp nên hay thất học, thiếu hiểu biết. Đã thế, khi nghèo, nhà cửa, cuộc sống thường tạm bợ, chỉ cần có bão, có lũ… là trở nên trắng tay.

Ảnh hưởng thiên tai, rủi ro dẫn đến tái nghèo, phát sinh nghèo là sự thật và bất khả kháng. Tuy nhiên, ngoài nguyên nhân khách quan đó, còn có nguyên nhân chủ quan cũng cần nhìn nhận nghiêm túc là việc giảm nghèo lâu nay chủ yếu dựa vào ngoại lực – tức là sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước mà thiếu đi nội lực – tức là ngay từ phía người dân. Mà một khi người dân thiếu đi sự nỗ lực, thiếu đi ý thức vươn lên thì thoát nghèo rồi tái nghèo, phát sinh nghèo cũng là điều dễ hiểu.

Hơn nữa, ranh giới giữa nghèo - thoát nghèo – phát sinh nghèo khá mong manh. Có những hộ gia đình theo chuẩn đã thoát nghèo nhưng trước  biến động của giá cả, của khí hậu… làm cho chất lượng cuộc sống không được cải thiện và không có tích lũy.

Đã thế, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước tập trung chủ yếu vào hộ nghèo; trong khi đó, khoảng cách giữa các hộ nghèo - cận nghèo - thoát nghèo không đáng là bao, nên chỉ cần gặp biến động về kinh tế, gặp chút rủi ro trong cuộc sống, những hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình sẽ trở thành đối tượng hộ nghèo phát sinh mới.

Bên cạnh đó, tâm lý trông chờ, ỷ lại cũng khiến cho hộ nghèo khư khư giữ “danh hiệu” nghèo, hộ thoát nghèo muốn quay lại nghèo để được nhận hỗ trợ cây, con giống, được vay vốn ưu đãi, được nhận quà dịp lễ, tết, đau ốm đỡ tốn tiền, con đi học đỡ tốn tiền mua sách, vở….

Và một khi hộ nghèo thiếu ý thức vươn lên, thiếu công việc làm, thiếu nguồn thu nhập ổn định thì cho dù địa phương có thường xuyên hỗ trợ vào dịp lễ, tết, cho vay vốn ưu đãi làm ăn, cử tham gia các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt… cũng chỉ là chia sẻ những thiếu thốn mang tính nhất thời mà thôi.

Và nếu chỉ trông chờ từ nguồn hỗ trợ đó, hộ nghèo năm nay có thoát được nghèo thì năm sau, năm sau nữa cũng dễ dàng tái nghèo, khó mà khấm khá được.

Cha ông ta vẫn nói, giúp ngặt chứ không thể giúp nghèo. Nhưng, người nghèo khi nào cũng vậy, luôn thiếu nhiều thứ và luôn cần giúp đỡ nhiều thứ. Họ cần sự quan tâm hỗ trợ để vượt qua “ngặt” và họ cũng cần được hướng dẫn, giúp đỡ tạo sinh kế để tự nỗ lực vươn lên thoát được “nghèo” một cách bền vững.

Nguyên Phúc

Chuyên mục khác