Nói không với “chạy chức, chạy quyền”

08/10/2019 06:02

Cùng với hàng loạt kiểu “chạy” khác như: “chạy việc”, “chạy án”, “chạy huân, huy chương”, “chạy tuổi”… mà Đảng ta đã chỉ mặt đặt tên từ nhiều năm nay thì “chạy chức, chạy quyền” nếu không được ngăn chặn kịp thời, triệt để sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy.

Quy định về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền (Quy định 205-QĐ/TW) vừa được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ký ban hành đã nhận được quan tâm, đồng tình, ủng hộ và cả sự tin tưởng, kỳ vọng của đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân trong cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh nói riêng.

Đồng tình, ủng hộ bởi Quy định này với việc nhận diện rõ các biểu hiện “chạy chức, chạy quyền” sẽ chấn chỉnh, ngăn chặn những cán bộ thoái hóa, biến chất, “chạy” vì mưu lợi cá nhân, lợi ích nhóm, đi ngược lại bản chất của Đảng và đảng viên. Đặc biệt, vào thời điểm này, khi toàn Đảng đang tích cực chuẩn bị đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIII thì Quy định 205 càng có ý nghĩa thiết thực, càng khẳng định quyết tâm không để lọt những người “chạy chức, chạy quyền” vào cấp ủy khóa mới.

Vững tin và kỳ vọng vì Đảng ta không có chuyện “xấu che, tốt khoe” mà luôn thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm, những vấn đề cần phải chỉnh đốn. Điều này, một lần nữa cho thấy, nhìn thẳng vào sự thật, đối diện với sự thật, để tìm ra cách giải quyết hiệu quả nhất - đó là thái độ cầu thị, sự kiên trì, kiên quyết, trách nhiệm, là bản lĩnh, là cách tiếp cận khoa học của Đảng ta với quyết tâm xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì một cuộc họp của Bộ Chính trị. Ảnh: TTXVN

 

Cũng dễ hiểu, lâu nay, chạy chức, chạy quyền không dừng lại ở những câu chuyện phiếm trong lúc trà dư tửu hậu mà đã được đưa lên truyền thông, bàn nghị sự. Không né tránh, không che giấu, liên tục qua các Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI), Hội nghị Trung ương 4, 7 (khóa XII)…, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra hàng loạt kiểu chạy, trong đó đáng quan ngại nhất là tình trạng chạy chức, chạy quyền. Và không chỉ chỉ ra, rất mừng và vững tin là khi không có “vùng cấm”, “vùng tránh”, thì hàng loạt những vụ việc “bổ nhiệm thần tốc”, “cả họ làm quan”, “chạy chức, chạy quyền”…ở các ngành, các địa phương trong cả nước đã, đang dần lộ diện và bị xử lý theo đúng quy định.

“Chạy chức, chạy quyền” là cơ hội chính trị, phần nào phản ánh đạo đức, lối sống của chính cán bộ, đảng viên đó. “Chạy” để được bổ nhiệm lên chức vụ cao hơn, “chạy” để đảm nhận công việc ở vị trí như ý, quyền lợi “màu mỡ” hơn… Nhờ “chạy chức, chạy quyền” mà có người đường thăng tiến như diều gặp gió. Nhưng, dẫu xầm xì, dẫu chuyện phiếm, chỉ ra thì không phải là chuyện dễ.

 Hàng loạt các cụm từ: “Con cháu các cụ cả”, “Nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ, bốn trí tuệ”… được nhắc nhiều đến mức chạnh lòng, không chỉ tạo ra những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong công tác cán bộ mà còn dư luận không tốt trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Và để bao biện cho “chạy chức, chạy quyền”, “đúng quy trình” là cụm từ thường được nhắc đến. Nhưng, “đúng quy trình” có mang lại hiệu quả hay chỉ nhằm biện minh cho những việc làm tắc trách mang lại lợi ích cho một nhóm, một số đối tượng lại là chuyện khác.

Vì thực tế từ “chạy” đến được bổ nhiệm, được luân chuyển đúng vào vị trí mong muốn, dẫu “đúng quy trình” nhưng lại có bao lời ra tiếng vào, bao dị nghị khi bỏ quên căn cứ vào năng lực, phẩm chất của cán bộ? Nhà nước ta là “do dân, vì dân” nhưng nếu cán bộ thiếu năng lực, thiếu phẩm chất thì liệu có đủ sức để thực hiện? Và cho dù “đúng quy trình” nhưng chỉ phù hợp với những người cùng phe nhóm để ngăn cản việc đề bạt những người có tài, có đức nhưng không cùng phe cánh, để vô hiệu hóa những cáo giác tham nhũng, tiêu cực liệu có mang lại hiệu quả công việc chung?

Khi cán bộ, đảng viên thiếu mực thước, “chạy” một cách cơ hội không thể “che” được “tai mắt” của Đảng là nhân dân, khiến giảm sút niềm tin, tạo nên dư luận xấu trong xã hội. Mà một khi người dân mất niềm tin vào một số cán bộ, đảng viên cụ thể cũng sẽ dễ dẫn đến quy chụp, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng.

Bởi vậy, sẽ rất sai lầm khi coi “chạy chức, chạy quyền” là chuyện phiếm. .. Những câu chuyện phiếm đó đang phản ánh thái độ của nhân dân, đang quyết định lòng tin của nhân dân với Đảng. Nên cùng với hàng loạt kiểu “chạy” khác như: “chạy việc”, “chạy án”, “chạy huân, huy chương”, “chạy tuổi”… mà Đảng ta đã chỉ mặt đặt tên từ nhiều năm nay thì “chạy chức, chạy quyền” nếu không được ngăn chặn kịp thời, triệt để sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Một đảng mà giấu khuyết điểm của mình là một đảng hỏng. Một đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một đảng tiến bộ, mạnh mẽ, chắc chắn và chân chính”. Bởi vậy, với Quy định 205 của Bộ Chính trị đã cho thấy Đảng đã nhận ra, chỉ ra, vạch ra được thực trạng “chạy chức, chạy quyền” tồn tại âm ỉ bấy lâu nay và thể hiện quyết tâm của Đảng trong việc chỉ đạo thực hiện phòng, chống tham nhũng, kiểm soát tiêu cực trong công tác cán bộ, nhằm làm trong sạch đội ngũ của Đảng, củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân.

Thời nào cũng vậy, muốn dân giàu, nước mạnh đều phải lo tìm người đủ tài, đủ đức, có năng lực, có trách nhiệm để gánh vác công việc chung. Quy định đã có. Vấn đề còn lại là để thực hiện hiệu quả Quy định này, các tổ chức đảng, cấp ủy, cơ quan, đơn vị và mỗi cán bộ, đảng viên trên địa bàn tỉnh cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, ngăn chặn kịp thời những hành vi liên quan và nói không với “chạy chức, chạy quyền”.

Nguyên Phúc

Chuyên mục khác