Nhớ về Bác lòng ta trong sáng hơn

16/05/2023 06:15

Kỷ niệm 133 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2023) là dịp chúng ta bày tỏ sự biết ơn, trân trọng với những đóng góp của Người cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc và cùng nhìn nhận về quá trình học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác.

Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ vĩ đại, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, suốt cả cuộc đời Người đã cống hiến, hy sinh cho nền độc lập, tự do của dân tộc, mang ấm no, hạnh phúc, hoà bình cho nhân dân ta. Tuy Bác đã đi xa, nhưng tên tuổi và sự nghiệp của Người còn mãi với non sông, đất nước ta. Người để lại cho Đảng ta, nhân dân ta, các thế hệ hôm nay một di sản vô cùng quý báu là tư tưởng, tấm gương đạo đức và phong cách của Người. Vì vậy, mỗi người Việt, dù ở thế hệ nào vẫn luôn ghi nhớ, biết ơn đối với những công lao, sự hy sinh to lớn của Bác.

Kỷ niệm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh là dịp để nhân dân tưởng nhớ công ơn của Người. Trong dịp này, các cấp, các ngành, địa phương tổ chức rất nhiều hoạt động nhằm tôn vinh những cống hiến vĩ đại của Người đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, thể hiện lòng thành kính tưởng nhớ, tri ân sâu sắc đối với vị Chủ tịch kính yêu của dân tộc.

Khen thưởng các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Ảnh: Trần Văn Phúc

 

Những năm qua, việc quán triệt và triển khai học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được toàn hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh tổ chức nghiêm túc. Các cấp ủy đảng, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức viên chức, quần chúng nhân dân ngày càng thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người đã trở thành ý thức tự giác, trách nhiệm, niềm tự hào của mỗi người.

 Đặc biệt, từ năm 2021, thực hiện Kết luận 01-KL/TW (ngày 18/5/2021) của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW (ngày 15/5/2016) của Bộ Chính trị về “đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, việc học và làm theo Bác càng ngay lan tỏa và có những chuyển biến mạnh mẽ, rõ nét hơn.

 Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 32-KH/TU (ngày 28/10/2021) thực hiện Kết luận 01-KL/TW và Chuyên đề toàn toàn khóa và hằng năm đều xây dựng kế hoạch học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện. Các cấp ủy đảng đã tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt nghiêm túc Kết luận số 01-KL/TW, chuyên đề toàn khóa của Trung ương, các chuyên đề của tỉnh. Qua đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị và đội ngũ cán bộ, đảng viên công chức, trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu cấp ủy, cơ quan và cán bộ, đảng viên không ngừng phát huy vai trò nêu gương, thể hiện rõ nét phong cách gần dân, sát dân, sâu sát cơ sở, quan tâm giải quyết những vấn đề cấp bách, quan trọng ở địa phương, đơn vị. Tác phong lề lối làm việc của cán bộ, công chức, viên chức ngày càng khoa học, hiệu quả, giữ vững kỷ luật, kỷ cương hành chính.

Việc triển khai học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được thực hiện gắn liền với nhiệm vụ chính trị được giao ở mỗi cấp, mỗi ngành, chỉ đạo giải quyết hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá ở địa phương, đơn vị.

Cụ thể, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành các nghị quyết, chỉ thị về đẩy mạnh cải cách hành chính, thu hút đầu tư, cải cách hành chính, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển du lịch; thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”; gìn giữ và phát huy bản sắc dân tộc, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh.

Cấp ủy các cấp cũng vận dụng tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để lựa chọn những vấn đề trọng tâm, đột phát trên các lĩnh vực kinh tế- xã hội phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Gắn việc học Bác với việc thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của mỗi ngành, địa phương.

Nhờ đó, tình hình kinh tế- xã hội của tỉnh có bước phục hồi tích cực và phát triển ổn định. Trong quý I/2023, tổng sản phẩm trên địa bàn (theo giá so sánh 2010) ước đạt 3.748,6 tỷ đồng, tăng 6,82% so với cùng kỳ năm trước, cao nhất trong khu vực Tây Nguyên và đứng thứ 23 cả nước. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội là 6.047,7 tỷ đồng, tăng 20,9% so với cùng; toàn tỉnh đã có 42/85 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Các chế độ, chính sách bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội được triển khai đầy đủ, kịp thời. Cải cách hành chính được thực hiện đồng bộ, mạnh mẽ; hầu hết các chỉ số quan trọng của tỉnh trong năm 2022 đều có tiến bộ về thứ bậc so với năm 2021, nhất là Chỉ số PCI (tăng 24 bậc). Quốc phòng an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Công tác xây dựng Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị được tăng cường, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, điều hành của Đảng bộ và chính quyền.

 Qua việc học tập và làm theo Bác, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả như: Mô hình “Hòm quỹ tiết kiệm làm theo lời Bác” của Đảng bộ Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh; “Tiếng kẻng học tập”, “Tủ sách Hồ Chí Minh gần gũi và thân thiện” của ngành Giáo dục; “Ngày thứ 5 hướng về cơ sở”, “15 phút thời sự” của Đảng bộ huyện Đăk Glei; “Hũ gạo tình thương” của Đảng bộ huyện Ngọc Hồi; “Con nuôi của đồn Biên phòng” của Đảng bộ Bộ đội Biên phòng tỉnh.

Kỷ niệm 133 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh là dịp mỗi người tưởng nhớ công lao to lớn của Người đối với đất nước, đối với dân tộc. Nhớ về Bác lòng ta trong sáng hơn, qua đó, tiếp tục khơi dậy lòng yêu nước, khát vọng xây dựng đất nước và tỉnh ta phát triển nhanh và bền vững.

Thùy Hương

Chuyên mục khác