Nhà giáo và dạy thêm

21/11/2016 16:00

Nhà giáo và dạy thêm là câu chuyện loanh quanh mãi vẫn chưa có hồi kết. Dù có nhiều văn bản, quy định được các cấp, các ngành ban hành; công tác kiểm tra, giám sát cũng được tăng cường… nhưng dường như dạy thêm, học thêm vẫn đang theo kiểu“trăm hoa đua nở”.

1. Phải thấy rằng, nhu cầu cho con được đi học thêm là có thật. Nhu cầu này phần xuất phát từ truyền thống hiếu học của dân tộc; phần vì tâm lý trọng bằng cấp của xã hội nên ai cũng muốn cho con đi học thêm mới cảm thấy yên tâm hơn về tương lai của con sau này…

Thế nhưng, cái gì cũng có tính hai mặt của nó. Ngoài mặt tích cực của học thêm, dạy thêm là củng cố, nâng cao kiến thức cho học sinh thì nếu dạy và học tràn lan thì cũng sẽ dễ dẫn đến nhiều hệ lụy.

Dư luận đã có không ít ý kiến trái chiều, dạy thêm học thêm nhiều làm suy giảm khả năng tự học, tự suy nghĩ của học sinh. Học sinh cuốn vào dòng học thêm nhiều không có thời gian để nâng cao kỹ năng sống…

Điều đáng buồn hơn cả là khi nhắc đến dạy thêm, học thêm, nhiều người nghĩ ngay đến việc giáo viên ép học sinh đi học để tăng thu nhập cho cá nhân, rồi phụ huynh phải oằn mình trả tiền học đắt cắt cổ vì sợ con bị thầy cô phân biệt đối xử, bị "đì" ở trường…

Nhưng, liệu có phải tất cả các thầy cô giáo đều ép các em học thêm?

Như đã nói nhu cầu học thêm là có thật. Không ít gia đình có nhu cầu cho con đi học thêm với nhiều lý do: Con học yếu, con muốn thi đỗ vào trường chất lượng cao và thậm chí cho con đi học thêm để bớt thời gian chơi điện tử, lêu lổng.

Hơn nữa, với lượng kiến thức trong chương trình hiện nay thì giáo viên khó có thể truyền đạt hết kiến thức trong thời gian của một tiết học. Trong khi đó, đề thi lại có những câu kiến thức cao, cần tư duy nhạy bén… nếu chỉ học chính khóa ở trường khó đáp ứng được yêu cầu bài thi, đặc biệt trong kỳ thi chuyển cấp, đại học hay luyện thi ngoại ngữ để du học…  

Tất yếu là, không lý gì mà phụ huynh và các em không tìm chỗ học thêm để nâng cao kiến thức, có nhiều cơ hội thi đỗ trong các kỳ thi quan trọng (đối với học sinh khá, giỏi) và được hệ thống lại kiến thức, giảng dạy kỹ (học sinh trung bình, yếu). Cũng nhờ những thầy cô giáo dạy thêm có trách nhiệm, tận tụy vậy mà có không ít học sinh từ chỗ yếu kém, mất căn bản đã vươn lên khá, giỏi; có những học sinh giỏi nhờ được bồi dưỡng nâng cao đã vươn lên đạt các thành tích cao hơn trong các kỳ thi học sinh giỏi...

Tất nhiên cũng không thể phủ nhận có những trường hợp học sinh bị phân biệt đối xử ở trường nếu không đi học thêm ngay chính cô giáo mình. Nhưng, nhiều giáo viên bộc bạch rằng có lẽ đó chỉ “con sâu làm rầu nồi canh”. Giáo viên, dù dạy chính hay dạy thêm đều bằng chính chuyên môn và năng lực, hoàn thành đúng nghĩa vụ của một người thầy đúng với những giá trị mà xã hội trân trọng bấy lâu nay. Vì suy cho cùng, có học sinh nào, có phụ huynh nào lại chọn gửi gắm con em cho những giáo viên không uy tín? Thầy cô không có tay nghề vững vàng, chuyên môn không giỏi, phụ huynh có đến xin cho con học, học sinh có muốn học tiếp? Và trong điều kiện mạng xã hội phát triển như hiện nay, nếu giáo viên dạy vì tư lợi thì trước hết sẽ bị trả giá.

2. Đành rằng, mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng không ít người đã đặt câu hỏi, một bác sĩ giỏi được mở phòng mạch tư khám bệnh thì tại sao một giáo viên giỏi lại không thể mở lớp dạy thêm để kiếm sống ngay bằng chính nghề của mình?

Bởi vậy, như một vĩ thanh buồn cho nghề giáo, nhất là những giáo viên có tâm, có tài, muốn kiếm sống bằng đúng chuyên môn, năng lực của mình lại bị “xoay” đủ kiểu, từ kiểm tra đến xử phạt, phê bình, kiểm điểm... Chúng ta đã dày công xây dựng hình ảnh nhà giáo, nhưng chúng ta cũng đang đánh đồng hình ảnh giáo viên dạy thêm với “vấn nạn”, với tiêu cực...

Có người nghĩ tại giáo viên lương thấp nên đi dạy thêm, đó cũng chỉ là một phần nhỏ, nhưng không phải là động cơ lớn nhất. Nếu không có nhu cầu thực sự thì lấy ai để giáo viên dạy? Giáo viên vùng sâu hay giáo viên dạy các môn phụ có dạy thêm?

3. Nhưng, cũng phải thấy rằng, đời sống của giáo viên nói chung và giáo viên trên địa bàn tỉnh nói riêng vẫn còn vô vàn khó khăn. Khó mà có thể kể hết những khó khăn của giáo viên, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa quanh năm mây mù, sương phủ và heo hút gió: cùng với dạy phải đi kèm với “dỗ”, phải xuống các làng để vận động các em đến lớp; chăm lo cho các em từ chuyện học cho đến chuyện ăn, ở trong các lớp học bán trú…

Trong khi đó, mức lương giáo viên được tiếng là cao nhưng ít có thêm các khoản phụ cấp khác; trong khi đó giá cả vùng sâu, vùng xa luôn ở mức cao, gấp 2-3 lần so với vùng thuận lợi nên bù lại chẳng dư dả là bao.

Lương chỉ đủ sống, dạy thêm lại bị cấm và không ít người cho rằng là “vấn nạn” cũng là điểm khiến nhiều thế hệ học sinh khi đứng trước dấu mốc quan trọng chọn ngành, chọn nghề so sánh? Vì cho đến nay, giáo viên chưa phải là nghề trong nhóm có thu nhập cao. Học sinh giỏi ít chọn nghề sư phạm. Và, điều hiển nhiên một khi khó thu hút được những học sinh giỏi và tất yếu sẽ ít  có những sinh viên sư phạm giỏi, những người thầy giỏi. Mà không có thầy giỏi thì chắc chắn cũng sẽ khó có trò giỏi.

Đó là chuyện chọn nghề, còn những người đang trong nghề thì sao? Quay trở lại vấn đề được đặt ra ban đầu: Nhà giáo và dạy thêm. Mức lương của giáo viên tiếng là cao hơn các ngành nghề khác nhưng tổng thu nhập lại không đáng là bao; thưởng tết, thưởng lễ cũng là chuyện hiếm. Gánh nặng nỗi lo cơm - áo - gạo - tiền, một số giáo viên (đặc biệt ở vùng phố thị) sẵn có nghề trong tay mở lớp dạy thêm. Một số giáo viên khác, nếu được, cũng tìm cho mình “nghề tay trái” như: bán hàng online, buôn bán, còn nếu ở vùng nông thôn, thầy cô hết giờ ở trường lo thêm chuyện rẫy vườn…

Loanh quanh chuyện dạy thêm, học thêm, nhiều chuyên gia giáo dục ý kiến, quan trọng là nâng cao nhận thức của chính học sinh, của phụ huynh nên đăng ký học thêm ở đâu, học những môn gì, học như thế nào cho hiệu quả để vừa đảm bảo sức khoẻ vừa có thời gian tự học, thời gian tham gia các hoạt động xã hội...

Cùng với đó, trong số các nguyên nhân dẫn đến “loạn” dạy thêm học thêm có yếu tố lương, thưởng. Chừng nào lương và các khoản phụ cấp cho giáo viên ở mức cao cộng thêm việc giải quyết gốc rễ của một số vấn đề khác: cơ chế, chương trình học, sách giáo khoa, thi cử… thì khi đó “cầu” (học thêm) giảm và cung (dạy thêm) cũng sẽ giảm theo.

Bình Toàn

Chuyên mục khác