Nhà báo và mạng xã hội

19/06/2018 06:59

Một giáo viên khi bị chính đồng nghiệp của mình xúc phạm, trong đêm khuya, đã lên trang facebook cá nhân phản ánh, cầu cứu. Thông tin được chia sẻ chóng mặt, các nhà báo vào cuộc.

Từ câu chuyện mới xảy ra ngay trên địa bàn tỉnh hồi tháng 4 mới đây, chưa nói đến đúng sai, nhưng đã cho thấy trong thời đại ngày nay, ai ai cũng có thể trở thành “người đưa tin”. Hay nói một cách ví von hơn, sang trọng hơn, chỉ cần chiếc điện thoại thông minh, máy tính bảng, sóng wifi, 3 G, mỗi người dùng mạng xã hội đều trở thành một “nhà báo công dân”.

Nếu như trước đây, nhà báo thường là người đầu tiên biết thông tin thì nay qua mạng xã hội, mọi người đều có thể là người đầu tiên biết thông tin. Rồi, nếu như trước đây, sự phản biện chỉ dừng lại ở một vài người có quyền nói, một vài tờ báo nói, còn lại cũng chỉ theo kiểu “trà dư tửu hậu”, “lời nói gió bay”, thì nay mọi người đều có thể thể hiện quyền được bình luận, được phản biện trên trang cá nhân với sự lan tỏa chóng mặt và độ lưu giữ cao.

Câu chuyện cô giáo dạy tiếng Anh chửi học viên là “lợn”, phạt tiền ở Hà Nội hay một nữ công chức ở Hải Phòng với phát ngôn “mạng người không quan trọng” là một ví dụ. Những hành xử, những phát ngôn khiến dư luận dậy sóng, báo chí vào cuộc phản ánh lại bắt đầu từ chính chiếc điện thoại thông minh của một “nhà báo công dân” thấy “chướng tai gai mắt” mà đưa lên mạng xã hội…

Với mạng xã hội, những “nhà báo công dân” không chỉ chia sẻ thông tin của cá nhân mà còn là những chuyện mắt thấy tai nghe trong cuộc sống thường ngày, đến việc bày tỏ thái độ đối với một sự kiện, một nhân vật nào đó. Họ tự do tiếp cận, tự do viết, tự do chuyển tải thông tin, tự do bình luận, tự do đưa hình ảnh trên trang cá nhân – “tòa soạn”của mình. Những thông tin bất ngờ, minh bạch, rộng mở, tính tương tác cao ấy đã khiến bản chất sự việc bộc lộ đa chiều hơn. Và trong ngồn ngộn thông tin đó, tốt có, lành mạnh có, chuẩn xác có, xấu có, thiếu chuẩn xác theo kiểu “thấy cây mà không thấy rừng” có, thậm chí không có chút nào sự thực vì đó là sản phẩm của trí tưởng tượng nhằm mục đích câu like cho vui cũng có…

Với cả hai mặt truyền thông tốt có và xấu có, nhà báo nên ứng xử như thế nào với mạng xã hội? Nhà báo cứ thế mà tham gia bình luận, chia sẻ? Nhà báo cứ thế mà nương theo xu thế mạng xã hội, mà xào, mà xáo, lấy thông tin mà không hề có sự kiểm chứng?

Thực tế cho thấy, sự phát triển của mạng xã hội là tất yếu và trở thành công cụ đa năng trong cuộc sống của tất cả mọi người, nhà báo cũng không ngoại lệ. Trong bối cảnh ấy, nhà báo xem mạng xã hội như một nguồn tin. Nhà báo có thể tìm thấy trong rừng thông tin mạng xã hội những tin tức đắt giá, những đề tài hấp dẫn, thậm chí thiết lập được cả một mạng lưới nguồn thông tin hữu ích…

Và, để khai thác nguồn tin từ mạng xã hội một cách tối đa, nhiều nhà báo không chỉ dừng lại sử dụng một mạng xã hội facebook mang tính phổ quát trên toàn cầu, mà còn thêm cả zalo, instagram…

Nhưng, ranh giới từ thế giới ảo bước ra đời thật, từ đời thật bước vào thế giới ảo dần trở nên mong manh. Nếu người dùng – trong đó có nhà báo không đủ khả năng, không đủ độ tỉnh táo để xử lý lượng thông tin khổng lồ tiếp nhận hàng ngày, sẽ dễ bị lạc hướng, có thể phản ứng, hành động không phù hợp với chuẩn mực.

Sử dụng mạng xã hội như thế nào và sử dụng ở mức nào, tùy thuộc vào trách nhiệm và bản lĩnh của người làm báo. Nếu cứ thế mà a dua, cứ thế mà nương theo xu thế mạng xã hội, nhà báo vô tình tiếp tay cho những thông tin chưa được kiểm chứng bao phủ diện rộng hơn và nâng tầm cao hơn, xa hơn.

Quay trở lại câu chuyện một giáo viên vùng sâu trên địa bàn tỉnh đã cầu cứu ngay trong đêm khuya trên mạng xã hội. Báo chí trên địa bàn tỉnh từ thông tin ban đầu ấy đã xác minh, tìm hiểu sự việc, phản ánh, phần nào giải tỏa được những băn khoăn, trăn trở cho chính giáo viên đó và những người xung quanh.

Vấn đề là, trong bối cảnh thật giả, vàng thau lẫn lộn của không gian ảo, nhà báo với bản lĩnh chính trị của mình làm thế nào để định hướng đúng và định hướng được mạng xã hội. Nói cách khác, nhà báo coi mạng xã hội là nguồn tin nhưng nhà báo không thể xào nấu thông tin từ đó mà phải có sự kiểm chứng, phải gắn chặt với thực tiễn cuộc sống. Như cây xanh bám rễ vào đất, báo chí – nhà báo phải bám vào đời sống để sinh tồn và phát triển.

Nhà báo vì thế cần lắm một mệnh lệnh từ trái tim, cao hơn chuyện công nghệ hay tiện ích, để có hành xử đúng, hành xử đẹp bằng trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của một người làm báo.

 Nguyên Phúc

Chuyên mục khác