Nhà báo cần được tôn trọng và bảo vệ

22/04/2019 13:00

Với vai trò phản biện xã hội, đội ngũ những người làm báo đã không quản ngại khó khăn, gian khổ tiếp cận vấn đề, kịp thời phản ánh một cách trung thực các sự kiện diễn ra nhằm đem đến cho bạn đọc những thông tin chính xác, góp phần định hướng dư luận xã hội.

Tuy nhiên, dù hoạt động đúng trong khuôn khổ pháp luật, thế nhưng không ít nhà báo, trong quá trình tác nghiệp, nhất là khi tiếp cận các đề tài tiêu cực, luôn gặp các rào cản. Không những thế, các nhà báo còn bị uy hiếp, xúc phạm nhân phẩm, đe dọa tính mạng, thậm chí còn bị đập phá phương tiện tác nghiệp, bị hành hung gây thương tích…

Chẳng hạn như vụ việc xảy ra vào ngày 1/6/2018, trong lúc đang tác nghiệp theo đơn thư của bạn đọc về việc tranh chấp đất đai tại xã Công Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An), nhà báo Trần Cường (Trưởng ban Kinh tế, kiêm Trưởng Văn phòng đại diện miền Trung - Tây Nguyên của Tạp chí Hướng nghiệp & Hòa nhập) bất ngờ bị một người lao vào đánh khiến anh bị thương phải nhập viện.

Hoặc là vào ngày 28/2/2019, phóng viên Nguyễn Duy Trung, công tác tại Tạp chí Thương Trường được phân công của tòa soạn đến làm việc với một doanh nghiệp có trụ sở trên đường Nguyễn Cơ Thạch, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội). Khi anh rời văn phòng công ty này và di chuyển bằng xe máy trên đường thì có một chiếc ô tô bám theo sau, áp sát làm anh ngã xuống đường. Ba người trên ô tô nhảy xuống đấm đá anh Trung rồi bỏ đi. Hậu quả, anh Trung bị thương tích phần mềm và hoang mang về tâm lý.

Rồi vào khoảng 7h40 ngày 27/1/2019, khi cùng gia đình ăn sáng tại quán ăn số 38 đường Hồ Quý Ly (tổ 3, phường Nguyễn Trãi, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum), nhà báo Hoàng Đình Chiểu (59 tuổi, phóng viên của Đài Truyền hình Việt Nam, thường trú tại tỉnh Kon Tum) bị hai thanh niên lao vào hành hung. Anh Chiểu được đưa đến bệnh viện để điều trị và được xác định chấn thương mắt trái, mắt tụ máu, chảy máu mũi, gãy thành ngoài xoang, chấn thương phần ngực...

Tìm hiểu nguyên nhân trên thì được biết, trước đó nhà báo Hoàng Đình Chiểu có nhận thông tin liên quan đến việc khai thác đất sét trái phép xảy ra trên địa bàn phường Ngô Mây, thành phố Kon Tum và có điện cho lãnh đạo phường để tìm hiểu thông tin, sau đó bị người lạ đe dọa trong đêm và bị đánh như đã nêu trên…

Đó chỉ là số ít trong rất nhiều các vụ việc nhà báo bị hành hung. Tuy nhiên, việc xử lý các đối tượng hành hung chỉ căn cứ vào mức độ thương tích gây ra, nên hầu hết các đối tượng trực tiếp xâm hại, hành hung nhà báo chỉ bị xử lý bằng các biện pháp hành chính hoặc chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi giám định thương tích đủ phần trăm như quy định của pháp luật (thông thường là tội danh cố ý gây thương tích) là quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe và phòng ngừa…

Nhà báo khi tác nghiệp bị hành hung, không những bị ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng mà hậu quả để lại chính là ảnh hưởng về mặt tâm lý, làm cho nhà báo hoang mang, lo sợ mỗi khi tác nghiệp, và tất nhiên cũng ảnh hưởng không ít đến quá trình tác nghiệp của nhà báo khi tiếp cận vấn đề để khai thác thông tin.

Những hành vi xâm phạm, hành hung nhà báo nếu không xử lý nghiêm, sẽ tạo tiền lệ xấu trong hoạt động báo chí. Các thông tin tiêu cực sẽ bị bưng bít, cái xấu sẽ khó phát hiện, ngăn ngừa kịp thời… ảnh hưởng không nhỏ đến việc định hướng dư luận xã hội cũng như tạo kênh thông tin để cơ quan chức năng kịp thời vào cuộc, can thiệp, thanh tra, điều tra làm rõ…

Thực tế từ trước đến nay, đã có một số vụ việc xâm phạm, hành hung nhà báo, nhưng các đối tượng này chỉ bị xử lý về mặt hành chính vì chưa đủ yếu tố cấu thành tội danh “cố ý gây thương tích”. Từ đó, tạo ra tâm lý coi thường, nhờn pháp luật của một số đối tượng vi phạm pháp luật; và tất yếu sẽ tiếp tục xảy ra các vụ việc tương tự.

Nhà báo ngoài thực hiện vai trò phản biện, định hướng dư luận xã hội, họ còn là những người đã và đang thực hiện nhiều nhiệm vụ không kém phần gian khó, hiểm nguy. Chính họ đã đóng góp không nhỏ công sức, trí tuệ để phê phán những cái xấu, tiêu cực; phản ánh những cái tốt, cái tích cực; bảo vệ Đảng, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, tập thể và nhân dân…

Phóng viên tác nghiệp tại vùng sâu, vùng xa. Ảnh: HT

 

Chính vì vậy, đội ngũ những người làm báo mong muốn nhà báo trong quá trình hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật rất cần được pháp luật xem như những người đang thực thi công vụ và được bảo vệ như những người đang làm nhiệm vụ bảo vệ pháp luật của các cơ quan chức năng khác, để họ yên tâm cống hiến tâm huyết cho nghề, cho công cuộc đổi mới của đất nước, góp phần đưa ra ánh sáng những hành vi tiêu cực, sai trái, đi ngược lại lợi ích của nhân dân và Tổ quốc…

Dương Đức Nhuận

Chuyên mục khác