Ngày Chiến thắng

30/04/2020 06:00

Mỗi năm khi tháng Tư về, dù có chủ ý hay vô tình, tôi đều được thấy, được nghe những câu chuyện đầy ý nghĩa về Ngày Chiến thắng. Và nhận ra rằng, bằng cách này hay cách khác, Ngày Chiến thắng luôn được nhớ đến, luôn là niềm tự hào trong trái tim mỗi người.

Người cựu chiến binh già run run cắm bó nhang vào lư hương trong chiều muộn nơi Nghĩa trang liệt sĩ. Ánh sáng nhờ nhờ soi bóng ông nghiêng nghiêng trước hàng bia, lửa nhang cháy đỏ bỏng tâm can.

Suốt năm năm qua, tôi luôn là người được đi cùng ông để làm “nhiệm vụ thiêng liêng” ấy. 

Tôi gặp ông một cách tình cờ, trong lần đến Nghĩa trang liệt sĩ thắp nhang cho một liệt sĩ, ở ngoài quê, nhà chú chỉ cách nhà tôi mấy con ngõ. Hôm ấy, tôi để ý có một ông già trong bộ quân phục bạc màu đứng nói chuyện rất lâu trước hàng bia mộ. Tiến lại bắt chuyện, cả ông và tôi đều vui mừng khi biết là đồng hương. Ông nói, kể từ ngày nghỉ hưu và theo con trai vào sinh sống ở Kon Tum, ông đều đặn đi viếng Nghĩa trang liệt sĩ vào ngày 27/7 và Ngày Chiến thắng 30/4.

Kể ra, đời ông, đời con cháu ông đều có duyên với miền đất này. Cả quãng đời binh nghiệp dài dằng dặc của mình, phần lớn thời gian ông chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên, bị thương trong trận Đăk Tô-Tân Cảnh... Sau giải phóng miền Nam, ông xuất ngũ, về quê.

Rồi đến đứa con trai cũng theo bước ông vào quân ngũ, đi học, rồi lại được điều về chính đơn vị cũ của ông, đóng quân ở Kon Tum; lấy vợ, sinh con. Khi bà mất, chúng năn nỉ, đón ông vào.

Trở lại vùng đất chiến trường xưa, nơi ông từng hiến dâng một phần máu thịt của mình, việc đầu tiên là ông đi viếng Nghĩa trang liệt sĩ của tỉnh và Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ của đơn vị cũ.

Ngày 30/4/1975, quân Giải phóng tiến thẳng vào Thành phố Sài Gòn, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Ảnh tư liệu

 

Bắt đầu từ đó, ông tích cực liên lạc cùng đồng đội cũ tổ chức các hoạt động giúp đỡ gia đình, thân nhân đi tìm mộ liệt sĩ hoặc thăm viếng nhân ngày lễ tết. Chỉ cần nghe thông tin ở đâu phát hiện mộ liệt sĩ hoặc có gia đình ở tỉnh khác đến đơn vị của con trai liên hệ tìm mộ liệt sĩ là ông tìm đến, gặp gỡ và “xung phong” làm người dẫn đường.

Hàng năm, khi mùa khô đến, ông và đồng đội lại chuẩn bị hành trang thực hiện những chuyến về chiến trường xưa, thăm lại những nơi đồng đội đã hy sinh. Có chuyến đi, ông và đồng đội đã tìm được những thông tin hữu ích để cung cấp cho gia đình, thân nhân liệt sĩ về phần mộ của người thân.

Từ lần gặp ấy, hàng năm, gần đến Ngày Chiến thắng, ông đều hẹn tôi đi viếng mộ liệt sĩ.

Như mọi lần, sau khi thắp nhang xong, ông lại nói chuyện trước hàng mộ chí chạy dài thẳng tắp như những hàng quân. Ngày Chiến thắng là lúc để ông nói lời an ủi người đã khuất. Trong những trận đánh ác liệt, bao nhiêu đồng đội của ông đã ngã xuống; nhiều người đã được đón về quê hương; nhưng cũng còn không ít người, vì nhiều lý do, còn ở lại đây, yên nghỉ giữa nắng gió cao nguyên.

Ngắm hình ảnh ấy, tôi bỗng nhớ lại những dòng thơ sâu lắng như lời tự sự của nữ thi sĩ Đinh Thị Thu Vân: “Nếu không có ngày ba mươi tháng Tư/Em vẫn như thuở nào, sợ tay mình lấm đất/Sẽ không biết tự khuyên mình những lời khuyên nghiêm khắc/Không một lần dám sống hy sinh…”.

Còn nhớ, thế hệ đầu 7x chúng tôi, hầu như bất cứ sinh viên đại học yêu thơ ca nào cũng đều yêu thích những câu chữ như chắt ra từ tâm can trong bài thơ “Nếu như không có Ngày 30 tháng Tư” được sáng tác từ năm 1981 ấy.

Sau này, tôi mới hiểu ra rằng, với những người đã trải qua tất cả những thái cực của cuộc sống, ánh sáng và bóng tối, lụi tàn và tái sinh, sống và còn, được và mất, thì Ngày Chiến thắng chính là ngày được sống, được gặp nhau và được yêu thương.

45 năm trước, khi đoàn quân giải phóng lấm láp bụi đường tiến về Sài Gòn trong ánh nắng phương Nam chói chang, nhiều hãng thông tấn nổi tiếng thế giới dự báo rằng: Giờ cáo chung của Ngụy quyền Sài Gòn đã điểm.

Đúng 11 giờ 30 phút, ngày cuối cùng của tháng Tư năm 1975, những chiếc xe tăng khét mùi thuốc súng húc đổ cổng sắt Dinh Độc Lập, và những lá cờ giải phóng tung bay trên nóc dinh. Giờ này, ngày này, năm này trở thành một trong những thời khắc thiêng liêng nhất của lịch sử đất nước.

Tờ New York Times ra ngày 1/5/1975 đã gọi ngày 30/4/1975 là “ngày lịch sử của thế giới”. Còn hãng thông tấn AFP khẳng định: “Trong năm 1975, sự kiện nổi bật nhất châu Á là sự kiện 30 tháng 4 của Việt Nam, dư chấn rung động địa cầu”. Alain Rusco - nhà sử học nước Pháp đánh giá: “Sự kiện 30/4/1975 ở Việt Nam gây tiếng vang lớn trên trường quốc tế về một dân tộc không chịu khuất phục trước quân thù”.

Cũng ngày này, ở một làng nghèo khuất nẻo của dọc dài miền Trung nắng cháy, bác tôi lặng lẽ thắp nhang trước di ảnh của con mình. Anh ngã xuống ngay cửa ngõ Sài Gòn, chỉ cách thời khắc toàn thắng mấy tiếng đồng hồ. Trong làng cũng có nhiều gia đình thầm lặng sắp mâm cơm lên bàn thờ, mừng Ngày Chiến thắng và tưởng nhớ người thân không thể trở về trong ngày vui đại thắng.

Kể từ đó, 45 năm qua đi, dù là mâm cơm cúng đơn sơ ở mỗi nhà hay  cuộc diễu binh hoành tráng, những chuyện kể rì rầm hay lễ dâng hương linh thiêng, thì đều chung ý nghĩa: nhân dân ta, Tổ quốc ta đời đời ghi ơn những người đã ngã xuống vì độc lập, tự do, thống nhất. Và Ngày Chiến thắng luôn là niềm tự hào bất diệt.

Ngày Chiến thắng cũng là lúc thích hợp nhất để mỗi người Việt Nam nhìn lại những gì mình đã trải qua, đã làm được, cũng là lúc cân nhắc xem mỗi người và mọi người có thể làm gì để cuộc sống tốt hơn, để xây dựng đất nước tươi đẹp hơn.

Và, tôi luôn tin rằng, bằng bản lĩnh, bằng trí tuệ, bằng tình yêu thương, nhân dân ta còn làm nên những chiến thắng như ngày 30/4/1975.

Tôi muốn nói tới một cuộc chiến khác, không tiếng súng nhưng cũng không kém phần cam go, nguy hiểm trong mùa xuân năm 2020: cuộc chiến đấu với kẻ thù mang tên Covid-19. Hai cuộc chiến, hai đối thủ hoàn toàn khác biệt, nhưng tinh thần quyết thắng và thế trận toàn dân dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng vẫn là cội nguồn sức mạnh.

Hồng Lam

Chuyên mục khác