Ngăn chặn sự xuống cấp đạo đức của một bộ phận dân cư

28/12/2016 14:01

Trong một bài trả lời phỏng vấn báo chí gần đây với nhan đề “Vì sao ngày càng có nhiều vụ thảm sát xảy ra”, Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến – Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an - cũng đã cho rằng điều này đang báo động sự xuống cấp đạo đức của một bộ phận dân cư, trong đó nghiêm trọng là sự hủy hoại nhân cách của các đối tượng nghiện ma túy đá.

Cho đến giờ, tôi vẫn rùng mình mỗi khi nhắc đến vụ thảm sát kinh hoàng ở Bình Phước, thủ phạm đã giết hại cùng lúc 6 nạn nhân trong một gia đình để trả thù tình. Dù giờ đây hung thủ đã bị pháp luật trừng trị, nhưng vụ án đã để lại bao nỗi xót xa, thương cảm của xã hội đối với những nạn nhân xấu số đã bị giết hại và sự lên án với hành động phi nhân tính của kẻ thủ ác.

Gần đây, xã hội lại dậy sóng với hàng loạt vụ án ở nhiều tỉnh thành trên cả nước như vụ thảm sát giết hại 4 bà cháu ở Quảng Ninh cướp tài sản; vụ thảm sát giết hại 4 người vì tranh chấp nương rẫy ở Yên Bái, vụ thảm sát 4 người ở Lào Cai để cướp của...

Bên cạnh những vụ thảm sát chấn động xã hội, trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng có những thông tin về các vụ giết người dã man vẫn diễn ra ở đâu đó như: vụ Trưởng công an xã giết cô giáo giấu xác ở bãi rác; vụ án con rể sát hại bố, mẹ vợ ở huyện Bình Chánh (Thành phố Hồ Chí Minh)…

Chính sự dã man, tàn ác của những hung thủ sẵn sàng sát hại người thân, quen của mình càng khiến cho nhiều người phân vân, hoài nghi về đạo đức của một bộ phận con người trong xã hội đang dần xuống cấp?

Trong một bài trả lời phỏng vấn báo chí gần đây với nhan đề “Vì sao ngày càng có nhiều vụ thảm sát xảy ra”, Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến – Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an - cũng đã cho rằng điều này đang báo động sự xuống cấp đạo đức của một bộ phận dân cư, trong đó nghiêm trọng là sự hủy hoại nhân cách của các đối tượng nghiện ma túy đá.

Bước vào thời kỳ hội nhập, bên cạnh những lợi ích mang lại về sự phát triển kinh tế- xã hội thì chính mặt trái của cơ chế thị trường đã có những tác động tiêu cực đến tư tưởng, đạo đức, lối sống trong xã hội làm một bộ phận trong xã hội bị tha hóa về nhân cách. Sự du nhập những sản phẩm không lành mạnh đã tác động vào đời sống văn hóa tinh thần của xã hội, làm suy giảm phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam…

Hướng giới trẻ tham gia các hoạt động ý nghĩa để phát triển lành mạnh. Ảnh: T.Q

 

Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, bên cạnh những thành tựu đạt được, Đảng ta nhận định tình hình trong nước và thế giới có nhiều thay đổi, mặt trái của cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế đã tác động to lớn, sâu sắc đến nhiều lĩnh vực, trong đó có văn hóa. Nhiều giá trị truyền thống văn hóa dân tộc bị xói mòn, đạo đức xã hội có những mặt xuống cấp với nhiều mặt tiêu cực đó là lối sống tự do, thực dụng và coi trọng đồng tiền…

Vấn đề giáo dục đạo đức, lối sống đang là một trong những vấn đề được đề cập nhiều trong xã hội ta hiện nay, cả với cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

Thể hiện tinh thần “đảng viên đi trước”, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” của Đảng được ban hành. Một trong những nội dung quan trọng của Nghị quyết là góp phần kịp thời ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Đây là Nghị quyết được đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đặc biệt quan tâm. Bởi, Nghị quyết đã chỉ rõ 1 trong 3 vấn đề cấp bách nhất trong xây dựng Đảng hiện nay là ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ đảng viên. Việc nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình trong Đảng theo yêu cầu của Nghị quyết được đánh giá, góp phần củng cố hơn niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Ban Bí thư Trung ương Đảng cũng đã ban hành Quy định 101-QĐ/TW quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, trong đó có yêu cầu cán bộ có chức vụ càng cao càng phải gương mẫu. Tiếp đó, tại Hội nghị Trung ương 9 khóa XI đã ban hành Nghị quyết về “Xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”…

Đối với thế hệ trẻ, ngày 24/3/2015, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị 42-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015-2030. Tiếp đó, ngày 28/8/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1501/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015-2020"…

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Đảng ta cũng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam; 1 trong 6 nhiệm vụ trọng tâm của Nghị quyết Đại hội XII của Đảng là “Phát huy nhân tố con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; tập trung xây dựng con người về đạo đức, nhân cách, lối sống, trí tuệ và năng lực làm việc; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh”.

Điều đó cho thấy việc giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống con người Việt Nam không phải là trách nhiệm của một tổ chức, đơn vị nào mà là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Vì vậy, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân các cấp cần nhận thức đúng, đầy đủ tính cấp bách và tầm quan trọng của công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ, từ đó xác định trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân và toàn xã hội đối với công tác này; cùng với các quy định về việc nêu gương, mỗi cán bộ đảng viên, người đứng đầu trong các cơ quan phải gương mẫu để nhân viên, quần chúng cùng học hỏi và làm theo; xây dựng môi trường lành mạnh, tạo điều kiện để thế hệ trẻ học tập, rèn luyện, phấn đấu, trưởng thành; tăng cường phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội, giữa các ban, ngành, đoàn thể trong công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ; đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hiệu quả công tác giáo dục của Đoàn Thanh niên và các tổ chức của thanh thiếu nhi…, hướng giới trẻ tham gia các hoạt động ý nghĩa để phát triển lành mạnh.

Sông Côn

Chuyên mục khác