Nâng cao ý thức, trách nhiệm của lái xe

20/07/2017 07:00

Những ngày cuối tháng 6 và đầu tháng 7, trên địa bàn tỉnh, những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng liên tiếp xảy ra đã cướp đi sinh mạng của nhiều người và khiến nhiều người bị thương. Nguyên nhân đang được các cơ quan chức năng làm rõ, nhưng điều khiến người dân băn khoăn hơn đó là ý thức trách nhiệm của những người lái xe.

Trong các vụ tai nạn, nghiêm trọng nhất phải nói tới vụ tai nạn giao thông xảy vào ngày 30/6 giữa hai xe khách xảy ra trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn xã Đăk Hring (huyện Đăk Hà) khiến 4 người tử vong và 13 người bị thương.

Hẳn những nạn nhân còn sống và những người chứng kiến vụ tai nạn vẫn chưa hết bàng hoàng khi chỉ trong tích tắc, những hành khách đang ngồi trên xe bỗng dưng người chết, người bị thương.

Chiếc xe khách bị biến dạng sau vụ tai nạn thảm khốc xảy ra ngày 30/6. Ảnh: Đ.V

 

Ngày 6/7, cơ quan cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam tài xế của nhà xe Vạn Thành để điều tra làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Phan Anh Tài bị cơ quan Công an khởi tố về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” và nguyên nhân ban đầu được xác định là do lái xe đã không làm chủ được tốc độ, không làm chủ tay lái.

Chỉ sau vụ tai nạn nghiêm trọng này 2 ngày, trong đêm 2/7, trên đường Trần Phú (thành phố Kon Tum), một chiếc xe ô tô bán tải đã tông vào một nữ công nhân môi trường đang quét rác bên lề đường khiến chị tử vong tại chỗ và làm một người đi bộ bị thương cũng khiến cho nhiều người không khỏi xót xa...

Không riêng gì ở Kon Tum, mỗi ngày, trên các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin rất nhiều về những  vụ tai nạn giao thông xảy ra tại các địa phương trên cả nước.

Theo số liệu thống kê của Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia, trong 6 tháng đầu năm 2017, toàn quốc xảy ra 9.593 vụ tai nạn giao thông, làm chết 4.134 người, bị thương 7.935 người. Trung bình, mỗi ngày cả nước có hơn 22 người chết vì tai nạn giao thông.

Hàng loạt vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra gần đây khiến cho nhiều người dân cảm thấy sợ hãi, bất an mỗi khi đi ra đường. Nhiều người đặt ra câu hỏi rằng làm sao để tránh được tai nạn giao thông khi đi xe máy bị tai nạn, ngồi trên xe khách cũng bị tai nạn, đi bộ cũng bị tai nạn và thậm chí đang ngồi ăn trên vỉa hè cũng bị tai nạn...

Tai nạn cứ thường xuyên xảy ra không ai lường trước được; nhưng việc đi lại của người dân thì vẫn phải tiếp diễn hằng ngày, thôi thì đành phó thác cho số phận(!)

Có hàng trăm nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn giao thông. Ngoài các tình huống bất khả kháng thì theo phân tích của Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) qua các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng trên địa bàn cả nước, nguyên nhân chính thường do người điều khiển phương tiện vi phạm quy định về tốc độ và xuất phát là do ý thức của con người.

Nhiều lần chứng kiến những chiếc xe khách lớn, xe tải cồng kềnh lao vun vút ngay trên tuyến đường Phan Đình Phùng trong khu vực đông dân cư của thành phố Kon Tum; trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ các lái xe này cũng tìm cách lấn làn đường, ép các phương tiện đi ngược chiều chỉ vì muốn vượt lên trước; ngay cả những xe khách chạy tuyến ngắn cũng tìm đủ cách chèn nhau để tranh giành khách mà tôi thấy rùng mình ngán ngẩm.

Các lái xe này đã đặt bản thân, hành khách và tất cả những người đang tham gia giao thông khi đó vào những tình huống nguy hiểm nếu không muốn nói là đang đùa với “tử thần” bằng chính hành vi thiếu ý thức khi tham gia giao thông.

Tình trạng lái xe phóng nhanh, vượt ẩu, vượt đèn đỏ, làm việc riêng; có nồng độ cồn vượt mức cho phép khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông... vẫn diễn ra tràn lan.

Đó không đơn thuần chỉ là hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ, mà còn thể hiện thái độ vô cảm, xem thường tính mạng của người ngồi trên xe và của tất cả những người đang tham gia giao thông trên đường.

Hậu quả của những vụ tai nạn giao thông thì ai cũng thấy rõ, người chết, người thương tật vĩnh viễn, người phải ngồi tù. Không ai có thể làm sống lại các nạn nhân chết vì tai nạn giao thông, cũng không ai có thể làm dịu nỗi đau của những gia đình bị mất người thân vì tai nạn giao thông, chưa kể những thiệt hại về kinh tế.

Thảm họa từ những vụ tai nạn giao thông là hồi chuông cảnh báo về ý thức, đạo đức, lương tâm của những người cầm lái. Vì vậy, để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho hành khách, hay người thân khi tham gia giao thông, vấn đề đạo đức, ý thức trách nhiệm người lái xe phải được phải được đặt lên hàng đầu. Và việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xây dựng văn hóa giao thông cho đội ngũ lái xe là việc làm cấp bách, thường xuyên để hạn chế những vụ tai nạn giao thông đáng tiếc xảy ra. 

Nhìn ở góc độ khác, tai nạn giao thông xảy ra nguyên nhân đầu tiên là do lái xe, nhưng cũng không thể bỏ qua trách nhiệm của doanh nghiệp vận tải. Thực tế cho thấy hầu như các doanh nghiệp vận tải mới chỉ quan tâm đến việc đào tạo, quản lý, giám sát đội ngũ lái xe chứ chưa chú trọng đến việc xây dựng văn hóa giao thông cho đội ngũ lái xe của mình.

Mặt khác cũng phải nói rằng, hiện tại vẫn còn có một bộ phận lực lượng Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông chưa làm tròn chức trách, nhiệm vụ trong việc ngăn chặn tai nạn, thậm chí có nhiều trường hợp nhân nhượng, thỏa hiệp với người vi phạm để trục lợi. Điều đó sẽ dẫn đến tình trạng coi thường pháp luật, coi thường những người thực thi công vụ và hệ lụy sẽ không thể lường hết. Do vậy, việc nâng cao ý thức, trách nhiệm công vụ của Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông cũng hết sức cần thiết bên cạnh việc nâng cao ý thức tôn trọng luật pháp của người tham gia giao thông. 

Tai nạn giao thông để lại hậu quả nặng nề cho gia đình và xã hội, do đó việc giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm, xây dựng văn hoá giao thông cho mội người là điều cần thiết hơn bao giờ hết.

Thuỳ Hương

Chuyên mục khác