Nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong phòng cháy, chữa cháy

01/11/2022 06:09

Thời gian qua, trên địa bàn cả nước xảy ra nhiều vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, khiến các cơ quan quản lý và người dân lo lắng. Đây cũng là hồi chuông cảnh báo, cho thấy cần phải nâng cao hơn nữa ý thức, trách nhiệm của mỗi đơn vị, địa phương, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Liên tiếp những vụ cháy quán karaoke, nhà xưởng, cơ sở kinh doanh, ki ốt, nhà dân tại nhiều địa phương trên phạm vi cả nước chỉ trong một thời gian ngắn đã gây nên những hậu quả rất đau lòng.

Theo thống kê của Bộ Công an, trong 8 tháng đầu năm 2022, cả nước xảy ra hơn 1.100 vụ cháy, làm 57 người chết, bị thương 52 người, tài sản thiệt hại ước tính sơ bộ 532 tỷ đồng và 39ha rừng. Ngoài ra, còn có hơn 2.300 vụ sự cố nhỏ liên quan đến cháy nổ. Toàn quốc cũng đã xảy ra 10 vụ nổ  làm 7 người chết, bị thương 11 người.

Trên địa bàn tỉnh ta, từ đầu năm đến nay cũng xảy ra hơn 10 vụ cháy, làm 1 người chết, thiệt hại về tài sản ước tính gần 5 tỷ đồng.

Cháy nổ khiến tài sản tích góp cả đời bỗng chốc bị thiêu thành tro bụi. Nhiều cơ sở, doanh nghiệp bị thiệt hại nặng nề về kinh tế, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh, nhưng đau xót hơn cả là những thiệt hại về người. Điều đó cho thấy, cháy nổ là mối hiểm họa, chỉ cần một chút chủ quan, lơ là hay sơ suất cũng có thể dẫn đến hậu quả khó lường.

Trên địa bàn tỉnh Kon Tum có trên 3.732 cơ sở thuộc diện quản lý Nhà nước về phòng cháy, chữa cháy, trong đó có 1.385 cơ sở do cơ quan Công an quản lý và 2.595 cơ sở do UBND cấp xã quản lý.

Diễn tập phòng cháy chữa cháy tại Chi nhánh Xăng dầu Kon Tum. Ảnh: T.H

 

Những năm qua, mặc dù công tác phòng, chống cháy, nổ luôn được các cấp, ngành quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, song việc chấp hành nghiêm các quy định về đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy còn nhiều bất cập. Nhận thức, hành vi, thói quen về phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn có lúc, nơi còn hạn chế. Người dân còn lơ là, thậm chí coi thường những nguy cơ gây cháy. Thực tế từ các vụ cháy cho thấy, nguyên nhân chủ yếu là yếu tố chủ quan như hệ thống điện không đảm bảo an toàn, sơ xuất bất cẩn trong sử dụng nguồn điện, nguồn nhiệt; còn một phần do thiên tai (sét đánh) gây ra. Khi có sự cố cháy xảy nổ xảy ra, đa số đều lúng túng, kỹ năng xử lý, ứng phó chưa tốt.

Chưa hết, hiện nay, đa phần người dân đang mải lo “chống trộm hơn chống cháy” nên các ngôi nhà thường được gia cố cẩn thận, bịt kín các lối thoát hiểm khẩn cấp. Thế nên, khi xảy ra hỏa hoạn, lực lượng chức năng khó tiếp cận, người trong nhà khó thoát nạn.

Trước những yêu cầu và nhiệm vụ cấp thiết đặt ra, để bảo đảm an toàn tài sản và nhất là tính mạng con người, giảm thiểu thiệt hại do cháy nổ gây ra thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, các ngành, các địa phương tích cực triển khai các giải pháp phòng cháy chữa cháy. Đơn cử, ngày 12/9/2022, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Công văn số 2998/UBND-NC yêu cầu các ngành, địa phương triển khai thực hiện các biện pháp phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn tỉnh. Tiếp đến, ngày 21/10/2022, UBND tỉnh có Công văn số 3539/UBND-NC về việc tăng cường triển khai thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn tỉnh.

Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm được UBND tỉnh đề ra là tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về công tác phòng cháy, chữa cháy; xác định phòng là khâu then chốt, quyết định và người dân phải là trung tâm, chủ thể chính trong phòng, chống cháy, nổ. Khi xảy ra cháy, nổ thì chữa cháy phải kịp thời và phương châm “4 tại chỗ” (lực lượng trong dân, phương tiện trong dân, hậu cần trong dân, chỉ huy trong dân) là trọng tâm.

Đồng thời, các lực lượng chức năng, cơ quan, đơn vị tăng cường triển khai các biện pháp về phòng, chống cháy nổ; tập huấn nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng cho các lực lượng tham gia phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại cơ sở; diễn tập phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phù hợp với tình hình thực tiễn.

Một khi người dân có trách nhiệm và ý thức, nắm được những kiến thức cơ bản về phòng cháy, chữa cháy cũng như cách xử lý kịp thời các tình huống cháy, nổ xảy ra thì công tác phòng, chống cháy nổ sẽ mang lại hiệu quả.

Dự báo trong thời gian tới, nhất là trong thời điểm cuối năm, tình hình cháy, nổ, sự cố, tai nạn sẽ diễn biến phức tạp, khó lường, do đó, cùng với việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân thì công tác thanh tra, kiểm tra cũng cần được siết chặt.

Theo Kế hoạch số 3043/KH-CAT-PC07(ngày 12/10/2022) của Công an tỉnh, từ ngày 15/10- 15/12/2022, các lực lượng chức năng tiến hành tổng rà soát, kiểm tra an toàn về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn tỉnh, nhất là tại các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao, khu vực tập trung đông dân cư sinh sống, khu công nghiệp, chợ, cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí.Qua đó, kịp thời phát hiện và có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục các thiếu sót trong thực hiện quy định về phòng cháy, chữa cháy, đồng thời kiên quyết đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở không bảo đảm an toàn phòng, chống cháy nổ.

Cháy, nổ luôn là mối hiểm họa và thường để lại hậu quả nặng nề về tính mạng con người và tài sản. Công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ là nhiệm vụ thường xuyên, cần thiết nhằm bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân, đồng thời phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đây là trách nhiệm của mỗi người dân, của mỗi tổ chức, đơn vị và địa phương để nâng cao hiệu quả về phòng cháy, chữa cháy, giảm thiểu thiệt hại do cháy nổ gây ra.và từng gia đình trong công tác phòng cháy, chữa cháy.

THÙY HƯƠNG

Chuyên mục khác