Nâng cao hiệu quả phòng cháy và chữa cháy

12/10/2021 13:00

Nâng cao hiệu quả về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) chính là trách nhiệm của mỗi người dân, của mỗi tổ chức, đơn vị và địa phương, góp phần quan trọng trong việc đẩy lùi nguy cơ cháy, nổ.

Ngày 4/10/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh công bố Pháp lệnh quy định việc quản lý của Nhà nước đối với công tác PCCC. Và kể từ đó đến nay, cứ vào  ngày 4/10 hằng năm là Ngày Truyền thống của lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH). Cùng với đó, Luật PCCC ban hành năm 2001 đã quy định lấy ngày 4/10 hằng năm là Ngày Toàn dân PCCC. Cũng vào dịp này, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH tham mưu, đề xuất lãnh đạo Bộ, UBND các địa phương tổ chức các hoạt động về lĩnh vực PCCC nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng về PCCC cho nhân dân.

Cháy, nổ là một trong những nguy cơ để lại hậu quả nặng nề và thương tâm nhất cho mọi người, mọi nhà và toàn xã hội. Bởi, hệ lụy của các sự cố cháy, nổ để lại rất kinh hoàng, không chỉ gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản mà có những vụ còn cướp đi nhiều sinh mạng của cả một gia đình, để lại nỗi đau về tinh thần không chỉ cho chính người thân của họ mà hệ lụy xã hội.

Bởi vậy, công tác PCCC có ý nghĩa và vai trò hết sức quan trọng trong đời sống hàng ngày, nó liên quan mật thiết tới sức khỏe, tính mạng và tài sản của người dân. Chính vì thế, Ngày Toàn dân PCCC chính là dịp để nhắc nhở cho toàn dân biết được trách nhiệm to lớn của mình đối với công tác PCCC nhằm đảm bảo an toàn và nghiêm túc thực hiện các quy định PCCC, hạn chế tai nạn cháy nổ, góp phần xây dựng nước nhà phát triển vững mạnh.

Kiểm tra an toàn PCCC tại nhà máy Thủy điện Ia Ly. Ảnh: D.Đ.N

 

Trong những năm qua, tình hình cháy, nổ tại tỉnh ta tuy ít phức tạp hơn so với các địa phương khác, số vụ cháy xảy ra hàng năm không nhiều, tài sản thiệt hại không lớn. Nhưng trước sự phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh nhà và mức độ đô thị hóa ngày càng cao thì nguy cơ cháy, nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào, bất cứ thời điểm nào và hậu quả không thể lường trước được nên công tác phòng ngừa vẫn là phương án tối ưu nhất.

Theo thống kê của Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (Công an tỉnh), trong 9 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh xảy ra 20 vụ cháy, tăng 8 vụ so với cùng kỳ năm 2020. Tuy các vụ cháy không gây thiệt hại về người, nhưng tổng thiệt hại về tài sản khoảng 984,4 triệu đồng và 27,491 ha rừng. Nguyên nhân chủ yếu của các vụ cháy vẫn là do sự cố, sơ suất trong sử dụng điện, lửa… Điều đó cho thấy, tình hình cháy, nổ trong thời gian qua tuy được kiềm chế, nhưng số vụ cháy vẫn còn tăng.

Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất số vụ cháy, nổ xảy ra trên địa bàn cũng như nâng cao hiệu quả về công tác PCCC trong nhân dân, nhất là trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh, Công an tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp về PCCC, trong đó giao cho Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH chủ động tổ chức triển khai thực hiện tốt phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc gắn với phong trào toàn dân PCCC, chú trọng xây dựng phong trào từ cơ sở.

Theo đó, Phòng Cảnh sát PCCC & CNCH đã có những giải pháp mang tính đột phá để nâng cao hiệu quả về PCCC. Giải pháp trước mắt là đề xuất Bộ Công an, UBND tỉnh quan tâm hơn nữa trong việc bố trí các cơ sở vật chất cần thiết, phương tiện hoạt động cho lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH nhằm đáp ứng yêu cầu tập luyện, chiến đấu trong thực tiễn. Thành lập các Đội Cảnh sát PCCC&CNCH tại khu vực thuộc các địa bàn xa, đảm bảo đủ lực lượng, phương tiện kịp thời cơ động để chữa cháy và CNCH tại địa bàn đứng chân và các địa phương lân cận khi xảy ra cháy, nổ.

Bên cạnh đó, tiếp tục bồi dưỡng, nâng cao trình độ nghiệp vụ cho cán bộ, chiến sĩ thực hiện công tác PCCC&CNCH. Thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng công tác quản lý nhà nước về PCCC&CNCH cho Công an cấp huyện và Công an cấp xã. Quan tâm bổ sung nguồn nhân lực cho lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH đảm bảo thực hiện có hiệu quả công tác PCCC&CNCH trong tình hình mới.

Với phương châm “phòng cháy hơn chữa cháy”, việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về PCCC&CNCH trong các tầng lớp nhân dân và người đứng đầu cơ sở sản xuất, kinh doanh là hết sức cần thiết. Việc tuyên truyền bằng nhiều hình thức, đa dạng, phong phú, làm sao để mọi người dân và người đứng đầu các tổ chức, đơn vị phải hiểu rõ về nguy cơ cháy nổ cũng như tạo thành một thói quen trong sinh hoạt, sản xuất với các biện pháp phòng ngừa hiệu quả.

Bên cạnh đó, tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng PCCC tại chỗ; phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức các lớp tập huấn, phổ biến kiến thức pháp luật, kỹ năng PCCC cho lực lượng bảo vệ các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ, cho đội ngũ cán bộ, công nhân tham gia lao động, làm việc tại các cơ sở, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đảm bảo việc chủ động trong công tác phòng ngừa, phát hiện và tận dụng kịp thời khoảng thời gian ngắn ngủi trong công tác chữa cháy ban đầu khi đám cháy mới phát sinh.

Song hành các giải pháp nói trên, lực lượng PCCC&CNCH chuyên nghiệp tiếp tục thực hiện tốt công tác thẩm duyệt thiết kế và nghiệm thu về PCCC đối với các dự án, công trình; làm tốt công tác hướng dẫn, kiểm tra an toàn PCCC& CNCH; điều tra cơ bản, phân loại cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC; thực tập các phương án chữa cháy và CNCH tại các cơ sở trọng điểm. Nâng cao chất lượng công tác điều tra nguyên nhân vụ cháy, nổ; chất lượng huấn luyện cho cán bộ, chiến sĩ về kỹ, chiến thuật chữa cháy và CNCH đối với các loại hình cơ sở, tình huống sự cố, tai nạn đặc thù. Duy trì công tác thường trực chữa cháy và CNCH 24/24 giờ đảm bảo sẵn sàng về lực lượng, phương tiện để kịp thời chữa cháy và CNCH khi có cháy, nổ xảy ra…

PCCC&CNCH là trách nhiệm của toàn xã hội. Bởi vậy, việc nâng cao hiệu quả về PCCC&CNCH là trách nhiệm của mỗi người dân, của mỗi tổ chức, đơn vị và địa phương. Mỗi hành động thiết thực, ý thức chủ động trong phòng ngừa cháy, nổ của mỗi chúng ta chính là mang lại hiệu quả trong việc PCCC, góp phần đẩy lùi nguy cơ cháy, nổ, để cháy, nổ không còn là hiểm họa cho toàn xã hội.

Dương Đức Nhuận

Chuyên mục khác