Món quà ngày xuân

24/01/2017 08:15

Năm nào cũng vậy, cứ vào dịp tết nguyên đán, khi nhu cầu đi lại, thăm hỏi của người dân tăng cao đã kéo theo đó tình trạng vi phạm trật tự an toàn giao thông, rồi số vụ tai nạn giao thông có chiều hướng gia tăng. Nhẹ thì xây xát, nặng thì mất luôn cả tết vì nằm viện vài ngày, thậm chí bị tàn phế, rồi tử vong.

Nhiều người băn khoăn vì sao chế tài đã có từ lâu và đặc biệt vào các dịp tết lực lượng chức năng đều mở các đợt cao điểm đảm bảo trật tự an toàn giao thông nhưng trên thực tế, tình trạng vi phạm trật tự an toàn giao thông và số vụ tai nạn giao thông vẫn không hề giảm?

Lý giải cho điều này, nhiều người cho rằng cái chính vẫn là tâm lý chủ quan của người tham gia giao thông. Không ít người dù đã được tuyên truyền, được cảnh báo nhưng lại tặc lưỡi: “vui xuân mà” hay “bao người vẫn thế có sao đâu”! Để rồi, khi bị lực lượng chức năng xử phạt thì lại “xuất chiêu” năn nỉ ỉ ôi xin xỏ: “Thông cảm cho anh/chị/em, ngày xuân mà” hay “Lỡ thôi, xin được bỏ qua, đầu năm mà phạt thì anh/chị/em dông cả năm”…

Mủi lòng, nể nang, lực lượng chức năng cũng thầm nghĩ: “Ngày tết phạt người ta tội nghiệp” nên ít nhiều dễ thông cảm, “nhẹ tay” cho các hành vi vi phạm.

Những ngày tết đi đường vì thế mà chúng ta không khó để gặp cảnh phóng nhanh vượt ẩu, đi ngược chiều, vượt đèn đỏ. Không khó để gặp cảnh 3 - 4 người không đội mũ bảo hiểm ngồi trên một chiếc xe máy, cảnh buôn bán lấn chiếm lòng đường, vỉa hè. Lại càng không khó nữa để bắt gặp cảnh nhiều người tham gia giao thông đi chúc tết, hết vào nhà này lon bia, sang nhà kia vài ly rượu, vài nhà vậy là chẳng mấy ai được tỉnh táo. Điều đáng nói là tình trạng này xảy ra ở mọi thành phần, lứa tuổi, mọi địa bàn, từ thành thị cho đến nông thôn, các xã vùng sâu, vùng xa.

Trong khi đó, chỉ cần một lý do, tai họa đã có thể giáng xuống, chứ đừng nói nhiều lý do cùng kết hợp, như vừa có men rượu cùng với vượt đèn đỏ hoặc không mũ bảo hiểm… Một chút bất cẩn của bản thân cộng với sự tùy tiện, cẩu thả mang tính tập thể của những người khác, tai nạn giao thông có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Lấy đơn cử trong 9 ngày Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, trên địa bàn các huyện, thành phố xảy ra 3 vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng làm 3 người chết, 7 người bị thương (so với cùng kỳ năm 2015 giảm 3 vụ, giảm 2 người chết, giảm 1 người bị thương). Qua tuần tra kiểm soát, lực lượng chức năng phát hiện và xử lý 259 trường hợp mô tô, xe máy vi phạm trật tự an toàn giao thông: không có đăng ký xe 171 lỗi, không có giấy phép lái xe 146 lỗi, không đội mũ bảo hiểm 66 lỗi, nồng độ cồn vượt quá mức quy định 38 lỗi, chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện 26 lỗi, lạng lách 22 lỗi…  

Tuy nhiên, những trường hợp bị xử phạt cũng chỉ như muối bỏ biển. Tâm lý “tết mà!” ngay cả từ phía người dân lẫn lực lượng chức năng đã khiến cho tình hình vi phạm trật tự an toàn giao thông tăng cao.  

Chính vì vậy trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu năm nay, lực lượng chức năng đã mở đợt cao điểm, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử phạt trên tuyến và địa bàn trọng điểm với quyết tâm xử lý nghiêm các tr­ường hợp vi phạm Luật Giao thông đ­ường bộ, tránh tâm lý “nể nang”, “nhẹ tay” trong ngày tết. 

Vì, tai nạn giao thông chẳng bao giờ nể nang, nhẹ tay cho bất kỳ một ai. Cùng với sự chủ quan của người dân, chính sự nể nang của lực lượng chức năng cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến một bộ phận thanh thiếu niên và người dân có tâm lý “nhờn luật”, không tuân thủ quy định pháp luật khi tham gia giao thông, đặc biệt là không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, chạy quá tốc độ và vi phạm nồng độ cồn…

Để đảm bảo an ninh trật tự, đảm bảo an toàn giao thông trong dịp Tết Đinh Dậu này, mỗi người dân lẫn lực lượng chức năng không bao giờ được phép lơ là, lơi lỏng, nể nang, thiếu kỷ luật, thiếu trách nhiệm…

Đó là thái độ đúng đắn để bảo vệ sinh mạng bản thân và những người xung quanh. Và, đó cũng chính là món quà ngày xuân ý nghĩa mà người người, nhà nhà đều mong đợi! 

Nguyên Phúc

Chuyên mục khác