Lửa thử vàng

12/11/2018 07:17

Việc lấy phiếu tín nhiệm đã tạo ra được những áp lực nhất định lên cán bộ lãnh đạo, coi như một “cuộc sát hạch giữa nhiệm kỳ”, có tác dụng lớn. Bởi người được tín nhiệm cao sẽ vẫn phải cố gắng để giữ mức độ tín nhiệm cao hơn nữa. Những người có mức độ tín nhiệm thấp thì bắt buộc phải cải thiện, cố gắng để lấy lại sự tín nhiệm cho bản thân.

1. Tôi dám chắc rằng, trong những ngày qua, sự kiện thu hút sự quan tâm của dư luận nhất chính là việc lấy phiếu tín nhiệm đã và đang diễn ra ở các cấp, từ Quốc hội đến tỉnh, huyện, thành phố và xã, phường. Và rõ ràng, hoạt động lấy phiếu tín nhiệm lần này chính là "lửa thử vàng"...

Bạn không tin ư? Hãy ghé vào một quán cà phê bất kỳ nào đó, và đừng bất ngờ khi nghe mấy ông khách đang ngồi nhâm nhi li cà phê đặc sánh bàn về kết quả lấy phiếu tín nhiệm các bộ trưởng.

Đừng vội quan tâm đến những bình luận này nọ, chỉ riêng việc họ có thể nói vanh vách tỷ lệ phiếu tín nhiệm cao, tín nhiệm thấp của bộ trưởng A, bộ trưởng B bao nhiêu là đủ thấy sức hút của sự kiện này rồi.

Như vậy, dù kết quả, chất lượng của hoạt động lấy phiếu tín nhiệm đợt này có thể có những ý kiến khác nhau - do nhìn nhận chủ quan của mỗi người, nhưng về nguyên tắc, đây được coi như một cuộc “lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ”.

Và, sự kiện “lấy phiếu tín nhiệm các chức danh lãnh đạo cao cấp do Quốc hội bầu và phê chuẩn” thu hút sự quan tâm đặc biệt của cả xã hội. Dư luận xã hội chờ đợi, cũng như tin tưởng vào sự khách quan, khoa học và chính xác trong đợt lấy phiếu tín nhiệm ở Quốc hội là lẽ đương nhiên và là điều đáng mừng. Bởi, người dân không hề thờ ơ trước những sự kiện chính trị lớn của đất nước và luôn đặt niềm tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; chứ không như luận điệu rêu rao xuyên tạc của các thế lực thù địch trên mạng xã hội trong thời gian qua.

Sở dĩ đưa vấn đề khách quan lên đầu, bởi người dân mong muốn những lá phiếu không bị chi phối bởi cảm tình, nể nang hay lý do nào đó. Việc nào ra việc ấy, tình riêng là tình riêng, phép công là phép công. Đừng vì tình riêng mà phụ lòng cử tri trông đợi; đừng vì lý do nào đó để mất niềm tin cậy của nhân dân.

Thứ hai chính là tính khoa học. Tôi nghe rằng, cử tri tin vào nhận thức và tiếp cận thông tin. Các đại biểu Quốc hội không chỉ có tri thức để nhận biết những ưu, khuyết điểm của từng vị trí mà còn có nhiều luồng thông tin khác nhau để soi rọi dưới các góc nhìn khác nhau, từ đó có thể “tiếp cận gần chân lý nhất”- nghĩa là độ chính xác của từng lá phiếu rất cao.

Thứ ba là công bằng. Có thể nói, những người công tác ở cơ quan công quyền thường va chạm với nhiều người, do thực tế công việc của họ có tác động trực tiếp, trực diện giải quyết các công việc hằng ngày, nhất là trong các lĩnh vực dân sinh bức xúc như giáo dục, y tế, giao thông, an ninh trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm… Vì vậy, việc đánh giá công bằng rất cần thiết, không chỉ để chỉ ra những mặt hạn chế cần khắc phục, mà còn là sự động viên, khích lệ họ tiếp tục nỗ lực.

Việc lấy phiếu tín nhiệm cũng không chỉ là cuộc “sát hạch” giữa nhiệm kỳ của Quốc hội đối với các chức vụ do Quốc hội bầu và phê chuẩn mà còn là dịp cử tri “sát hạch” các đại biểu Quốc hội và Quốc hội cả về tâm, tầm, trí, đặc biệt là sự khách quan, trung thực, công bằng.

2. Sau Quốc hội, đến địa phương triển khai việc lấy phiếu tín nhiệm. Người dân mong chờ điều gì từ hoạt động "lửa thử vàng" này?

Tôi có một anh bạn thuộc hàng "chức sắc" ở thành phố Kon Tum, nằm trong diện lấy phiếu tín nhiệm đợt này.

Suốt mấy ngày trước khi diễn ra hoạt động lấy phiếu tín nhiệm, tôi cảm nhận rất rõ sự hào hứng xen lẫn hồi hộp từ anh. Và không thể phủ nhận một chút căng thẳng xen lẫn. Anh chia sẻ: Đây có thể coi như một cuộc “sát hạch” giữa nhiệm kỳ.

Chuẩn bị lên "bàn cân", ai mà chẳng căng thẳng, kể cả người được lấy phiếu lẫn người bỏ phiếu - anh nói - Người được lấy phiếu căng thẳng vì không biết tỷ lệ phiếu của mình sẽ như thế nào, nếu phiếu tín nhiệm thấp nhiều, nghĩa là anh làm kém. Người bỏ phiếu thì lo nếu không cẩn thận, đánh giá sai thì sẽ áy náy, vì vô tình phủ nhận nỗ lực phấn đấu và uy tín của cán bộ được lấy phiếu.  

Sau đợt lấy phiếu vừa rồi, qua nhiều kênh thông tin tôi được biết, anh có tỷ lệ phiếu tín nhiệm cao thuộc hàng "đỉnh". Điều dáng mừng là, không cán bộ nào lấy phiếu cùng đợt với anh bị "điểm liệt”.

Tôi rất hiểu tính bạn mình. Qua chuyện trò với tôi, anh luôn bộc bạch “mình là người luôn luôn trực tiếp đối diện và giải quyết công việc nên chịu nhiều áp lực, lại không thuộc mẫu người "Đi nhẹ, nói khẽ, hay cười”, vì trách nhiệm với công việc mình sẽ không ngại va chạm, im lặng để lấy lòng người khác đâu”.

Điều anh mong mỏi là sau cuộc lấy phiếu tín nhiệm sẽ hiểu được "sức mình" đến đâu? Uy tín của mình như thế nào? Năng lực có đáp ứng được yêu cầu công việc?...

Theo dõi suốt nửa nhiệm kỳ qua, bản thân tôi nhận thấy, đã có một nỗ lực rất lớn trong bộ máy công quyền địa phương. Hàng loạt “rào cản” trong thu hút đầu tư đã và đang được dỡ bỏ; nông nghiệp có sự tăng trưởng mạnh; xây dựng nông thôn mới đang trên đà thắng lợi; lĩnh vực tài nguyên môi trường tiếp tục ghi dấu ấn bằng những chủ trương, chính sách hợp lý, hợp lòng dân, góp phần bảo vệ môi trưởng, phát triển bền vững; các chính sách an sinh xã hội được triển khai hiệu quả; an ninh trật tự ổn định, an toàn xã hội được đảm bảo...

Cho nên, thẳng thắn nhìn nhận, tỷ lệ phiếu tín nhiệm cao của các lãnh đạo chủ chốt ở địa phương đã phản ánh khá chính xác, khách quan sự tín nhiệm đối với họ. Đồng thời, cũng thể hiện sự kỳ vọng của nhân dân vào việc giải quyết các vấn đề bức xúc trong xã hội.

Trò chuyện sau khi có kết quả, một cán bộ lãnh đạo chia sẻ rằng: Việc lấy phiếu tín nhiệm đã tạo ra được những áp lực nhất định lên cán bộ lãnh đạo, coi như một “cuộc sát hạch giữa nhiệm kỳ”, có tác dụng lớn. Bởi người được tín nhiệm cao sẽ vẫn phải cố gắng để giữ mức độ tín nhiệm cao hơn nữa. Những người có mức độ tín nhiệm thấp thì bắt buộc phải cải thiện, cố gắng để lấy lại sự tín nhiệm cho bản thân.

          Thành Hưng

Chuyên mục khác