Lối đi cho "nông nghiệp công nghệ"

28/08/2018 13:04

​Khi tìm hiểu để viết về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tôi thường nhận được câu hỏi nhỏ mà lớn: Đến bao giờ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mới đủ sức chiếm lĩnh thị trường, người tiêu dùng chỉ cần ra chợ, siêu thị là có, thay vì chỉ có thể mua... tranh thủ khi du ngoạn Măng Đen? Thật khó để có câu trả lời thấu đáo...

1. Là nhà báo, tôi có may mắn được dự một số hội thảo, hội nghị về lĩnh vực nông nghiệp. Ở đó, quy tụ đủ đại diện từ các cơ quan nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp cho đến nông dân… phần lớn trong số họ được coi là chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp.

Ở đó, người ta bàn luận rất say sưa về “nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao”. Và tôi đã đặt câu hỏi như trên với một cán bộ đầu ngành của tỉnh, khi cả 2 đang thưởng thức ly trà túi lọc dược liệu - một loại cây mà người ta nói rằng, ở Măng Đen trồng còn tốt hơn nơi khác.

Anh bất ngờ hỏi lại: Cậu nhìn nhận thế nào chính sách của tỉnh về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mấy năm qua?

Em nghĩ là chủ trương, chính sách của tỉnh rất phù hợp, cả Tỉnh ủy và HĐND tỉnh đều ban hành Nghị quyết về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao từ giữa năm 2016, với nhiều ưu đãi đầu tư nhằm đánh thức tiềm năng to lớn về phát triển các sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao - tôi trả lời. 

Qua nắm bắt tình hình, bản thân tôi được biết có khá nhiều doanh nghiệp đầu tư dự án quy mô trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Nhưng vì sao những sản phẩm ấy vẫn chưa đến được với bữa ăn của đa số hộ gia đình ở Kon Tum, để rồi chúng ta vẫn phải đau đầu với nông sản không bảo đảm an toàn? - tôi đưa câu chuyện về chủ đề chính.

Cái vướng là ở chỗ - anh chia sẻ - đa phần bà con nông dân vẫn cho rằng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ là chuyện lớn, để "mấy ông nhà nước, doanh nghiệp lo", vì vậy, họ vẫn giữ thói quen, tập quán và tư duy sản xuất cũ, nghĩa là sản xuất theo kinh nghiệm, theo đám đông, không gắn với thị trường.

Bên cạnh đó, vẫn đang tồn tại suy nghĩ giá bán "nông sản công nghệ" phải cao để thu hồi vốn và có lợi nhuận, nhưng giá cao thì lại... ế, không cạnh tranh nổi trong thị trường nông sản hiện nay; "nông sản công nghệ" kén người mua, trong khi nông sản sản xuất theo kiểu cũ thì dễ dàng bán được cho thương lái, không sợ không có đầu ra. 

Đơn cử như chuyện sử dụng phân bón hữu cơ trong trồng rau xanh thôi. Các địa phương đã mất khá nhiều thời gian, công sức, kinh phí để làm cái việc vận động bà con thay thế phân hóa học bằng phân bón hữu cơ và không tiếp tục sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng. Thế nhưng thực tế cho thấy, kết quả vẫn còn rất khiêm tốn, chỉ mới ở mức mô hình trình diễn, chưa thể đi vào "đại trà"".

Muốn nông dân thay đổi thói quen, rõ ràng là một bài toán khó...!

2. Nhưng nói đi cũng phải nói lại. Những dự án đầu tư quy mô hàng trăm hécta, thậm chí hàng ngàn hécta được "tung hô" đã khiến người nông dân có cái nhìn "nhầm lẫn" về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Họ cho rằng, chỉ doanh nghiệp mới có vốn để đầu tư lớn như vậy.

Lối suy nghĩ ấy kìm hãm sự năng động, dám nghĩ dám làm của đa số nông dân đang mong muốn thoát nghèo và vươn lên làm giàu từ mảnh đất của mình, họ không dám mạo hiểm - một cán bộ xã đã than thở với tôi, khi dự định vận động thành lập Tổ hợp tác ứng dụng công nghệ cao trong trồng rau củ quả thất bại.

Gần đây, có một tín hiệu đáng mừng là có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong nông dân, từ những "nông dân trẻ thế hệ 9X” đến các lão nông, nhưng chưa đủ sức hút để họ mạnh dạn thử nghiệm - anh cán bộ xã nhìn nhận. 

Bên cạnh đó, theo anh, còn một "rào cản" lớn, mang tính "gốc rễ", đến phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao năng lực cạnh tranh của "nông sản công nghệ" chính là sản xuất manh mún, nhỏ lẻ.

"Thực tế từ xã tôi thôi, đất của nhà nào cũng nằm rải rác, xen kẽ nhau, bờ dọc bờ ngang, thế thì làm sao đưa máy cày, máy gặt đập vào, rồi tưới tiêu, bón phân theo công nghệ được" - anh kể.

Có nhiều ý kiến cho rằng, tỉnh nên ban hành các chính sách mạnh mẽ hơn nữa nhằm khuyến khích tích tụ ruộng đất xây dựng vùng sản xuất lớn, “dọn đường” cho ứng dụng khoa học công nghệ, các quy trình sản xuất tiên tiến, thúc đẩy sản xuất theo chuỗi giá trị. Tất nhiên, không phải là “cộng đất”, từ mảnh đất nhỏ sang mảnh đất lớn hơn để tăng sản lượng, mà là thay đổi tư duy, từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”, ngay từ nhà quản lý cho đến người nông dân.

Cụ thể hơn, từ thực tế ghi nhận trong thời gian qua, tỉnh và các ngành cần có những hành động quyết liệt, mạnh mẽ thúc đẩy vai trò tiên phong của hợp tác xã nông nghiệp liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp trong tất cả các ngành hàng, các khâu sản xuất đến lưu thông trong mối liên kết chặt chẽ. 

Để thúc đẩy vai trò tiên phong của hợp tác xã thì trước hết, cần thu hút được sự tham gia của nông dân, đồng thời mỗi xã viên cần chủ động kết nối được thông tin thị trường và tự quyết định việc sản xuất của mình. Tức là người nông dân rất cần và phải tiếp cận nguồn tri thức nông nghiệp tiên tiến, nông nghiệp 4.0. Không chỉ đơn thuần sản xuất mà cần trở thành chủ thể tham gia và làm ra chuỗi giá trị gia tăng để mang lại lợi nhuận cho chính mình.

Như trong cuộc trò chuyện bên lề buổi ra mắt Liên hiệp Hợp tác xã nông -công nghiệp xanh Kon Tum, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Tháp cho rằng, nghĩa vụ của Nhà nước là giúp nông dân nâng cao năng lực và cung cấp nhiều nhất thông tin cho nông dân, cùng nông dân thảo luận, còn bà con nông dân cần hình thành tư duy sản xuất lớn, ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất, sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế, tư duy quản trị tiên tiến mới có thể theo kịp xu hướng của thời đại...

Thành Hưng

Chuyên mục khác