“Lò chống tham nhũng” đang hừng hực cháy

19/11/2018 07:03

​Khi lò đã nóng lên thì củi tươi cũng phải cháy và chẳng ai có thể đứng ngoài cuộc - câu nói đầy hình ảnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã và đang trở thành hiện thực, khi cuộc chiến tham nhũng đến hồi quyết liệt, nhân dân ngày càng tin tưởng vào quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong việc đẩy lùi tham nhũng - loại “giặc nội xâm” đang làm “suy yếu quốc gia” và xói mòn niềm tin xã hội...

1. Những ngày này, dư luận xã hội đang đặc biệt quan tâm đến diễn biến phiên tòa xét xử sơ thẩm ông Phan Văn Vĩnh (cựu Trung tướng, cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an) và 91 bị cáo trong vụ án "Sử dụng mạng internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản; Tổ chức đánh bạc; Đánh bạc; Mua bán trái phép hóa đơn; Rửa tiền; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Ngay trong sáng 12/11, khi phiên tòa bắt đầu, một cựu chiến binh ở xã Đoàn Kết mà tôi quen biết trong đợt tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND 2 cấp mới đây đã gọi điện cho tôi bày tỏ phấn khởi khi "đại án" được đưa ra xét xử công khai, được báo chí đưa tin chi tiết.  

Tôi thường xuyên theo dõi báo, đài và nhận thấy rất rõ, Đảng đang quyết liệt chống tham nhũng, minh chứng là nhiều vụ án tham nhũng lớn được đưa ra ánh sáng thời gian qua. Bằng những hành động đó, Đảng ta đã lấy lại được niềm tin của xã hội, nhân dân càng tin tưởng vững chắc vào sự lãnh đạo của Đảng - ông phấn khởi.

Điểm lại từ năm 2017 đến nay, có nhiều "đại án" được đưa ra xét xử công khai; các sai phạm tại Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, Tập đoàn Hoá chất Việt Nam… đều được công bố và xử lý theo pháp luật; nhiều cá nhân từng giữ các chức vụ lãnh đạo cấp cao trong bộ máy Đảng, Nhà nước khi có sai phạm đều được xử lý đúng người, đúng tội danh, “không có vùng cấm” trong đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng. Những cá nhân sai phạm, tùy theo mức độ vi phạm mà bị các hình thức xử lý như khiển trách, cảnh cáo, cách chức (hay miễn nhiệm), truy tố…

Hàng loạt cán bộ giữ các chức vụ cao trong bộ máy Đảng, Nhà nước đã bị xử lý như Hồ Thị Kim Thoa, Trịnh Xuân Thanh, Nguyễn Xuân Anh, Đinh La Thăng… cho thấy quyết tâm chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước ta.

Những vụ việc nêu trên là minh chứng điển hình cho quan điểm không có “vùng cấm” trong xử lý các vụ tham nhũng, được khẳng định rõ trong các nghị quyết của Đảng. Qua đó, phần nào giải tỏa những bức xúc bấy lâu của nhân dân về những việc “ngang tai trái mắt”.

Đúng như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói, cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy. Lòng dân thực sự phấn chấn, thấy Đảng mạnh hơn, thấy tin tưởng hơn khi Đảng đã châm lửa cho “lò chống tham nhũng” bốc cháy, giúp mọi người bỏ củi tươi, củi khô vào để đốt sạch tham nhũng - người cựu chiến binh đã kinh qua 2 cuộc kháng chiến xúc động nói.

Xin được nói rõ thêm, “lò nóng”, “củi tươi” là những hình ảnh ấn tượng được nhắc đến trong phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên họp thứ 12, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng. Hình ảnh về một cái lò đã nóng lên khiến cả “củi tươi” cũng cháy, không chỉ trở thành biểu tượng của sức mạnh, khí thế hừng hực chống tham nhũng, mà nó còn là niềm tin chiến thắng của toàn Đảng, toàn dân trong cuộc chiến chống tham nhũng.

Hình ảnh và khí thế đó đã và đang tiếp tục lan tỏa, thấm nhuần trong cả hệ thống chính trị, trong các tầng lớp nhân dân, đem đến niềm tin sâu sắc rằng, công cuộc phòng chống tham nhũng nhất định sẽ thắng lợi, góp phần đưa đất nước tiến lên, thực hiện tốt hai nhiệm vụ chiến lược “xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”, vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

2. Báo chí đưa tin, ngày 14/11, Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt đối với 3 bị can liên quan đến dự án Ethanol Phú Thọ nghìn tỷ về tội "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng".

Cũng trong ngày 14/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) khởi tố bị can, bắt ông Cao Duy Hải (cựu Tổng giám đốc MobiFone) và bà Phạm Thị Phương Anh (Phó tổng giám đốc) cùng về tội "Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng".

Trước đó, ngày 9/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) khởi tố, ra lệnh bắt, khám xét với ông Lê Bạch Hồng - nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nguyên Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".

Liên tục những vụ việc bị phanh phui, liên tục những người "có tiền, có quyền" bị "gọi tên". Có một điểm chung là, khi bị khởi tố, bắt tạm giam, những cá nhân này đều đã rời khỏi chức vụ, dù vì lý do này hay lý do khác, có người đã nghỉ hưu.

Qua những vụ việc ấy cho thấy: Khi lò đã hừng hực cháy thì không còn chuyện "hạ cánh an toàn". Dù chuyển công tác hay về hưu, nếu có sai phạm vẫn phải chịu trách nhiệm.

Đơn cử như trong vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Bảo hiểm xã hội Việt Nam, khi bị bắt tạm giam, ông Lê Bạch Hồng đã nghỉ hưu.

Nói theo ngôn ngữ dân gian là ông Lê Bạch Hồng đã "hạ cánh", và nếu như trước đây, khi đã “hạ cánh” thì tất nhiên sẽ “an toàn”. Khi ấy, hầu hết đều có thế “ăn ngon, ngủ yên”, không phải lo lắng gì dù, tội lỗi có lớn, có nặng đến đâu.

Hóa ra, ông Lê Bạch Hồng bị bắt vì hàng loạt sai phạm tại Bảo hiểm xã hội Việt Nam từ 6 năm trước, cái thời ông còn làm Tổng Giám đốc. Khi ấy, ông Hồng đã bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương thi hành kỷ luật Đảng bằng hình thức Khiển trách, sau đó nghỉ hưu (tháng 3/2014).

“Lò chống tham nhũng” lại tiếp tục hừng hực cháy. Với cách làm này, những kẻ tham nhũng sẽ “ăn không ngon, ngủ không yên”  bởi những lỗi lầm họ gây ra, chứ không còn chuyện “hạ cánh an toàn” nữa. Tôi tin rằng, mỗi sáng thức dậy những kẻ tham nhũng đều lo lắng vì không biết mình sẽ thành “củi” lúc nào. Và, đó chính là bài học răn đe hiệu quả với những ai “có chức, có quyền” đang có ý định “đục khoét của công”.

Đúng như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã từng trả lời cử tri rằng: “Sai đến đâu, xử đến đó”. Hôm nay phát hiện sai phạm này thì xử mức này, ngày mai phát hiện sai phạm tiếp thì xử lý tiếp, kể cả khi đã chuyển công tác, nghỉ việc hoặc nghỉ hưu.

Ngọn lửa đó đã lan từ Trung ương xuống địa phương, tạo sự phấn khởi và tin tưởng trong nhân dân. Giờ đây, người dân càng tin tưởng khi “lò đã nóng”,  thì mọi “củi tươi”,  “củi to”, “củi nhỏ" đều cháy. Có thể sẽ còn nhiều “củi” nữa sắp sửa cháy.

Và khi đã có lòng tin của nhân dân thì chúng ta sẽ có tất cả!

          Thành Hưng         

Chuyên mục khác