Liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị

03/04/2019 17:25

Trước yêu cầu thời kỳ hội nhập kinh tế, sản xuất nông nghiệp ở một địa phương hay thậm chí một quốc gia cần phải có sự liên kết với nhau trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Việc làm này không những giúp người nông dân, hợp tác xã hay doanh nghiệp... xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn góp phần ổn định đầu ra cho sản phẩm và tạo ra giá trị gia tăng cao.

Thấy được tầm quan trọng của việc sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, tăng cao giá trị thu được trên cùng một đơn vị diện tích, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, trong những năm qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh ban hành những chủ trương, chính sách để giúp người nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp... liên kết với nhau trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. 

Theo ông Trần Văn Chương - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, thực hiện chủ trương đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, UBND tỉnh ban hành Quyết định 39/QĐ-UBND ngày 12/1/2018 về kế hoạch liên kết sản xuất, tiêu thụ một số sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đây là một trong những chủ trương lớn của tỉnh trong việc tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất lớn, chuyên sâu, bảo đảm kiểm soát cả đầu vào - đầu ra trong sản xuất nông nghiệp gắn kết giữa sản xuất với tiêu thụ, từng bước hình thành chuỗi liên kết giữa sản xuất - chế biến và tiêu thụ, đáp ứng nhu cầu kiểm soát, truy xuất nguồn gốc nông sản nghiêm ngặt của thị trường thế giới. Từ đó nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, tạo nền tảng vững chắc trong sản xuất, hướng đến phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững, nâng cao đời sống của người nông dân…

Sản xuất củ quả an toàn ở Măng Đen. Ảnh: V.N

 

Việc thực hiện kế hoạch đặt ra mục tiêu tổ chức lại các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi theo hướng đẩy mạnh các hình thức tổ chức sản xuất theo mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã, liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân để thực hiện liên kết sản xuất quy mô lớn, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm. Đồng thời, theo đó hình thành cơ chế liên kết giữa các chủ thể tham gia mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm gắn với thị trường, bảo đảm an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ và xây dựng thương hiệu sản phẩm; kết hợp hài hòa giữa lợi ích và sự phát triển của các chủ thể góp phần cải thiện điều kiện về sản xuất, tiêu thụ sản phẩm ổn định, bền vững.

Trên cơ sở này, tỉnh xây dựng 9 chuỗi liên kết theo tiêu chí cánh đồng lớn với các sản phẩm cà phê vối, cà phê chè; rau củ quả; dược liệu, mì, mía; cây thức ăn chăn nuôi, lúa, gạo (lúa gạo đỏ Măng Đen); chanh dây và các sản phẩm đặc thù của địa phương.

Được sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương, bước đầu, một số hợp tác xã, doanh nghiệp liên kết với nông dân trong sản xuất và cho ra đời một số sản phẩm như: rượu vang sim rừng, rượu hồng đảng sâm, nước ép trái sim rừng, nước ép chanh dây, nước chiết sâm dây, cà phê túi lọc DakMark, cà phê hòa tan 3in1 DakMark, cà phê bột Sáu Nhung... Trong đó, bước đầu đã có nhiều sản phẩm được người tiêu dùng tín nhiệm và có mặt ở thị trường trong, ngoài nước.

Liên quan đến liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, UBND tỉnh có Quyết định số 1392/QĐ-UBND ngày 12/12/2018 ban hành Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030.

Để đẩy mạnh thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm nhằm khai thác có hiệu quả các lợi thế so sánh, tạo ra nhiều việc làm, góp phần phát triển kinh tế nông thôn, đòi hỏi các hợp tác xã, doanh nghiệp phải liên kết với nông dân sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Trong giai đoạn 2018-2030, tỉnh quy hoạch phát triển 138 sản phẩm (gồm 108 sản phẩm nông lâm, thủy sản, dược liệu; 10 sản phẩm phi nông nghiệp đặc trưng như vải may mặc, lưu niệm, nội thất và trang trí; 14 sản phẩm du lịch...). Trong đó, tập trung phát triển 85 sản phẩm chủ lực có lợi thế so sánh và lựa chọn 10 sản phẩm để tập trung đầu tư đạt tiêu chí là sản phẩm cấp tỉnh tham gia vào chuỗi giá trị các sản phẩm quốc gia.

Đồng thời, nhằm tạo nên bước đột phá, UBND tỉnh ban hành chương trình hành động triển khai thực hiện phát triển nông nghiệp công nghệ cao, sâm Ngọc Linh và các dược liệu khác gắn với xây dựng liên kết chuỗi giá trị và phát triển thương hiệu trên địa bàn tỉnh (theo Quyết định 31/QĐ-UBND ngày 10/1/2019 của UBND tỉnh về Chương trình hành động triển khai thực hiện 3 lĩnh vực đột phá phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 trên địa bàn tỉnh).

Theo đó, toàn tỉnh phấn đấu trong năm 2019 có ít nhất 2 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được thành lập, đi vào hoạt động (tại thành phố Kon Tum và huyện Đăk Hà); hình thành ít nhất 5 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó có 1 vùng sản xuất rau, hoa, củ, quả an toàn, cá nước lạnh, sản phẩm từ gia súc ứng dụng công nghệ cao tại huyện Kon Plông và 1 vùng sản xuất cà phê ứng dụng công nghệ cao tại huyện Đăk Hà; hình thành các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại những địa bàn có điều kiện thuận lợi nhằm tạo ra sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ theo hướng công nghiệp.

Về phát triển sâm Ngọc Linh, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp đầu tư, phát triển sâm Ngọc Linh và các dược liệu khác.

Theo đó, các đơn vị được giao nhiệm vụ phối hợp với các tổ chức chuyên nghiệp về công nghệ thông tin, nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ để từng bước xây dựng và tổ chức thực hiện việc truy xuất nguồn gốc các sản phẩm có nguồn gốc từ sâm Ngọc Linh và dược liệu trên địa bàn tỉnh; phấn đấu đến năm 2020 có 100% các sản phẩm có nguồn gốc từ sâm Ngọc Linh Kon Tum và dược liệu trên thị trường có thể truy xuất nguồn gốc rõ ràng.

Trong sản xuất sâm Ngọc Linh và các dược liệu, tỉnh chủ trương lấy doanh nghiệp làm hạt nhân để xây dựng chiến lược đầu tư, phát triển gắn với chế biến sâu, xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất và phân phối dược liệu có sự tham gia của người dân; ưu tiên các doanh nghiệp có ứng dụng khoa học công nghệ cao và sử dụng lao động tại chỗ để thực hiện các dự án.

Liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị không chỉ là chủ trương, mà còn là đòi hỏi để sản xuất nông nghiệp ở tỉnh phát triển ổn định và bền vững; từ đó, từng bước đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh - một trong những thế mạnh của địa phương, từng bước nâng cao thu nhập của người dân, góp phần xây dựng tỉnh Kon Tum mạnh về kinh tế, vững về quốc phòng - an ninh, tương xứng với vị thế chiến lược của tỉnh trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên. 

Văn Nhiên

Chuyên mục khác